Mặt khác của Abenomics

Mặt khác của Abenomics

Các số liệu thống kê trong lịch sử từng chứng mình rằng nạn tự tử Nhật Bản - quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất trong khối G7 - đều có liên quan chặt chẽ đến sự tăng giảm của kinh tế.

Số vụ tự tử giảm xuống mức thấp nhất là 20.434 vụ trong năm 1981 - thời điểm nền kinh tế Nhật Bản bùng nổ và đã tăng lên đến 32.863 vụ trong năm 1998, tăng 35% trong vòng một năm, sau khi cuộc khủng khoảng ngân hàng dẫn đến một số tổ chức tài chính sụp đổ.

Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2014, số vụ tự tử ở Nhật Bản đã giảm xuống liên tục trong 14 tháng qua và tiến triển này đã phần nào cho thấy được tâm lý lạc quan của người dân xứ hoa anh đào vào các chính sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe.

Người Nhật tự “giải quyết” vấn đề khi thất bại.

Các chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe - được ví von là Abenomics - đã thực sự khôi phục lòng tin của người dân Nhật Bản, góp phần cải thiện đáng kể truyền thống mà người Nhật không hề phủ nhận là “văn hóa tự tử”. Khi ông Abe lên làm Thủ tướng vào tháng 12-2012 với kế hoạch làm hồi sinh lại sự thịnh vượng nền kinh tế quốc gia, tâm lý lạc quan đã giúp đưa tỷ lệ tự tử ở Nhật Bản xuống mức thấp nhất trong vòng 17 năm qua.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tung ra chính sách kích cầu với ba “mũi tên” nhằm vào mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 10-2014 vừa qua của Nhật Bản cũng giảm xuống 3,5% với tỷ lệ việc làm/người xin việc tăng từ 1,09 lên 1,1 - cũng là mức thất nghiệp thấp nhất trong 17 năm qua.

Cuộc bầu cử hạ viện Nhật Bản ngày 14-12-2014 được đánh giá là cuộc trưng cầu dân ý đối với chính sách kinh tế Abenomics và sự lèo lái chính phủ của ông Abe kể từ khi ông quay lại nắm quyền năm 2012. Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử sớm này, ông Abe đã cam kết thực hiện các kế hoạch kích thích và thay đổi cấu trúc để làm mạnh nền kinh tế thứ 3 trên thế giới.

Thế nhưng, sau những thành công bước đầu, hiệu quả của chính sách Abenomics đang bị hoài nghi, khi kinh tế Nhật Bản vừa chính thức rơi vào suy thoái lần thứ tư kể từ năm 2008 vào tháng 9 vừa qua, còn lạm phát vẫn còn xa mục tiêu. Kinh tế ảm đạm quay trở lại đã gây nhiều khó khăn cho Nhật Bản. Suy thoái không chỉ là một đòn giáng vào những chính sách Abenomics mà còn ảnh hưởng đến cuộc chiến đẩy lùi “truyền thống tự tử”.

Theo giáo sư tâm lý học Đại học Niigata Seiryo, Mafumi Usui, rõ ràng kinh tế đóng vai trò quan trọng trong vấn đề tự tử. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, nơi có đến 70 người tự sát mỗi ngày, quan niệm cũ vẫn cho tự tử không hề sai trái thậm chí còn thể hiện sự quả cảm và quyết đoán.

Theo giáo sư Usui, ngoài kinh tế, chính phủ của thủ tướng Abe cần quan tâm hơn đến những truyền thống văn hóa xã hội liên quan đến vấn đề tự tử. Quốc gia này cần phải giải quyết triệt để các truyền thống văn hóa và xã hội để giúp người Nhật cảm thấy khoan dung hơn đối với những thăng trầm trong cuộc sống của chính mình, trong bối cảnh các hình tượng samurai mổ bụng tự tử để bảo vệ danh dự vẫn ăn sâu trong nếp nghĩ của người Nhật từ nhiều thế kỷ qua. Trên phim ảnh hay sách truyện, các cặp đôi vẫn còn thề nguyền cùng chết vì tình yêu, còn nhân viên các công ty thì xem tự tử là cách thể hiện tinh thần trách nhiệm.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục