(SGGP0).- Chiều nay, 22-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Những nội dung được đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm vẫn là quy định về thu hồi đất và giá bồi thường đất nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân và làm nguội dần khiếu kiện đất đai.
Hạn chế tiêu cực, khắc phục “4 sai”
Nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên họp tỏ ra chưa thực sự yên tâm với các quy định về thu hồi đất. Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho rằng, “thu hồi đất” chỉ phù hợp các trường hợp vi phạm. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đánh giá, quy định thu hồi đất cho dự án phát triển kinh tế - xã hội là hợp lý. Tuy vậy, cần quy định chặt chẽ để tránh lạm dụng, phục vụ lợi ích nhóm. Trong khi đó, đại biểu Lê Trọng Sang (TP.HCM) băn khoăn: nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhưng dự thảo vẫn giữ quy định này. Dù rút cuộc vẫn đồng ý dự luật có quy định này, song ông Sang kiến nghị, cần điều chỉnh thu hẹp đối tượng dự án kinh tế - xã hội được thu hồi đất để hạn chế tối đa nạn lạm dụng, gây thêm khiếu kiện.
Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đặt vấn đề: “Liệu có cần tất cả các dự án đều thu hồi đất theo cơ chế hành chính? Cần quy định rõ hơn những trường hợp nhà đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất khi thu hồi”.
Đáng lưu ý, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) kiến nghị bổ sung quy định về trách nhiệm cá nhân lãnh đạo chính quyền địa phương khi thu hồi đất để khắc phục 4 sai phạm phổ biến hiện nay (sai quy hoạch, sai thẩm quyền, sai quy định, sai đối tượng) và xem đây như giải pháp tích cực để phòng chống tiêu cực, tham nhũng, khiếu kiện tố cáo liên quan đến đất đai.
Không để lợi ích vào tay kẻ “ôm” đất
Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng, cần bổ sung chế tài mạnh hơn đối với dự án treo, bỏ đất hoang hóa. “Nhiều dự án sau khi được giao đất thường xây dựng tường rào bịt kín mà không xây nhà xưởng hòng để kéo dài nhiều năm sau này bán dự án mà không đưa vào sử dụng. Với dạng dự án này, phải kiên quyết thu hồi, không bồi thường. Nếu chủ đầu tư không chấp hành, sẽ cưỡng chế thu hồi theo luật định”, ông Dân kiến nghị mạnh mẽ. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cũng đồng ý quy định “không bồi thường khi thu hồi đất vi phạm” nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất và hạn chế nạn “ôm” đất để đầu cơ.
Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) thì cho rằng cần quy trách nhiệm người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật đất đai. Ông nói: “Cần quy định rõ chế tài “tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý hành chính hoặc pháp luật hình sự đối với người đứng đầu tổ chức sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai”.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, quy hoạch treo gây lãng phí, cử tri rất bức xúc. Do đó, dự luật cần khẳng định dứt khoát thời hạn kỳ quy hoạch sử dụng đất. Ông lập luận: “Cần nói rõ thời hạn quy hoạch 10 năm hay 20 năm. Cá nhân tôi cho là 10 năm là hợp lý. Sau đó, nếu thấy không còn phù hợp, có thể điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch, chấm dứt tình trạng “đủng đỉnh” khi thực hiện quy hoạch đất đai”.
“Giá đất phổ biến trên thị trường” là quy định khá mơ hồ
Cho rằng nguyên tắc bồi thường đất trong dự thảo chưa thỏa đáng, đại biểu Nguyễn Bắc Việt đề xuất bổ sung quy định “phương án bồi thường nào có lợi cho dân nhất thì thực hiện”. Cùng với đó, các đoàn thế, tổ chức xã hội phải tham gia giám sát việc bồi thường, bởi đây chính là khâu này dễ có tiêu cực nhất. Giám sát tốt, khiếu kiện sẽ giảm.
Cho rằng quy định “giá đất phải sát thị trường” có từ Luật Đất đai 2003 nhưng thủ tục định giá lại chưa minh bạch, tạo kẽ hỡ cho một số kẻ làm giàu nhanh chóng trong khi dân thiệt đơn thiệt kép, đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) phản ánh: “Dự luật đưa khái niệm “giá đất phổ biến trên thị trường” cũng chỉ là thay câu chữ, không tạo ra sự khác biệt. Cần quy định bắt buộc có tư vấn định giá đất khi xây dựng giá bồi thường hoặc giải quyết khiếu nại về giá đất, giúp hạn chế sự tùy tiện của cơ quan quản lý khi xác định giá đất”.
