Mâu thuẫn Nga - Mỹ về Syria lên đến đỉnh điểm

Hãng Reuters đưa tin, Mỹ tuyên bố ngừng các cuộc đàm phán với Nga về nỗ lực chấm dứt bạo lực ở Syria, đồng thời cáo buộc Mátxcơva không tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận ngừng bắn hôm 9-9. Ngược lại, Nga cũng cáo buộc Mỹ phá hoại thỏa thuận ngừng bắn trên và cho rằng việc Mỹ không có hành động nào chống lại tổ chức khủng bố Al-Nusra là một động thái cho thấy Mỹ sẵn sàng “thỏa thuận với quỷ dữ”.
Mâu thuẫn Nga - Mỹ về Syria lên đến đỉnh điểm

Hãng Reuters đưa tin, Mỹ tuyên bố ngừng các cuộc đàm phán với Nga về nỗ lực chấm dứt bạo lực ở Syria, đồng thời cáo buộc Mátxcơva không tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận ngừng bắn hôm 9-9. Ngược lại, Nga cũng cáo buộc Mỹ phá hoại thỏa thuận ngừng bắn trên và cho rằng việc Mỹ không có hành động nào chống lại tổ chức khủng bố Al-Nusra là một động thái cho thấy Mỹ sẵn sàng “thỏa thuận với quỷ dữ”.

Xung đột khó có hồi kết

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nêu rõ, Mỹ sẽ ngừng tham gia các kênh song phương với Nga, vốn được thiết lập để duy trì lệnh ngừng các hành động thù địch. Tuy nhiên, quân đội Mỹ và Nga sẽ tiếp tục sử dụng một kênh liên lạc được lập ra để đảm bảo các lực lượng hai bên không ngáng đường nhau trong các chiến dịch chống khủng bố ở Syria.

Phản ứng trước quyết định của Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định đây là một quyết định rất đáng thất vọng. Nga đặt dấu hỏi phải chăng Mỹ không muốn hoặc không thể tác động tới các phe phái mà Mỹ gọi là các nhóm đối lập ôn hòa được Mỹ bảo trợ ở Syria, cũng như Mỹ không quan tâm đến nhu cầu nhân đạo của người dân Syria. Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích Mỹ chưa thực sự gây áp lực để các nhóm đối lập ở Syria tôn trọng những thỏa thuận đạt được trong các cuộc đàm phán, nhằm đem lại hòa bình cho Syria.

Syria tan hoang vì bom đạn

Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel bày tỏ lo ngại, việc tạm dừng mọi tiếp xúc giữa Mỹ và Nga sẽ làm phá sản mục tiêu duy trì lệnh ngừng bắn ở Syria. Thậm chí, Phó Thủ tướng Đức còn thừa nhận khả năng “vô phương cứu chữa” cho cuộc xung đột Syria khi Mỹ quyết định ngừng mọi cuộc tiếp xúc với Nga. Nhiều nhà phân tích cũng cùng chung nhận định với ông Gabriel khi cho rằng, nếu Mỹ và Nga không có sự đồng thuận trong vấn đề Syria, xung đột tại quốc gia Trung Đông này khó có thể đi đến hồi kết.

Nỗ lực của Liên hiệp quốc

Trước những diễn biến có phần căng thẳng, Liên hiệp quốc (LHQ) đã bắt đầu xem xét dự thảo nghị quyết nhằm áp đặt một lệnh ngừng bắn tại TP Aleppo của Syria cũng như chấm dứt tất cả các chuyến bay quân sự trên không phận thành phố này. Nghị quyết của LHQ được cho là nhằm thúc đẩy các nỗ lực phối hợp giữa Nga và Mỹ trong việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 5 năm qua tại Syria, khiến hơn 300.000 người thiệt mạng và khoảng 12 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Theo dự thảo nghị quyết do Pháp và Tây Ban Nha đồng bảo trợ, HĐBA LHQ có thể áp đặt thêm các biện pháp nếu các bên không tuân thủ. Đại sứ Pháp tại LHQ Francois Delattre tuyên bố: “Trách nhiệm của chúng tôi là làm mọi thứ có thể để thúc đẩy các nỗ lực chấm dứt xung đột tại Aleppo. Dự thảo nghị quyết nêu rõ, mức độ bạo lực tại Aleppo đang ngày càng leo thang và không thể chấp nhận được, đồng thời kêu gọi tất cả các bên thực thi ngay lập tức lệnh ngừng bắn, cũng như ngừng tất cả các chuyến bay quân sự trên không phận Aleppo, tạo điều kiện cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo.

Bản dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nhanh chóng đưa ra các lựa chọn để thiết lập một cơ chế giám sát đối với lệnh ngừng bắn, với sự hỗ trợ của 23 quốc gia bảo trợ cho tiến trình hòa bình Syria; đồng thời yêu cầu tất cả các bên tham chiến tại quốc gia Trung Đông này, đặc biệt là chính quyền Syria, thực hiện ngay các nghĩa vụ của mình. Các bên cần phải thực thi và đảm bảo thực thi đầy đủ lệnh ngừng các hoạt động thù địch, trong đó có việc chấm dứt tất cả các cuộc ném bom và không kích.

Cũng theo dự thảo nghị quyết của LHQ, HĐBA sẽ lưu ý tới thỏa thuận ngừng bắn do Nga và Mỹ làm trung gian, đồng thời hoan nghênh ý định của hai nước này thúc đẩy các nỗ lực chung nhằm ổn định tình hình tại Syria, với các biện pháp đặc biệt dành cho khu vực Aleppo. HĐBA LHQ cũng hối thúc Nga và Mỹ đảm bảo việc thực thi ngay lập tức lệnh ngừng các hoạt động thù địch, bắt đầu tại Aleppo.

Theo BBC, ít nhất 30 người chết, 90 người bị thương trong một vụ đánh bom liều chết do một phần tử thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực hiện tại một đám cưới tại thị trấn Tal Tawil, Syria.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục