Mặt tối ngành công nghiệp thời trang

Mặt tối ngành công nghiệp thời trang

Từ khi được phát hiện ở tuổi 14 ngay bên ngoài Trường Manhattan của mình, Sara Ziff đã nhanh chóng trở thành một cơn lốc hào nhoáng của ngành công nghiệp thời trang. Cô thường xuyên bay từ Paris sang Milan để chụp ảnh, trình diễn thời trang và được trả một số tiền đáng kinh ngạc với dãy dài con số 0 phía sau.

Sara Ziff ngây thơ (2002) và hình ảnh cô hiện nay cùng người bạn trai đã làm cuốn phim Picture Me tại Paris.
Sara Ziff ngây thơ (2002) và hình ảnh cô hiện nay cùng người bạn trai đã làm cuốn phim Picture Me tại Paris.

Cô và bạn trai, người tốt nghiệp trường quay phim, đã bắt đầu những thước phim tự quay như một trò đùa nghịch, nhưng sở thích của cặp đôi này đã trở thành một thứ gì đó to lớn hơn, một cái liếc nhìn sâu vào mặt tối của ngành công nghiệp bóng bẩy. Đó là những vấn đề hình ảnh của thân thể, thuốc kích thích và thậm chí là lạm dụng tình dục.

 Ziff, với mái tóc vàng và đôi mắt xanh, đi dọc các cửa hàng thời thượng như Louis Vuitton và Chanel, trong bộ phim tài liệu “Picture Me”, chỉ ra rằng ngành công nghiệp này đôi khi không thể kiểm soát được.

 “Nó phần nào như là miền Tây hoang dã, với những người cảm thấy các quy tắc xã hội không áp dụng vì lý do nào đó. Tôi muốn trở thành một phần có thể làm thay đổi theo một cách nào đó”, Ziff, 28 tuổi, nói với tờ The Associated Press. Cô, người bạn trai và cũng là người đồng đạo diễn, tên Ole Schell, ở Paris vào thứ hai tuần rồi để quảng bá cho bộ phim giữa những người ăn mặc hợp mốt, đang đổ xô đến thành phố tham dự buổi trình diễn xuân hè 2011 bắt đầu vào ngày thứ ba. Bộ phim hiện đang trình chiếu ở Los Angeles, dự kiến sẽ được chiếu tại Paris vào tháng tới. Bộ phim “Picture Me” được ghi hình trong khoảng 5 năm bởi Ziff, Schell và những bạn bè người mẫu của họ, trở thành một trường hợp thuyết phục nhất cho sự cần thiết về một số quy định trong ngành công nghiệp thời trang, nơi mà các cô gái bắt đầu sự nghiệp ở tuổi 14 hoặc thậm chí là 12.

Ziff đã đợi cho đến khi kết thúc trung học để theo đuổi sự nghiệp của mình một cách nghiêm túc. Chẳng bao lâu sau, những hình ảnh duyên dáng của cô tràn ngập trên các bảng quảng cáo khổng lồ ở New York và vượt xa khả năng kiếm tiền của cha cô, một nhà sinh vật học và là giáo sư tại trường đại học New York. Trong phim, ta thấy chặng đường biến Ziff từ một cô gái ngây thơ trở thành một người phụ nữ trẻ phiền nhiễu và dễ bị kích động. Cô thường đẫm nước mắt, quay vòng một cách kiệt sức bởi lịch diễn thời trang tàn khốc dày đặc, hoặc khó chịu về một nhận xét thiếu tế nhị từ một trong những chuyên gia hậu trường. Ziff nói, ngành công nghiệp thời trang có xu hướng coi các người mẫu như các đối tượng để châm chọc, dễ kích động và nhào nặn hơn là những phụ nữ trẻ nhạy cảm.

Bộ phim cũng phơi bày về thứ mà Ziff gọi là “bẩn thỉu và dâm ô” dưới lớp vỏ thời trang. Cô và bạn bè nói chuyện trên camera với các chủ để cấm kỵ về sử dụng cocain phía sau hậu trường, các nhà vệ sinh tắc nghẽn và mối quan hệ giường chiếu không mong muốn với các nhiếp ảnh gia.

Ziff và Schell, 35 tuổi, khẳng định ban đầu họ không có ý định làm một phim tài liệu chung cho tất cả. Schell, có cha là nhà báo đã thuyết phục cặp đôi làm bộ phim này, nói rằng: “Tôi bắt đầu chỉ là quay cho vui. Vì vậy chúng tôi quay tất cả các đoạn video ngắn trong 2 năm, sau đó phỏng vấn nhóm bạn của Ziff, vài người mẫu khác, các nhiếp ảnh gia và nhà thiết kế thời trang”.

Trong một ngành công nghiệp mà Schell mô tả là tất cả mọi nỗ lực và tiền bạc đưa ra để xây dựng các hình tượng và hình ảnh thì nó không dễ dàng để có thể được tiết lộ một cách chấn động như vậy. Schell nói: “Mọi việc không phải luôn được coi là tuyệt vời khi phân tích những điều này trong ngành công nghiệp thời trang. Khi bạn bóc ra các lớp và bắt đầu kiểm tra các âm mưu phía sau hậu trường, không phải ai cũng quan tâm tham gia vào việc này”.

 Ziff cho biết hãng người mẫu của cô không nhận thức được dự án của hai người. Sau khi “Picture Me” ra mắt tại các liên hoan phim, cô đã phải thay đổi công ty. Tuy nhiên, không phải tất cả trong bộ phim là tiêu cực. Nó giới thiệu những tình bạn thân thiết và các mối thâm giao giúp các người mẫu phát triển cũng như hỗ trợ lẫn nhau, và nó thường tập trung vào những giây phút vui vẻ và hạnh phúc mà họ chia sẻ với nhau.

“Picture Me” cũng nhấn mạnh việc tham gia làm người mẫu cho phép các cô gái tuổi teen, thường đến từ những thị trấn nhỏ ở Đông Âu hay châu Mỹ Latin, nhằm giúp cho gia đình của họ thoát khỏi cảnh nghèo.

 Vào cuối bộ phim, Ziff cho biết đang muốn ngưng việc người mẫu và mong được chấp nhận vào Trường Đại học Columbia.  Cô đã trả học phí Trường Cao đẳng Ivy League bằng số tiền kiếm được từ nghề mẫu và sẽ tốt nghiệp với bằng khoa học chính trị vào tháng 12 này. Ngoài việc làm phim, Ziff cũng đã tham gia vào chiến dịch của ứng cử viên đảng Dân chủ Andrew Cuomo cho ghế Thống đốc New York và cho biết cô rất ngạc nhiên về những tương đồng giữa thời trang và chính trị. “Cuối cùng, cả hai nghề này đều chú trọng đến hình ảnh của mình trước công chúng”, cô nói.

LỘC NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục