Vụ máy bay Malaysia Airlines chở 239 người mất tích
Nức nở, giàn giụa nước mắt; ánh mắt thất thần, vô hồn; khuôn mặt mệt mỏi bơ phờ sau khi trắng đêm chờ tin… là những gì phóng viên của tờ South China Morning Post (SCMP) ghi nhận trong ngày 9-3 về thân nhân của những hành khách trên chiếc máy bay Boeing 777-200 ER, số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia (MAS) đang mất tích.
Trắng đêm trông tin người thân
Trong khi cứu hộ nhiều nước trên thế giới chạy đua với thời gian tìm kiếm chiếc máy bay mất tích, thân nhân của những hành khách đang mòn mỏi từng giây, từng phút chờ tin người thân. “Con ơi, giờ mẹ phải làm sao bây giờ?” - một người phụ nữ vật vã gào khóc rồi ngất đi trong một khách sạn tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) sau khi trắng đêm trông tin người con trai.
Còn tại khách sạn Lido ở Hà Bắc, Trung Quốc, vẻ mệt mỏi, ánh mắt vô hồn xuất hiện trên các khuôn mặt của các vị khách trọ đang chờ tin người thân. Một thanh niên độ tuổi 20 cho biết cậu không ngủ cả đêm qua, vài phút lại gọi vào di động của anh trai mình, một hành khách trên chiếc máy bay mất tích. Tuy nhiên, trong tất cả những lần đó, tín hiệu tưởng chừng như đang kết nối kéo dài trong vài giây rồi mất hẳn. Theo cậu, rất nhiều gia đình khác tại khách sạn Lido cũng gọi vào di động của người thân trên chiếc máy bay mất tích nhưng đều không nhận được hồi âm. Khoảng 100 gia đình các hành khách đã tập trung tại khách sạn Lido sau khi có chỉ dẫn của cơ quan chức năng.
Ngày 9-3, ông Hugh Dunleavy, Giám đốc thương mại của MAS, đã gặp thân nhân của các hành khách trên chuyến bay MH370 tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc để thông báo một số thông tin liên quan đến công tác tìm kiếm. Động thái trên của MAS đã phần nào giải tỏa bức xúc mà các gia đình nạn nhân đang phải gánh chịu. Trước đó, rất nhiều gia đình có người thân trên chuyến bay MH370 thuê khách sạn ở Bắc Kinh từ chiều 8-3 đã giận dữ, phẫn nộ khi họ không có một chút thông tin chính thức nào từ phía cơ quan chức năng mà phải tìm hiểu các nguồn tin trên internet.
Trong khi đó, tại Malaysia, người nhà của hành khách trên chiếc máy bay mất tích vẫn tiếp tục sống trong tâm trạng lo lắng khi tập trung tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Rất nhiều thầy tu có mặt ở đây đã làm lễ cầu nguyện cho những hành khách trên chiếc máy bay mất tích. Tiếng tụng kinh, cầu xin cho các nạn nhân được bình an còn xuất hiện ở rất nhiều nơi tại Malaysia. Nhiều người vẫn hy vọng vào một phép màu, vào một điều thần kỳ giúp người thân của họ được an toàn. Nhưng cũng không ít người giờ chỉ mong mau chóng tìm được chiếc máy bay đang mất tích.
Hai hành khách bí ẩn dùng hộ chiếu giả
Tờ Chinadaily dẫn lời Tổng giám đốc Cơ quan hàng không dân dụng Malaysia Azharuddin Abdul Rahman khẳng định, chỉ có 2 hành khách dùng hộ chiếu giả lên chiếc máy bay mất tích. Trước đó, quyền Bộ trưởng Giao thông Datuk Seri Hishammuddin Hussein cho biết, có 4 hành khách đã sử dụng hộ chiếu của người khác để lên máy bay.
Những tình tiết “bí ẩn” xoay quanh 2 hành khách với hộ chiếu giả cùng khẳng định về chuyện thời tiết tốt khi máy bay mất tích đang khiến nhiều người nghĩ đến giả thiết máy bay bị khủng bố. Theo BBC, có một sự trùng hợp bất ngờ là 2 người mang hộ chiếu giả đã mua vé cùng một thời điểm khi số xuất vé liên tiếp nhau là 99 và 100, hạng Q, cùng của hãng Southern China Airlines. Hành trình của 2 người này cũng khá giống nhau khi lộ trình của 1 người là Kuala Lumpur - Bắc Kinh - Amsterdam - Copenhagen. Người còn lại là Kuala Lumpur - Bắc Kinh - Amsterdam - Frankfurt. Các nhà điều tra đang xem xét kỹ càng đoạn băng ghi hình về 2 vị khách “bí ẩn” này.
Tiếp đó, người đứng đầu Lực lượng không quân Hoàng gia Malaysia, Tướng Rodzali Daud, cho biết đang điều tra “khả năng” chiếc máy bay chở 239 người đã tìm cách quay lại trước khi mất tích. Phát biểu tại cuộc họp báo, Tướng Daud dẫn các dữ liệu radar cho hay có khả năng máy bay này đã quay đầu và một trong những khả năng là nó quay trở lại Kuala Lumpur trước khi biến mất.
