“Mắt biển” Tây Nam

“Mắt biển” Tây Nam

Hệ thống hải đăng được mệnh danh “Mắt biển” do Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Tây Nam bộ (thuộc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam) quản lý từ địa phận phía Tây tỉnh Tiền Giang đến hết tỉnh Kiên Giang, bao gồm các vùng đất liền, bờ biển và hải đảo, với 14 cây đèn biển, 8 tuyến luồng và 144 biển báo hiệu dẫn luồng. Trong đó, có những ngọn hải đăng hình thành lâu đời nhưng cũng có những ngọn hải đăng mới được xây dựng để góp phần vào sự phát triển hệ thống hải đăng trong cả nước.

1. Trước khi thực hiện hành trình, lãnh đạo Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Tây Nam bộ đã nói với chúng tôi như vậy. Các anh cũng nói thêm, nếu tính tuổi thọ thì hải đăng ở Núi Nai nằm trên đỉnh Mũi Nai, phường Pháo Đài, thị xã Hà Tiên (Kiên Giang), được người Pháp xây dựng năm 1896, giúp tàu thuyền nhận biết được vị trí và phương hướng hàng hải của mình trong vùng biển Kiên Giang và vịnh Thái Lan. Mãi đến năm 2000, công ty mới đầu tư xây dựng kiên cố tháp đèn này, với kết cấu bê tông cốt thép, dạng hình khối vuông, chiều cao tháp đèn 16m, chiều cao tâm sáng 112m so với mực nước số “0” hải đồ. Hải đăng Núi Nai có tầm hiệu lực ánh sáng 19 hải lý, tầm nhìn địa lý 27 hải lý; ánh sáng trắng, chớp nhóm 2, chu kỳ 10 giây. Đây là một trong những ngọn hải đăng lâu đời nhất Việt Nam, có tầm hiệu lực ánh sáng và tầm nhìn địa lý xa nhất, từ đó cho thấy tầm quan trọng của nó đối với hoạt động hàng hải của tàu thuyền quốc tế cũng như trong nước qua vùng vịnh Thái Lan. Đây cũng là nơi giáp ranh với nước bạn Campuchia. Ngoài tác dụng hướng dẫn tàu thuyền qua lại an toàn, hải đăng Núi Nai còn thể hiện chủ quyền đất nước trong vùng biển vịnh Thái Lan và khẳng định với thế giới về Việt Nam là một quốc gia ven biển có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Trải qua gần 120 năm, dù sóng gió khắc nghiệt hay chiến tranh tàn phá, ngọn hải đăng Núi Nai vẫn kiên gan bền bỉ làm nhiệm vụ soi đường, chỉ lối cho tàu thuyền cập bến an toàn. Chính vì vậy, mọi người ví đó như “Mắt biển” khổng lồ trong khu vực này.

Công nhân bảo dưỡng đèn hải đăng An Thới.

Còn nhớ, hồi đi dự Trại sáng tác văn học về đề tài “Giao thông vận tải” ở TPHCM (tháng 10-2014), chị Nguyễn Thị Thu An, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam đã chia sẻ rằng, nếu ở các đảo trên biển Việt Nam, ngoài lực lượng bộ đội làm nhiệm vụ, còn có những công nhân gác đèn biển. Họ âm thầm, lặng lẽ thực hiện trách nhiệm nhưng ít được nhiều người biết đến. Cũng có thể nhiệm vụ của họ không phải đối mặt với hiểm nguy luôn rình rập, thậm chí khi cần sẵn sàng đổ máu và hy sinh; nhưng trong họ luôn có những khát khao như bao bạn bè cùng lứa, cũng thèm muốn những thú vui đời thường theo bản năng thiên tạo. Có người vì xa cách đất liền quá lâu đã bị stress. Mặt khác, thường xuyên phải xa gia đình và phải thường trực ở trạm nên nhiều công nhân không tìm được người yêu, hôn nhân cũng đến muộn. Còn đối với những người đã có vợ con, vui trước mắt nhưng buồn sau đó, vì chồng thường xuyên vắng nhà nên dễ dẫn đến chuyện trục trặc gia đình, con cái không được chăm sóc chu đáo nên nuôi dạy chưa đến nơi đến chốn. Tuy nỗi nhớ gia đình và người thân luôn thường trực, nhưng trong tâm trí mỗi người gác đèn biển khi thấy ánh sáng ngọn hải đăng tỏa đi giữa muôn trùng khơi thì cảm thấy hạnh phúc, nhờ vậy nỗi cô đơn thường trực cũng được xua tan!

