“Mặt cười” và “mặt méo”

Việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở ra cơ hội cho nền kinh tế phát triển, có thêm thị trường rộng lớn từ các nước thành viên, nhưng để chạm được cơ hội cần phải biết cách vượt qua thách thức khi sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn nhỏ lẻ, yếu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm...
“Mặt cười” và “mặt méo”

Việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở ra cơ hội cho nền kinh tế phát triển, có thêm thị trường rộng lớn từ các nước thành viên, nhưng để chạm được cơ hội cần phải biết cách vượt qua thách thức khi sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn nhỏ lẻ, yếu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm...

Thanh long ruột đỏ trồng tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Bài học từ Đài Loan 

Mới đây, trong chuyến tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác của đoàn doanh nghiệp Đài Loan dưới sự trung gian của Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), ông Tsai I Chang, Giám đốc Công ty 3I (chuyên gia tư vấn phát triển nông nghiệp công nghệ cao), cho biết Đài Loan nổi tiếng về sản xuất và xuất khẩu linh kiện điện tử, vi tính, điện thoại di động… nhưng trước đó, dù với 3/4 lãnh thổ là đồi núi, Đài Loan đã dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Hiện Đài Loan dẫn đầu về nghiên cứu, lai tạo và xuất khẩu giống lan Hồ Điệp; chiếm 40% lượng xuất khẩu cá bống mú trên thế giới, không chỉ nuôi cá bống mú trong lồng bè mà còn nghiên cứu để nuôi cả trong nhà. Từng là nước xuất khẩu chuối hàng đầu thế giới từ nhiều thập niên trước nhờ ứng dụng công nghệ cao, giờ đây, dù không còn là nước xuất khẩu nhiều nhất nhưng mỗi trái chuối của Đài Loan xuất khẩu giá 1USD, xoài cũng gần 10USD/trái. Giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp thấp nhất cũng đem lại 70.000USD/năm… Đó là những con số sơ nét của ngành nông nghiệp Đài Loan - vùng lãnh thổ mà nền nông nghiệp Việt Nam có những điểm khá tương đồng.

Do diện tích sản xuất nông nghiệp không nhiều, ngay từ đầu Đài Loan đã xác định chiến lược để khắc phục những hạn chế khi ứng dụng tiến bộ khoa học, đặc biệt là công nghệ cao để có thể tạo ra giá trị cao nhất trên diện tích nông nghiệp nhỏ, lẻ. Nông nghiệp của Đài Loan xác định 3 tiêu chí: An toàn, thương hiệu và giá trị cao; trong đó an toàn là tiêu chí cơ bản. Thời gian đầu, nông dân cũng tìm cách để có sản lượng cao nên dùng nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu… ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và người tiêu dùng. Nhưng sau đó, bằng các chính sách, Đài Loan đã dần áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nên loại trừ được các yếu tố tiêu cực trên. Không chỉ sản xuất nông sản để cạnh tranh, Đài Loan còn hướng đến việc xây dựng thương hiệu khá sớm để người tiêu dùng tin tưởng với các sản phẩm nông nghiệp an toàn và chất lượng. Với hoa lan, đặc biệt lan Hồ Điệp, để giúp ngành này phát triển căn cơ, Đài Loan tổ chức các hội chợ quốc tế, giới thiệu hàng loạt giống lan mới, đẹp, thi cắm hoa… nhằm giới thiệu và thu hút khách hàng trên toàn thế giới đến với hội chợ. Khu chuyên trồng lan giờ đây còn được tổ chức thành khu du lịch sinh thái. Qua đó, sản phẩm không chỉ có giá trị cao về kinh tế mà còn nâng cao giá trị văn hóa, con người của lãnh thổ này; xoài Đài Loan không chỉ ngon mà còn ẩn chứa bên trong cái tâm của người đã thổi hồn vào từng quả xoài. 10 năm trước, Đài Loan là vương quốc tôm sú nhưng sau đó bị virus và nguồn nước ô nhiễm, nên gần đây chuyển sang nuôi tôm công nghệ cao, không sử dụng thuốc kháng sinh, thu hoạch lên có thể ăn ngay.

Tăng cường hợp tác quốc tế

Khi trở lại TPHCM sau nhiều năm, ông Tsai I Chang ngạc nhiên về sự phát triển của nền nông nghiệp đô thị. TPHCM cũng có Khu Nông nghiệp công nghệ cao, thu hút nhà đầu tư chuyên sản xuất giống, cây có giá trị, đó là cách Đài Loan và thế giới đã từng áp dụng. Ngành trồng lan của TPHCM, dù còn khá mới nhưng đã cho thấy tiềm năng phát triển với việc quy hoạch và có chính sách khuyến khích đầu tư, cũng như mạnh dạn đầu tư khoa học cơ bản khi xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Bài học từ Đài Loan là nên tổ chức các hội chợ triển lãm hoa lan quốc tế. Có thể lúc đầu hội chợ chỉ mang tính nội địa, nhằm giới thiệu các giống mới cho người trồng. Khi đã có tiếng sẽ thu hút khách hàng từ các nước đến tham gia. Kinh nghiệm cho thấy, cần có phương án cụ thể; trong đó, tạo điều kiện để nâng cao sức cạnh tranh, quản lý hiệu quả và hợp tác quốc tế. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, doanh nghiệp chịu đầu tư và nông dân phối hợp sản xuất. Khi Chính phủ và doanh nghiệp cùng bắt tay với hướng đi rõ ràng sẽ mang lại lợi ích cho nông dân hơn khi chuyển giao công nghệ, kỹ thuật để phát triển sản xuất ra các sản phẩm có giá trị cao.

Về thị trường, hơn 30 năm trước, nông nghiệp Đài Loan hướng đến Nhật Bản như thị trường xuất khẩu chính nên sản xuất theo chuẩn an toàn, chất lượng của đất nước mặt trời mọc. Tuy nhiên, dù làm tốt nhưng người tiêu dùng Nhật Bản chưa biết đến nhiều nên lãnh đạo địa phương phải sang tận Nhật Bản để quảng bá thương hiệu của quả xoài Đài Loan. Từ đó, giá trị sản phẩm tăng lên, nông dân có thu nhập cao, đời sống sung túc hơn. Ông Tsai I Chang tự hào cho rằng, đó là nền nông nghiệp “mặt cười”. Ngược lại, sản xuất nông nghiệp không an toàn, chất lượng thấp, dư lượng thuốc trừ sâu, khó tiêu thụ, nông dân bị ép giá… đó là nền nông nghiệp “mặt méo” và phải thay đổi ngay.

TPHCM và khu vực lân cận có nhiều điều kiện tương đồng để có thể đi theo con đường nông nghiệp “mặt cười”. Muốn vậy, trước hết phải chọn ra sản phẩm có thế mạnh, từ đó xây dựng mô hình sản xuất và nhân rộng thành vùng nguyên liệu; trong đó không thể thiếu khâu ứng dụng tiến bộ khoa học, không chỉ trong sản xuất mà cả trong vận hành, quản lý; và điều cũng không thể thiếu là phải năng động, tích cực trong việc tăng cường hợp tác quốc tế.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục