Đi vào trái tim khán giả
Mắt biếc mở màn với phân cảnh Ngạn (Trần Nghĩa) đứng nơi cổng trường chờ Hà Lan, nhưng vô vọng. Nếu ai đã từng đọc tác phẩm này của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, hẳn sẽ hiểu vì sao đạo diễn Victor Vũ lại lựa chọn sự mở đầu ấy.
Câu chuyện của Mắt biếc trên trang sách đã nằm lòng với rất nhiều khán giả. Thế nhưng, từ những trang sách tưởng đã quen thuộc ấy, từng nhân vật, bối cảnh, ngôi nhà, góc chợ, con đường và thậm chí, từng ngọn cỏ, lá cây đã bước lên màn ảnh rộng một cách sống động. Chủ nghĩa duy mỹ được đẩy lên ở mức cao nhất với những cung bậc cảm xúc chỉ chờ trào ra.
Hơn 100 phút phim trên màn ảnh sẽ khiến nhiều người tiếc nuối, đặc biệt ở phần đầu, mọi thứ diễn ra có phần chóng vánh và vội vàng. Thế nhưng, với những gì đã được tinh giản, Mắt biếc vẫn vừa vặn. Hành trình đã đi qua của Ngạn và Hà Lan từ lần gặp nhau đầu tiên trong lớp học cho đến khi chuyến tàu rời bến trên sân ga, thật trọn vẹn. Ở đó, nỗi buồn chẳng hề nguôi ngoai, trái lại nó ám ảnh và day dứt. Mừng là cả Trúc Anh và Trần Nghĩa đều truyền tải được cảm xúc đó của nhân vật. Trần Nghĩa đã có màn chào sân điện ảnh đầy tính phát hiện.
Dàn diễn viên trong phim từ chính đến phụ đều được sắp xếp để trở thành những mảnh ghép không thể thiếu. Từ Trà Long (Khánh Vân), Dũng (Trần Nghĩa) cho đến các diễn viên chỉ lướt qua vài giây, đều như thể bước ra từ câu chuyện và bước thẳng vào trái tim khán giả. Đạo diễn Victor Vũ thực sự đã chạm vào tâm hồn của nhân vật, điều mà anh chưa thành công trong những dự án trước đó.
Chỉn chu và cầu toàn
Đạo diễn Victor Vũ chia sẻ, tái hiện lại các cảnh thời xưa là một thách thức lớn, vì có nhiều thứ không còn tồn tại. Để có hình ảnh đường phố thành thị trên phim, ê kíp đã phải rong ruổi khắp thành phố Huế, tìm cho bằng được những con đường ưng ý. Sau đó, mặt phố, biển hiệu, đèn đường, phương tiện giao thông, quán xá vỉa hè… bộ phận thiết kế hầu như phải thay đổi lại cho phù hợp.
Một trong những phân cảnh được yêu thích nhất là cảnh nữ sinh tan trường, đoàn phim đã gặp gỡ hơn 2.000 bạn nữ sinh để chọn ra 200 gương mặt với nét đẹp mộc mạc ngày xưa nhất. Bộ phận phục trang mất 5 ngày, từ sáng sớm đến tối muộn, may hơn trăm bộ áo dài kiểu cũ cho các diễn viên quần chúng.
Phân cảnh lãng mạn nhất trong rừng sim đã được tái hiện lại trên đồi Thiên An. Và cuối cùng, không thể không nhắc tới chợ Đo Đo, nơi chứa bao cảm xúc, kỷ niệm của tuổi thơ. Tổ thiết kế đã chuẩn bị từng sạp hàng, từng loại nông sản, từng khu vực trong và ngoài chợ. Thiết kế, bối cảnh, phục trang, make up, hình ảnh và màu sắc trong phim đều liên kết, thống nhất và đẹp.
Trước ngày ra mắt chính thức, các ca khúc nhạc phim Mắt biếc liên tục gây sốt, đặc biệt ca khúc chủ đề Có chàng trai viết lên cây. Lần đầu tiên nghe ca khúc này, đạo diễn Victor Vũ đã giật mình vì giai điệu và ca từ ấy dường như dành riêng cho Mắt biếc. Anh quyết định thuyết phục nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh viết toàn bộ các ca khúc cho phim, yêu cầu là mỗi ca khúc nói hộ nỗi lòng chàng si tình, gắn với những biến đổi theo từng giai đoạn khác nhau.
Nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh chia sẻ, anh mất gần một năm để sáng tác và hoàn thiện 3 ca khúc mới này. Ngoài 3 bài hát được sáng tác riêng, phim còn sử dụng 7 ca khúc của thập niên 70. Điểm nhấn đặc biệt ở phần nhạc phim là được đầu tư cả dàn nhạc giao hưởng gồm 20 nhạc công châu Âu, thu Orchestra cho phim tại Bulgary.
Mắt biếc có các suất chiếu sớm ngày 19-12, trước khi công chiếu rộng rãi từ ngày 20-12 tại tất cả các cụm rạp trên toàn quốc.