Mất đất vì một bản án “xa lạ”

Mất đất vì một bản án “xa lạ”

Khi UBND phường Thạnh Mỹ Lợi quận 2 (TPHCM) thông báo mảnh đất gia đình bà Phan Thị Sam đang sử dụng đã được bán cho Công ty cổ phần May - Xây dựng Huy Hoàng, cả nhà bà tá hỏa. Từ đó bắt đầu một hành trình gian nan đi tìm chứng cứ khởi kiện…

Bỗng nhiên mất đất

Theo bà Phan Thị Sam, phần đất có diện tích 7.392m² tại phường Thạnh Mỹ Lợi do gia đình bà sử dụng được UBND huyện Thủ Đức cũ (nay là quận 2) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (còn gọi là sổ đỏ) cho chồng bà là ông Đào Văn Bên (ông Bên đã chết vào năm 1993). Năm 1995, do hoàn cảnh khó khăn, bà Sam thế chấp giấy tờ đất tại Ngân hàng Công thương chi nhánh 14.

Đến hạn, không có tiền trả nợ nên bà Sam có nhờ người đứng ra giải chấp và giao sổ đỏ cho người này cất giữ. Sự việc sau đó chìm vào quên lãng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, gia đình bà vẫn thu hoa lợi từ việc cho thuê canh tác trên mảnh đất này nhưng không có sổ đỏ.

Năm 2005, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 2 có văn bản cho bà Sam biết toàn bộ diện tích đất của bà nằm trong phạm vi giải tỏa của 2 dự án Thạnh Mỹ Lợi B và đường Vành đai phía Đông, sổ đỏ của gia đình bà do Công ty Huy Hoàng lưu giữ.

Sau đó, bà nộp đơn đến phường Thạnh Mỹ Lợi nhờ can thiệp, yêu cầu công ty trả lại sổ đỏ hoặc bồi thường giá trị đất thỏa đáng cho gia đình bà.

Phía Công ty Huy Hoàng chỉ đồng ý hỗ trợ 30 triệu đồng cho bà Sam với lý do bà đã ký tờ giao kèo sang nhượng mảnh đất này cho công ty, đã nhận đủ tiền đền bù và giao sổ đỏ cho công ty.

Ngoài ra, tại bản án xét xử phúc thẩm vụ Bùi Thiện Lộc và Nguyễn Thị Chúc Mai lừa đảo chiếm đoạt tiền của Công ty Huy Hoàng, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM đã tuyên giao cho Công ty Huy Hoàng sử dụng 49.215m², trong đó có diện tích đất của bà Sam.

Cho rằng chưa bao giờ ký giấy bán đất cho Công ty Huy Hoàng nên bà Sam khởi kiện vụ việc ra TAND quận 2. Tuy nhiên, cũng với lập luận việc tranh chấp này đã được giải quyết bằng bản án phúc thẩm nói trên nên TAND quận 2 ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ kiện dân sự của bà Sam.

Mảnh đất của gia đình bà Sam bỗng nhiên thuộc về Công ty Huy Hoàng. Ảnh: L.T.HÂN

Mảnh đất của gia đình bà Sam bỗng nhiên thuộc về Công ty Huy Hoàng. Ảnh: L.T.HÂN

Nhiều vấn đề pháp lý chưa rõ

Lật lại hồ sơ vụ án hình sự xét xử Bùi Thiện Lộc và đồng phạm, chúng tôi phát hiện nhiều tình tiết.

Theo bản án sơ thẩm, sau khi UBND TPHCM chấp thuận chủ trương cho Công ty Huy Hoàng liên doanh với Khu chế xuất Sài Gòn lập quy hoạch chi tiết đầu tư xây dựng khu dân cư tại xã Thạnh Mỹ Lợi, Bùi Thiện Lộc (nguyên là nhân viên Phòng xuất nhập khẩu của Công ty Huy Hoàng) được giao nhiệm vụ đến gặp các hộ dân để thương lượng, đề xuất giá cả đền bù và được lãnh đạo công ty chấp thuận giá.

Lộc liên kết với Nguyễn Thị Chúc Mai (người ngoài công ty) và một số người khác nhận hồ sơ của các hộ dân có nhu cầu chuyển nhượng, ký tờ giao kèo khống để Lộc, Mai làm đề xuất công ty chi tiền.

Lộc và Mai đã câu kết với nhau nâng khống diện tích đất chuyển nhượng, chiếm đoạt của Công ty Huy Hoàng hơn 6 tỷ đồng. Trong số 94 hộ dân được đền bù có 12 hộ dân bị Lộc, Mai đã nâng khống diện tích đất thêm 179.373m².

Cũng theo bản án này, chỉ những hộ dân có số đất bị nâng khống lên so với thực tế thì mới được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Ngoài ra, bản án còn tách phần dân sự, Mai yêu cầu Công ty Huy Hoàng trả lại 6 bộ hồ sơ đất, trong đó có sổ đỏ của bà Sam, để giải quyết bằng một vụ kiện dân sự khác.

Tuy nhiên, đến ngày 17-3-2004, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM lại nhận định: “…Nguyễn Thị Chúc Mai đã nộp cho Công ty Huy Hoàng 49.215m² đất, tiền, vàng. Theo quy đổi là hơn 4 tỷ đồng. Theo phúc thẩm cần cải sửa, chấp nhận sự tự nguyện này”.

Đối chiếu với bản án nói trên thì rõ ràng bản án không đề cập đến việc phần đất của bà Sam được dùng để bồi thường cho Công ty Huy Hoàng. Thêm vào đó, cũng không thể nói rằng tranh chấp của bà Sam và Công ty Huy Hoàng đã được giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật vì bà Sam không được mời tham gia tố tụng trong vụ án hình sự nói trên, dẫn đến việc bà không hề hay biết có một phán quyết của tòa liên quan đến mình.

Một vấn đề pháp lý mấu chốt khác, là bà Sam không thể giao sổ đỏ cho Công ty Huy Hoàng vào năm 1994 như tờ giao kèo công ty này trình cho tòa án, bởi có xác nhận của ngân hàng rằng năm 1995 có nhận thế chấp sổ đỏ của bà Sam. Quan trọng hơn, toàn bộ hồ sơ sang nhượng đất đều do Mai và Lộc lập nên việc bà Sam có trực tiếp ký giấy sang nhượng đất hay không vẫn còn là dấu hỏi.

Ngoài ra, ông Bên chết năm 1993, như vậy đã phát sinh thừa kế, việc bà Sam tự mình định đoạt bán mảnh đất này (nếu có) cũng không phát sinh đầy đủ giá trị pháp lý. Bên cạnh đó, bà Mai không có quyền định đoạt, gán mảnh đất của bà Sam để khắc phục hậu quả của vụ án mà không có ý kiến của bà Sam cùng các thừa kế khác…

Vụ việc này có quá nhiều vấn đề pháp lý đan xen chưa được làm rõ. Bà Sam không được mời tham gia tố tụng trong vụ án hình sự lại bị tước quyền khởi kiện dân sự là một thiệt thòi quá lớn.

Việc bà Sam yêu cầu tòa án giám định chữ viết, chữ ký trong tờ giao kèo bán đất là hoàn toàn có cơ sở để xác định sự thật của vụ án nhưng rất tiếc yêu cầu chính đáng này đã không được tòa xem xét, giải quyết.

THANH TÂM

Tin cùng chuyên mục