Năm 2016, ngoài những nội dung như thông lệ, công tác Mặt trận sẽ tập trung vào nội dung giám sát, tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND nhiệm kỳ mới. Trong cuộc trao đổi với báo chí nhân dịp năm mới 2016, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, năm 2016 Mặt trận sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát liên quan đến đời sống người dân.
Phóng viên: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2016 là giới thiệu và giám sát người ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Đối với những người tham gia mà cử tri không thấy thuyết phục, MTTQ sẽ làm như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN: Nếu mình bầu cử 5 chọn 3 hoặc 3 chọn 3 thì chắc chắn phải có người mà bà con thấy không thuyết phục bằng người khác. Chuyện bầu có số dư và có người không thuyết phục được cử tri là bình thường. Vậy vai trò Mặt trận là gì? Mặt trận theo luật mới về bầu cử có trách nhiệm trong việc tổ chức cho ứng cử viên tiếp xúc cử tri để họ giới thiệu về mình, những mong muốn của mình. Nhưng trước đó, Mặt trận có trách nhiệm làm thế nào để có thông tin đầy đủ về nhân thân ứng cử viên để cử tri biết được. Phải có thông tin người đó ở nơi cư trú, sinh hoạt, quan hệ cộng đồng ra sao, tuân thủ pháp luật thế nào…
Mặt trận góp phần tạo thông tin đầy đủ về các ứng cử viên để cung cấp cho cử tri, hội đồng bầu cử các cấp. Đây là điều rất quan trọng. Nếu có băn khoăn của cử tri về phẩm chất đạo đức của ứng cử viên tại địa phương, tại nơi công tác, về lý lịch nhân thân thì Mặt trận giúp cho ứng cử viên đó nói rõ cho cử tri, giúp cho cử tri hiểu đúng từ đó làm cơ sở chọn lựa đại biểu. Hay nói cách khác, trong công việc chuẩn bị ứng cử viên, Mặt trận góp phần không để sai sót xảy ra, còn quyền lựa chọn là của người dân. Cử tri sẽ chọn ứng cử viên tốt nhất. Chúng tôi cam kết thực hiện đúng luật pháp, tạo điều kiện dân chủ để người dân quyết định trong việc này.
Công tác giám sát của MTTQ đang được đánh giá cao. Năm 2016, Mặt trận sẽ chú trọng giám sát vấn đề gì, thưa đồng chí?
Hoạt động giám sát của MTTQ có tiến bộ và có kết quả bước đầu trong năm 2015. Cụ thể, 8 nội dung giám sát đã được thực hiện, đơn cử như cuộc tổng rà soát việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng. Lần đầu tiên chúng ta rà soát hơn 2 triệu đối tượng người có công, thống kê được 95,75% đối tượng hưởng đúng và đủ chính sách; 0,09% hưởng sai. Cũng thông qua cuộc giám sát này, chúng ta phát hiện còn trên 70.000 người có công chưa được hưởng chính sách. Như vậy, lần đầu tiên chúng ta lượng hóa được việc thực hiện chính sách quan trọng này, trả lời được câu hỏi của Thủ tướng giao là “tình hình thực hiện chính sách người có công như thế nào”, từ đó điều chỉnh chính sách cho phù hợp với đời sống mới, quan tâm đến việc đẩy nhanh tiến độ xác nhận nạn nhân chất độc da cam…
Qua thành công bước đầu của việc giám sát, có thể thấy có những việc ngắn hạn, chính quyền phải làm như tổng rà soát người có công nhưng nếu dựa vào bộ máy công chức nhà nước thì không thể nào làm được, vì chúng ta có 11.000 phường xã, mỗi phường có 1 UBND xã mà họ đứng ra rà soát 2 triệu người có công thì không làm nổi. Nhưng với giám sát của Mặt trận thì chúng ta dựa vào cựu chiến binh - một lực lượng nòng cốt, cử 100.000 cựu chiến binh làm tình nguyện viên tham gia tổng rà soát này cùng với 100.000 tình nguyện viên của các đoàn thể khác như nông dân, hội phụ nữ… thì mới làm được. Với kinh nghiệm đó, sắp tới chúng tôi sẽ áp dụng để giám sát những lĩnh vực khác. Ví dụ như tới đây giám sát vấn đề an toàn thực phẩm, cần một khối lượng lớn tình nguyện viên thì MTTQ có thể huy động được.
An toàn thực phẩm là vấn đề nhức nhối mà hiện nay mỗi người dân đều quan tâm. Đồng chí có thể nói rõ hơn về nội dung giám sát này mà MTTQ sẽ triển khai trong năm nay?