2. Cũng là người lính từng có thời gian công tác ở đảo, tôi đồng cảm với tâm sự của chị Thu An, cũng như nỗi trăn trở của anh Phan Minh Dũng, Trạm trưởng Trạm hải đăng An Thới (Phú Quốc - Kiên Giang). Anh Dũng sinh năm 1978, quê Quảng Ngãi, năm 2000 vào hàng hải và được điều động về hải đăng đảo Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời - Cà Mau). “Năm 2001 tôi chuyển về đây. Nhớ những ngày sống ở Hòn Chuối thấy thương anh em vô cùng. Ngày đó, mọi thứ đều thiếu thốn, nhất là nước ngọt. Mỗi ngày, trạm trưởng cấp cho mỗi người 5 lít nước, ai muốn làm gì thì làm. Còn muốn vào đất liền phải đợi tàu của ngư dân, có khi hai ba ngày mới có tàu để quá giang. Khi về trạm An Thới, tuy còn khó khăn nhưng sinh hoạt, đi lại thuận tiện hơn nhiều. Nhờ vậy tôi mới xác định lấy vợ, còn nếu bên Hòn Chuối chắc tới giờ vẫn còn… ở không”, vừa dứt lời, anh Dũng cười giòn.

Theo anh Dũng, ngọn hải đăng ở An Thới đã có từ lâu, nhưng đến năm 2000 mới được xây dựng kiên cố, riêng tháp đèn làm bằng nhựa composite. Đến năm 2011, tháp đèn mới được xây bê tông cốt thép, cách vị trí cũ 5m, cao 14,3m, chiều cao tâm sáng 79,7m. Hải đăng An Thới sử dụng loại đèn chính VMSS-RB220 và đèn phụ ZL-370A. Tầm hiệu lực ánh sáng và tầm nhìn địa lý đều cùng khoảng cách 15 hải lý.

Anh Dũng kể: “Khu này có diện tích gần 5.000m2. Hồi mới về đây xây trạm, xung quanh toàn cây dại, hốc đá lởm chởm, anh em ở trạm ngoài việc bảo hành, bảo dưỡng thiết bị cũng tranh thủ khai phá, trồng cây ăn quả quanh trạm, nuôi thêm đàn gà cải thiện. Trạm hiện có 7 người chia thành 2 nhóm luân phiên nhau, một tổ trực trạm và một tổ trực ca nô phân luồng. Ngoài tôi quê ở miền Trung, còn lại an hem đều ở các tỉnh miền Bắc. Chúng tôi hay nói vui rằng: Quê nội không gần mà quê ngoại cũng xa! Mà đúng thật. Ví như anh Bùi Đức Tuấn (53 tuổi), quê Hải Phòng còn vợ con ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Hay cùng tuổi anh Tuấn là anh Hoàng Nguyễn Tiến, quê Thái Bình còn vợ con ở Bình Dương. Một người nhiều quê nên đi lại đã cách trở lại tốn kém. Vì vậy, muốn về thăm gia đình phải tính toán rất kỹ.

Các anh cũng vì nhiệm vụ, vì hạnh phúc khi mang lại cho ngư dân sự an toàn trên biển, đành chấp nhận xa vợ con. Có một câu chuyện mà mỗi khi nhắc lại anh Dũng đều xúc động. Đó là anh công nhân ở Hải Phòng, yêu người con gái cùng quê. Anh đã tích cóp, dành dụm tiền lương để nuôi cô này 4 năm đại học. Tốt nghiệp xong, cô này chia tay khiến anh bị sốc nặng, ảnh hưởng đến tinh thần phải chuyển ngành sang nhiệm vụ khác. Anh Dũng nói: “Anh biết đó, lương tháng của chúng tôi còn khiêm tốn. Thấp nhất khoảng 6 triệu đồng/tháng, còn Trạm trưởng như tôi khoảng 11 triệu đồng. Tuy nhiên, cho dù thế nào những người gác đèn biển cũng không rời vị trí, bởi khi đã chấp nhận và yêu nghề thì khó khăn mấy cũng cố gắng vượt qua”.

