So với những mặt hàng đặc trưng của mùa tết, mứt luôn là mặt hàng được chào hàng khá sớm, vừa phục vụ cho nhu cầu đón tết sớm của người dân trong nước, vừa cung cấp cho Việt kiều và khách vãng lai mua làm quà biếu. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại thời điểm này giá bán hầu hết các loại mứt vẫn tương đối ổn định.
Hàng chờ khách
Dạo một vòng quanh các chợ loại 1 và 2 của TPHCM như Bến Thành, An Đông, Bà Chiểu,… các loại mứt tết đã được tiểu thương chuẩn bị khá tươm tất, phong phú về chủng loại, đa dạng về màu sắc, mẫu mã. Trên thực tế, tại các chợ này không chờ đến tết mới bán mứt mà họ bán quanh năm, nhưng chỉ đến khi không khí Giáng sinh tràn ngập phố phường thì các sạp hàng mứt tết đầy đặn và phong phú hơn. Các loại mứt truyền thống được sấy khô vẫn khá phổ biến như mứt gừng, mứt dừa, hạt sen, bí đao, bí đỏ, mãng cầu dẻo, me,…
Chị Hà Minh Hồng, Việt kiều Mỹ, cho biết, theo gia đình định cư tại Mỹ từ năm 2 tuổi, nhưng năm nào gia đình chị cũng được biếu mứt tết từ Việt Nam gửi sang. Riêng 6 năm gần đây, do đặc thù công việc, chị đã theo chồng về TPHCM để sinh sống nên vào dịp nghỉ Tết Dương lịch chị lại tranh thủ bay về Mỹ thăm cha mẹ 2 bên. Trong hành lý của chị không bao giờ thiếu mặt hàng mứt tết.
Theo ghi nhận của chúng tôi, giá bán hầu hết các loại mứt vẫn khá ổn định so với năm ngoái, chỉ có một vài loại tăng giá nhẹ khoảng 5% do nguyên liệu đầu vào tăng. Cụ thể, tại chợ Bến Thành, An Đông và một số hệ thống siêu thị giá bán phổ biến ở mức từ 120.000 - 150.000 đồng/kg đối với nhiều loại mứt, cá biệt có một số loại đứng ở mức 180.000 đồng/kg như hạt sen Huế... Riêng tại các chợ loại 2 của TP, giá mứt thấp hơn bình quân từ 20% - 25%, dao động ở mức từ 80.000 - 120.000 đồng/kg, tùy loại. Theo lý giải của chủ một sạp hàng bánh mứt chợ Bến Thành, giá mứt tại đây luôn cao hơn so với các chợ khác là do nguyên liệu để chế biến được chọn lọc rất công phu, mứt được sên hoàn toàn theo dạng truyền thống (nguyên liệu được sên với đường từ 5 - 7 lần mới xong một mẻ mứt), có thể để được khá lâu từ 3 - 5 tháng mà vẫn không bị nấm, mốc.
Theo nhiều tiểu thương, sức mua các loại mứt so với cùng thời điểm này năm 2012 là khá chậm, chủ yếu phục vụ nhu cầu du khách và Việt kiều, nên họ chưa thể chủ động trong việc chuẩn bị nguyên vật liệu, vì lẽ hầu hết nguyên liệu đầu vào đều là thực phẩm tươi sống. Giới kinh doanh mứt hy vọng, sức mua chỉ cần đạt ngang mùa tết năm ngoái là đã quá tốt.
Nhiều loại mứt mới
Bên cạnh các mặt hàng mứt truyền thống, mùa tết năm nay, Cơ sở sản xuất bánh mứt Thành Long (một trong những đơn vị cung cấp mứt cho hầu hết các hệ thống siêu thị của TPHCM như Big C, Co.opmart, Citimart,… sản xuất hàng nhãn riêng cho siêu thị Lottemart) đã nghiên cứu thành công và cho ra lò thêm 10 loại mứt mới, được Sở Y tế TPHCM cấp phép với tên gọi “Trái cây sấy dẻo thuần Việt”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, phụ trách kinh doanh Cơ sở bánh mứt Thành Long cho biết: Cả 10 loại mứt này (gồm cóc bao tử, xoài, mít, vỏ bưởi, khổ qua, thơm, dâu, dừa, me và bắp bao tử), được sản xuất khép kín, theo công nghệ hiện đại thẩm thấu chân không. Tức là, khi nguyên liệu đã làm sạch, sẽ được đưa vô bồn để hút toàn bộ phần nước thừa, sau đó chuyển qua bồn nấu nóng theo 2 giai đoạn là 1000C rồi giảm dần xuống 500C. Khi nguyên liệu đã được nấu chín theo quy trình, sẽ được chuyển ra bồn lạnh rồi đóng gói trực tiếp.
Theo bà Thúy, với công nghệ mới này, cách làm mứt tiến bộ và văn minh hơn rất nhiều so với cách làm thông thường. Chẳng hạn, với cách làm truyền thống, sau khi trái cây làm sạch sẽ phải trải qua 7 - 8 lần sên với đường thì mới đạt được độ cứng hoặc mềm nhất định. Việc trải qua nhiều lần sên cũng đồng nghĩa, 1kg nguyên liệu phải “ngậm” tới 1kg đường thì mứt mới cho màu sắc và hình dạng đẹp. Nhưng với công nghệ thẩm thấu chân không, thì 1kg nguyên liệu chỉ cần 200gr đường, do vậy các loại mứt dẻo mới của Thành Long vẫn giữ được hương vị tự nhiên và độ ngọt vừa phải của trái cây, màu sắc rất đẹp.
Trên thực tế, dù Thành Long đã mạnh dạn đầu tư công nghệ lên tới hàng tỷ đồng (do một đơn vị trong nước sản xuất) nhưng để cho ra lò các loại mứt mới, cơ sở này đã bỏ ra từ 6 tháng đến 1 năm để nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm liên tục trong 2 tháng. “Cái khó nhất là tất cả các loại trái cây phải có chất lượng đồng đều và được hái từ trên cây xuống, hoàn toàn không được sử dụng chất bảo quản thì mứt mới đảm bảo chất lượng. Chính vì sử dụng trái cây tươi nên việc chế biến đòi hỏi rất công phu. Chẳng hạn, 1 tấn cóc bao tử tươi, trải qua các công đoạn tách vỏ và chế biến, sẽ cho ra 100kg thành phẩm. Để có được màu sắc tươi đẹp, tùy thuộc vào độ chín của từng loại trái cây ở mức 30% - 50% hay 70% và cắt, gọt ở độ dày bao nhiêu là thích hợp… Mặt khác, để sản xuất thành công thì kinh nghiệm từ thực tế chiếm tới hơn 90%, phần còn lại mới phụ thuộc vào dây chuyền thiết bị” - bà Thúy thổ lộ.
Lý giải vì sao mứt của Thành Long được Sở Y tế chấp thuận tên gọi “Trái cây sấy dẻo thuần Việt”, bà Thúy cho biết thêm 100% nguyên liệu để sản xuất mứt là từ trái cây trong nước, được chọn lọc rất kỹ từ các vùng miền. Theo đó, mứt dẻo của Thành Long có giá bán từ 200.000 - 250.000 đồng/kg, tùy loại.
Cũng chính từ việc tâm huyết với nghề mà Thành Long đã được nhiều nhà phân phối tin tưởng đặt hàng, trong đó chỉ riêng đơn hàng sản xuất cho Big C đạt gần 100 tấn mứt các loại, trong đó có 50.000 hộp mứt (mỗi hộp 300gr).
HẢI HÀ