Thời đất nước còn chiến tranh, có những người cầm súng ra chiến trường; ở hậu phương có đội sản xuất, đội trực chiến làm nhiệm vụ. Nhưng còn có một “mặt trận” khác cũng gian nan không kém: nuôi dạy trẻ. Một người phụ nữ ở Tiểu khu 9, Nam Lý, Đồng Hới, bên đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn (Quảng Bình) được xem như kiện tướng nuôi dạy trẻ đầu tiên của miền Bắc.
Nuôi trẻ dưới hầm
Bà Nguyễn Thị Thử, nay đã 71 tuổi, sống bên chân ruộng, bồi hồi kể về khoảng thời gian giữ trẻ để bố mẹ chúng theo các đội sản xuất phục vụ cho công cuộc viện trợ miền Nam: “Năm 1962, tui được phân công nuôi dạy trẻ. Những đứa trẻ từ tám tháng đến 3 tuổi đều được đưa đến nhà trẻ từ sáng sớm đến tối mịt mới được đón về.
Thời chiến là thế, có khi nhận trẻ từ hai ba giờ sáng để các đội sản xuất ban đêm đi làm, có khi bảy tám giờ tối các đội đi làm về mới đón trẻ”. Những năm sáu mươi, chiến tranh bom đạn ngút trời, bà Thử cùng người đồng nhiệm mệ Liếng già cả chăm bẵm mỗi ngày từ 15 đến 20 trẻ nhỏ dưới hầm trú bom.
Giờ đón trẻ, mọi người đi dưới giao thông hào, trao tay những chiếc tã, cái áo rồi ai vào việc nấy. Đồ chơi con trẻ chỉ là những ăng-gô cưa đôi, hay những chiếc ca-mèn móp méo khét lẹt mùi thuốc súng. Dưới những căn hầm, lũ trẻ vẫn chơi đùa hồn nhiên, vẫn lớn lên như không hề có chiến tranh.
Nhớ lại, bà không biết đã nuôi dạy bao nhiêu cháu, chỉ biết sau 20 năm nuôi dạy, riêng tiểu khu bà ở, những đứa trẻ thời chiến nay đã vào tuổi 45 - 50. Điều đáng tự hào là dù đi đâu, làm gì họ cũng nhớ đến bà giáo đầu tiên của mình dưới bom đạn.
Một số tài liệu cho biết bà Thử đã nuôi dạy hàng ngàn lượt trẻ. Nhưng công lao của bà không dừng lại ở đó, lúc ngơi bom đạn, con trẻ ngủ trưa, bà khai khẩn một sào đất trồng hoa màu, bầu bí để cải thiện bữa ăn cho các cháu. Heo gà nuôi lớn, thời tem phiếu, cấm mọi công dân giết mổ, chỉ có cửa hàng thương mại mới có quyền phân phối. Bà xin ý kiến cấp trên, cho nuôi, lớn phổng phao, ra cân cho cửa hàng, được bao nhiêu nhận tem phiếu để các cháu ăn dần trong mấy tháng.
Mỗi năm như thế bà nuôi được ba lứa heo béo núc ních, các cháu được chăm bẵm bụ bẫm, làm nức lòng các đội sản xuất, đội trực chiến quê hương. Ngoài nhiệm vụ nuôi dạy trẻ, đêm bố mẹ đón các cháu về, bà vẫn nhiệt tình tham gia trực dân quân bên các khẩu pháo mười hai ly bảy.
Vượt lũy tre làng
Danh tiếng của bà dần vượt ra khỏi lũy tre làng khi mô hình chăn nuôi của bà được nhân rộng ra cả miền Bắc. Hãng phim tài liệu Trung ương về xây dựng hình tượng bà thành một bộ phim kinh điển, xem bà như kiện tướng nuôi dạy trẻ đầu tiên của miền Bắc hậu phương. Rồi năm 1969 bà được ra thăm Bác Hồ, những tháng năm đó, sức khỏe của Người giảm sút, thừa ủy quyền, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng Huy hiệu Hồ Chí Minh cùng ảnh của Bác cho cô giáo Nguyễn Thị Thử.
Với bà, như vậy là sự động viên lớn lao ngoài mong đợi, rồi Trung ương Đoàn đề nghị phong bà là anh hùng đầu tiên về nuôi dạy trẻ của miền Bắc. Nhưng vì một lý do, có người chị thoát ly miền Nam từ trước khi có hiệp định lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới nên lỡ hẹn anh hùng.
Sau này xác minh lại, tổ chức thấy gia đình bà hoàn toàn trong sáng, lúc đó bà đã nghỉ hưu không lương vào năm 1982. Bà cũng chẳng lấy thế làm buồn, bởi theo bà: “Thời đó làm gì cũng vui, tự nguyện hết mà sướng. Tất cả đều dạt dào như máu thịt của mình”.
Ảnh Bác Hồ, bà về cất giữ trong túi vải, đi đâu cũng mang bên mình. Một hôm giữa chợ đông đúc, bà bị rạch túi, mất ảnh và huy hiệu, mấy chục năm rồi bà vẫn tiếc nhớ những kỷ vật đó. Gặp chúng tôi, bà gợi lời: “Có nhờ Tỉnh đoàn xin lại được không thì cho tui nhờ với. Cả đời tui có hai cái đó là quý nhất. Mong rằng Tỉnh đoàn giúp tui xin cấp lại ảnh Bác Hồ với Huy hiệu của Người là tui yên tâm”.
Nay, bà vừa lãnh được chút đỉnh từ chế độ chính sách, nhưng không thấm cho cuộc sống chi tiêu thường nhật. Một người ở mặt trận phía sau, có công lớn, nhưng chẳng đòi hỏi gì nhiều. Đúng là anh hùng thời nào cũng bộc toát bản chất giản dị, khiêm nhường.
Cựu chiến binh Nguyễn Lương Cảnh sống cùng phường với bà Thử, nói: “Có người như bà Thử, những đứa trẻ được giữ nguyên hình dạng, lớn lên vào được trận tuyến, góp công chiến đấu. Có người như bà Thử, xóm làng giữ được nguyên khí để hồi sinh sau chiến tranh. Có người như bà Thử, những đứa trẻ được lớn lên, học hành góp công giúp làng nước đến nay. Công bà thật lớn”. |
MINH PHONG