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những mong mỏi và bức xúc nhất hiện nay của người dân Việt Nam. Chúng ta đều muốn làm sao khi đến chợ, thực phẩm đảm bảo an toàn, không hại đến sức khỏe, nhưng thực tế hiện nay là không được. Từ đầu năm 2014, khi MTTQ bắt đầu triển khai chương trình giám sát, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đều đề nghị MTTQ sớm giám sát về an toàn thực phẩm. Chúng tôi có trao đổi với 2 bộ trưởng là Mặt trận ghi nhận, nhưng vì đây là vấn đề lớn, liên quan thiết thân đến từng người dân nên cần có thời gian để chuẩn bị, tập sự giám sát việc khác trong 2 năm 2014-2015. Khi Mặt trận thấy mình có kinh nghiệm nhất định mới giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau 2 năm triển khai giám sát, đến giờ, Mặt trận đã đủ sức làm việc này, vì vậy Mặt trận đưa vào chương trình giám sát năm 2016. Có thể nói, đây là “món nợ” của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng là “món nợ” của MTTQ trong việc thực hiện vấn đề này.
Thú thật vấn đề này vô cùng khó khăn, nhưng chúng ta phải tìm nguyên nhân để giải quyết. Theo tôi, thứ nhất là ở khâu sản xuất không an toàn. Người trồng rau, chăn nuôi không an toàn thì đều nằm ở địa phương cả. Vậy hàng xóm có biết không? Biết chứ. Tôi cũng không đi nhiều và cơ sở cũng phán ảnh, ở nông thôn có nơi người dân trồng rau ở một mảnh đất riêng để ăn, còn rau trồng để bán thì ở khu vực khác. Rõ ràng, người dân có thể tự do kinh doanh để kiếm lợi nhuận, nhưng về đạo đức là không được. Bởi vì bán rau, cây và gia súc, gia cầm không an toàn là hành vi đầu độc người tiêu dùng. Phải nói một cách chân tình như vậy, ăn thực phẩm không an toàn là đang bị đầu độc, rồi dần dần sinh bệnh, ảnh hưởng tới cả thế hệ sau. Phải khẳng định một điều là, nếu sản xuất không an toàn là đồng nghĩa với việc đầu độc chính người Việt Nam. Điều đó trái với văn hóa của người Việt, trái với truyền thống “thương người như thể thương thân”. Chúng ta phải thống nhất lại nhận thức, phải nói không với văn hóa kiếm tiền bằng cách đầu độc chính người Việt Nam. Người Việt Nam không được đầu độc người Việt Nam bằng việc trồng và bán những hàng hóa không an toàn.
Tôi cho rằng, phải có cuộc vận động trong vấn đề này. Những người sản xuất phải có cam kết là người Việt Nam, là gia đình văn hóa thì không được làm những việc trái với văn hóa, tức là sản xuất không an toàn, biết trước là độc hại mà vẫn cứ làm. Phải trồng, nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm vì mình và vì xã hội. Hiện chúng tôi đã bàn sơ bộ với Bộ VH-TT-DL, trong tiêu chí gia đình văn hóa từ nay trở đi nếu là người sản xuất nông nghiệp thì phải có tiêu chí là không trồng, nuôi, bán sản phẩm nông nghiệp không an toàn. Nếu vi phạm sẽ không công nhận gia đình văn hóa. Nếu làm nghiêm việc này chắc tỷ lệ gia đình văn hóa sẽ giảm xuống, nhưng chúng ta nên chấp nhận. Thứ hai, trong khâu nhập khẩu hàng hóa, chúng ta có đủ cơ quan chức năng để giám sát hàng nhập khẩu, vì vậy cần “gác” thật kỹ, không để lọt vào những thứ sẽ đầu độc giống nòi Việt Nam. Không thể chỉ về vấn đề kinh tế, cần xác định đây là tương lai của người Việt Nam. Chúng ta chấp nhận là có thể giá trị xuất nhập khẩu giảm đi nhưng dân tộc chúng ta được an toàn, nòi giống được duy trì phát triển.
Khâu thứ 3 là chế biến, cần có cuộc vận động không sử dụng phụ gia độc hại để làm đẹp sản phẩm. Người Việt Nam không cung cấp món ăn Việt Nam có hại cho sức khỏe người Việt Nam cũng như người nước ngoài; không vì lợi ích ngắn hạn, thu nhập trước mắt để làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nòi giống người Việt. Tôi tin rằng, khi nhân dân nhận thức được rằng sản xuất an toàn là việc có ý nghĩa quốc gia, chúng ta bàn nhau có cách làm phù hợp thì việc này có thể khắc phục được. Cùng với đó, biểu dương kịp thời, thỏa đáng những nơi làm tốt để nhân rộng mô hình.
Xin cảm ơn đồng chí!
LÂM NGUYÊN (thực hiện)