Theo đạo luật chống tin tức giả vừa được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ban hành, nếu lan truyền những thông tin sai sự thật, tạo ra mối đe dọa gây tổn hại đối với tính mạng hoặc sức khỏe của người dân, vi phạm trật tự công cộng sẽ bị xử phạt hành chính 30.000 - 100.000 ruble đối với cá nhân; 60.000 - 200.000 ruble đối với quan chức. Mức phạt này sẽ tăng lên đối với hành vi phổ biến trên các phương tiện thông tin và Internet thông tin giả mạo gây ra chết người, làm phương hại sức khỏe hay tài sản, cũng như ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông hay xã hội, viễn thông, năng lượng. Trang mạng hay trang tin tức nào không tuân thủ sẽ bị chặn. Mức phạt có thể lên tới 1,5 triệu ruble.
Ngoài đạo luật chống nạn tin giả, Tổng thống Putin còn ký ban hành đạo luật nhằm xử lý các thông tin có nội dung xúc phạm các biểu tượng và thể chế nhà nước. Người vi phạm sẽ bị phạt với mức tối đa là 300.000 ruble. Trong trường hợp phát hiện thông tin dạng này, các cơ quan chức năng sẽ yêu cầu áp dụng các biện pháp loại bỏ và ngăn chặn lan truyền. Nếu trong vòng 24 giờ không thực hiện yêu cầu của cơ quan chức năng, trang web chứa thông tin vi phạm sẽ bị đóng. Những cá nhân tái phạm có thể phạt tù 15 ngày.
Hai đạo luật trên được soạn thảo khi giới nghị sĩ Nga liên tục nhấn mạnh đến việc cần phải có biện pháp hạn chế việc lan truyền thông tin giả mạo tại Nga. Các tác giả đề xuất luật trên cho biết, tin tức giả lan truyền trên Internet có thể hủy hoại an ninh quốc gia. Điển hình là việc thông tin về vụ nổ trước ngày đón năm mới làm nhiều người thương vong ở thành phố công nghiệp Magnitogorsk. Thời điểm đó ở Nga liên tục xuất hiện nhiều phiên bản về sự việc. Trong khi giới chức Nga khẳng định đây là một vụ nổ khí gas, giới truyền thông xã hội lại cho rằng đây có thể là một vụ tấn công khủng bố. Hai tuần sau khi xảy ra vụ việc còn xuất hiện thông tin cho biết, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thừa nhận thực hiện vụ tấn công, khiến dư luận hoang mang và nhầm lẫn.
Trước thời điểm luật được thông qua, dù nhận được sự ủng hộ đông đảo, nhưng ở Nga vẫn có một số phản ứng trái chiều. Phản ứng với quan điểm không ủng hộ dự luật, một trong những tác giả của dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng hiến pháp của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Andrey Klishas khẳng định, các hình phạt cho việc phổ biến thông tin sai lệch và hạn chế quyền truy cập đến nội dung này không làm mất quyền công dân theo hiến pháp. Dự luật không vi phạm quyền tự do ngôn luận hay thúc đẩy việc kiểm duyệt trên Internet.