3. Cũng như Trạm hải đăng An Thới, công việc hàng ngày của công nhân ở Trạm hải đăng Thổ Chu (Phú Quốc - Kiên Giang) là trực ca khép kín 24/24 giờ. Ban ngày, công việc chính là trực thông tin liên lạc, quan sát hoạt động hàng hải khu vực xung quanh trạm, bảo dưỡng, bảo trì, vệ sinh hệ thống máy móc, thiết bị như: máy phát điện, hệ thống ắc quy, năng lượng mặt trời. Đối với các thiết bị đèn biển thì lau chùi thấu kính, lồng kính bảo vệ, kiểm tra hệ thống dây dẫn điện, kiểm tra độ trùng tâm của thấu kính với tâm sợi tóc bóng đèn, kiểm tra cường độ ánh sáng, chu kỳ chớp của đèn biển. Ban đêm được tính từ 18 giờ ngày hôm trước, khi đèn được vận hành phát sáng, đến 6 giờ ngày hôm sau. Lúc này, những công nhân ở trạm phải chia ca trực bảo vệ, trực máy phát điện và đặc biệt trực đảm bảo cho đèn hoạt động liên tục 24/24 giờ. Theo anh Nguyễn Đức Trụ, Trạm trưởng Trạm hải đăng Thổ Chu, giải thích, ngọn hải đăng Thổ Chu đặt trên đỉnh cao thứ hai của xã đảo khoảng 150m so với mặt nước biển. Đây là vị trí rất thuận tiện cho tàu bè quan sát. Tháp đèn cao 18m, tâm sáng 140m, tầm hiệu lực 29 hải lý vào ban ngày và 12 hải lý vào ban đêm, đặc tính chớp nhóm 4, chu kỳ 15 giây. Như vậy, đủ sáng để tàu đánh cá, hàng hải quốc tế định hướng hải phận Việt Nam, cụ thể là vùng biển Kiên Giang và Cà Mau trên vịnh Thái Lan. Chỉ tay lên tháp đèn, anh Trụ nói với giọng tự hào: “Ban ngày, tháp đèn là nơi quan sát toàn đảo, giống như người lính hiên ngang bảo vệ lãnh thổ một vùng biển cả mênh mông. Còn khi đêm xuống, ánh đèn rực sáng xua tan bóng tối, đem lại sự an tâm cho ngư dân ra khơi khai thác hải sản, làm giàu cho gia đình và xã hội, đồng thời khẳng định chủ quyền đất nước”.

Ở Trạm Thổ Chu có 5 người đều lập gia đình riêng nhưng “quê nội không gần mà quê ngoại cũng xa”. Như anh Trụ có vợ và 2 con ở TPHCM được xem là… gần nhất. Thông thường, vài tháng các anh luân phiên nhau về thăm gia đình đôi ngày, song khi mùa biển động, tàu không ra đảo được, có người cả năm mới về một lần. Lúc đi vội vàng thế nào thì khi trở ra cũng vội vàng như vậy, nếu bị trễ tàu sẽ nằm ở đảo Phú Quốc đợi tuần sau. Hỏi về những thiếu thốn, khó khăn khi xa gia đình, các anh đều không muốn nói, cho dù so với Trạm hải đăng An Thới thì ở đây vất vả và cách trở hơn nhiều. Có lẽ, chỉ có các anh mới thấu hiểu tường tận gốc rễ của nỗi buồn thầm kín riêng tư ấy nhưng vì nhiệm vụ nên cũng chẳng muốn chia sẻ, sợ làm xót lòng khách. Các anh cứ nói rôm rả, cười sang sảng, tếu táu đủ chuyện với bạn bè, nhưng nào ai biết lúc các anh ngồi gác đèn biển sẽ cô đơn đến dường nào khi nhớ về gia đình nhỏ bé của mình?!

Anh Trụ chia sẻ: “Công việc của chúng tôi tưởng chừng đơn giản nhưng mọi sai sót đều có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với người đi biển. Ví như họ không xác định được vị trí, phương hướng hàng hải của mình trên biển, có thể dẫn đến tình trạng đâm va giữa các tàu”. Chính vì vậy, để các tàu thuyền qua lại an toàn trong khu vực, các anh không quản ngày đêm, không ngại xa gia đình, chấp nhận làm việc trong môi trường tiếp xúc với ắc quy, axít, thiết bị máy móc, vật liệu dẫn điện, bất kể nắng mưa hay bão tố đều phải đảm bảo cho ngọn hải đăng không bao giờ được tắt. Đã vậy, do nhiễm nước biển mặn nên những ngọn hải đăng hay bị gỉ sét, nếu không bảo quản thường xuyên đèn dễ chập, cháy, thế nên các anh phải bảo quản, bảo dưỡng trong điều kiện “nắng cháy da, gió rát mặt” hoặc trong lồng đèn với nhiệt độ cao, biết rằng sẽ bị mất nước, ảnh hưởng đến sức khỏe. Mặt khác, các anh phải làm việc trên độ cao lớn, không gian chật hẹp như các tháp đèn, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động… Cho dù các anh luôn đối diện với vô vàn khó khăn, vất vả, nhưng vượt lên trên hết là tình yêu nghề, yêu biển đảo và trách nhiệm với đất nước. Các anh sẵn sàng hy sinh tuổi xuân, hy sinh những giá trị cả vật chất lẫn tinh thần của một con người bình thường để cống hiến vì sự phát triển của biển đảo quê hương.

Và đêm nay, một đêm không trăng ngồi với các anh dưới chân ngọn hải đăng Thổ Chu, mắt nhìn những tia chớp đèn biển mà nghe anh Trụ ngân nga bài thơ Nguồn sáng ấy của tác giả Đào Công Điện với những lời da diết như nỗi lòng của các anh:

Chính giữa đại dương hiếm muộn ánh đèn
Anh hạnh phúc hớp từng nguồn sáng rọi
Đỉnh hải đăng mắt khuya êm ái gọi
Dẫn cánh-buồm-hồn-anh thoát khỏi bóng đen…

HỒ KIÊN GIANG

Tin cùng chuyên mục