Thêm vào đó, trình tự, thủ tục xác định giá đất cũng phải làm rõ. Không thể để tái diễn tình trạng tiền đền bù không mua nổi suất đất tái định cư.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cũng cho rằng, định giá đất cực kỳ nhạy cảm, liên quan trực tiếp quyền lợi của doanh nghiệp, người dân và Nhà nước. Nguyên tắc “giá đất phổ biến trên thị trường” chưa đảm bảo tính minh bạch, bởi giá đất biến động rất lớn, có khi thay đổi theo ngày.
Ông Huỳnh Nghĩa bình luận: “Khái niệm giá thị trường rất mơ hồ nên thực tế nhiều năm qua, giá bồi thường chưa bao giờ khớp với giá “tiền tươi thóc thật” trên thị trường, dẫn tới người dân liên tục khiếu nại. Do đó, cần có những tổ chức định giá độc lập để giá phù hợp với thị trường, khách quan và trung thực, đảm bảo quyền lợi các bên liên quan. Trường hợp giá đất biến động lớn thì giá bồi thường cũng phải điều chỉnh”.
Chấm dứt tình trạng “9 không”
Sáng 22-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy với tỷ lệ tán thành 85,74% trên tổng số đại biểu. Quốc hội cũng đã thảo luận ở Hội trường về tình hình triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội Khóa XIII thông qua.
Về vấn đề này, Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày tại phiên họp ghi nhận, từ đầu nhiệm kỳ QH Khóa XIII đến nay, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan đã có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Mặc dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết còn nhiều hạn chế.
Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao rà soát lại, báo cáo rõ hơn những văn bản thuộc trách nhiệm của bộ, ngành nào chưa được triển khai thực hiện tốt, từ đó xác định nguyên nhân, trách nhiệm và có kiến nghị giải pháp cụ thể.
Bên cạnh đó, cần đánh giá mức độ tác động của các luật, pháp lệnh, nghị quyết được ban hành đi vào cuộc sống, tác động như thế nào đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, môi trường, đời sống của nhân dân…; làm rõ và đánh giá cụ thể về tính khả thi trong việc dự trù và thực hiện nguồn kinh phí để thực hiện các quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được ban hành.
Nhiều ý kiến thảo luận tại Hội trường sáng nay bày tỏ đồng tình cao với Báo cáo của Ủy ban Pháp luật về vấn đề này. Đại biểu. Quốc hội Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho rằng vẫn còn tình trạng “nợ” văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt có những văn bản chỉ tồn tại trong thời hạn quá ngắn; từ đó dẫn đến việc luật chậm đi vào cuộc sống, tính nghiêm minh và nhất quán của pháp luật không được bảo đảm. Nhiều chính sách được quy định trong luật và pháp lệnh nhưng không thể thực hiện được do không có văn bản hướng dẫn, đơn cử như việc giải quyết chế độ chính sách đối với người bị nhiễm chất độc hóa học dioxin...
Đại biểu Thụy đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội kiên quyết không đưa vào chương trình kỳ họp những dự án luật không bảo đảm quy định. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn, bảo đảm đủ nguồn lực cho công tác này để sớm khắc phục tình trạng “9 không” đang tồn tại trong thực tế ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Đó là “không đầy đủ, không rõ ràng, không cụ thể, không tương thích, không minh bạch, không tiên lượng trước, không hợp lý, không hiệu quả và không hiệu lực”.
Nhìn nhận rằng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong suốt nhiệm kỳ Khóa XIII của Quốc hội là rất lớn, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) lưu ý: Khi thông qua Hiến pháp sửa đổi thì số lượng luật, pháp lệnh phải thông qua tại Kỳ họp thứ Mười sẽ tăng lên rất nhiều. Đây là một áp lực cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, do số lượng luật lớn, nhiều luật có nội dung dài nên khả năng tiếp thu của các đối tượng điều chỉnh còn thấp. Trong khi đó, khả năng tuyên truyền luật, pháp lệnh chưa sâu rộng; việc phối hợp giữa các cơ quan soạn thảo, tổ biên tập còn thiếu đồng bộ, chất lượng cán bộ tham gia soạn thảo văn bản còn hạn chế... Ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị ban soạn thảo khi đề xuất luật cần xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cuộc sống, các chính sách phải phù hợp với ngân sách, tính khả thi cao.
ANH PHƯƠNG