Trong khi đó, tờ New Straits Times dẫn lời một cơ trưởng giấu tên cho biết, anh đã liên lạc với chiếc máy bay gặp nạn khi đang thực hiện lộ trình bay đến Narita, Nhật Bản của mình. Khi máy bay của anh đang trên không phận của Việt Nam, anh nhận được yêu cầu liên lạc với chiếc máy bay số hiệu MH370 từ phía Việt Nam. Anh đã gọi cho phi hành đoàn chuyến bay và hỏi họ có bay vào không phận của Việt Nam hay không. Phi công này không chắc chắn người trả lời là cơ trưởng Zaharie hay phụ lái Fariq trên chuyến bay MH370 nhưng nghiêng về khả năng Fariq. “Tín hiệu rất nhiễu, tôi chỉ nghe thấy tiếng lẩm bẩm từ phía bên kia. Đó là những tín hiệu cuối cùng tôi nhận được và sau đó là mất liên lạc” - vị cơ trưởng nói.
Nhà chức trách Malaysia hiện đã liên lạc với các cơ quan chống khủng bố để điều tra các vấn đề liên quan đến hộ chiếu giả.
| |
Còn nhiều nghi vấn
Suốt cả ngày 9-3, tại Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn (TKCN) Hàng không Việt Nam ở Hà Nội, nhiều chuyên gia hàng không đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tìm kiếm trên không và trên biển tích cực tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích.
Máy bay, tàu biển quần thảo liên tục
Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu túc trực liên tục tại Sở Chỉ huy TKCN Hàng không Việt Nam để chỉ đạo việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Các máy bay, tàu hải quân, tàu cảnh sát biển của Việt Nam và các nước trong khu vực biển Đông vẫn liên tục quần thảo, tìm kiếm tại khu vực được cho là chiếc máy bay đã mất tích. Đến nay đã có 6 tàu Việt Nam tiếp cận với khu vực nghi ngờ máy bay mất tích và đang tích cực tìm kiếm; trong khi 3 chiếc máy bay AN26 cũng đã thực hiện nhiều chuyến bay tìm kiếm từ trên cao.
Trong suốt 2 ngày qua, thời tiết tại khu vực tìm kiếm rất thuận lợi, gió nhẹ, trời trong nên tầm nhìn khá tốt cho cả máy bay và tàu biển. Vùng biển tại khu vực tìm kiếm mực nước cũng chỉ sâu khoảng 50 - 60m. Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, khu vực tìm kiếm chiếc máy bay mất tích đã được mở rộng hơn 100km2 gần khu vực đảo Thổ Chu về phía Nam. Các máy bay tìm kiếm vẫn giữ nguyên độ cao khoảng 2.000 - 2.300m.
Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia, cho biết, ngày 9-3, Bộ Quốc phòng đã ra lệnh cho máy bay tuần thám biển hiện đại CASA 212 của Cảnh sát biển Việt Nam tham gia tìm kiếm. Bộ Quốc phòng cũng đã ra lệnh cho tàu Hải quân HQ-888, tàu nghiên cứu biển có trang bị máy quét đa tia và đo đa tia không gian 3 chiều đang thực hiện nhiệm vụ tại phía Bắc đảo Phú Quý di chuyển đến khu vực nghi ngờ ở tọa độ khu vực cách đảo Thổ Chu 140km. Tàu HQ-888 chở thêm 1 đội thợ lặn của Quân chủng Hải quân tiến về khu vực tìm kiếm.
Có người tắt liên lạc máy bay?
Theo ông Đinh Đức Tuấn, Phó trưởng ban An toàn chất lượng an ninh (Cục Hàng không Việt Nam), giáo viên dạy bay Boeing và người có thâm niên điều khiển máy bay B777: Trường hợp máy bay bị mất liên lạc hoàn toàn nếu bị rơi trong thời tiết tốt thì nhiều khả năng là do bị hở bụng khí. Theo ước lượng khi rơi, máy bay rơi xuống từ độ cao trên 3.000m. Như vậy, sẽ có khoảng 5 phút để liên lạc lại với trung tâm.
Trường hợp thứ 2, máy bay có thể chết một lúc cả 2 động cơ, với điều kiện thời tiết thuận lợi, máy bay vẫn có thể “lướt” thêm 20 phút, đủ thời gian cho tổ lái liên lạc về trung tâm báo cáo tình hình. Trường hợp thứ 3, có thể bị kẹt động cơ nhưng theo thống kê của hãng máy bay Boeing chỉ có 9% số trường hợp gặp nạn động cơ. Hơn nữa, máy bay Boeing 777 có động cơ độc lập nên khó xảy ra trường hợp này. Một trường hợp nữa cháy trong buồng lái nên phải hạ xuống nhanh, hoặc khói trong buồng lái nhưng vẫn đủ thời gian để thông báo về trung tâm.
Sau khi đưa ra các giả thuyết, ông Đinh Đức Tuấn nhận định: “Ngay một lúc lại mất liên lạc hoàn toàn, vừa mất liên lạc thông tin, vừa mất radar dưới mặt đất. Chỉ có trường hợp có người cố tình can thiệp tắt hệ thống trên máy bay đi mới có thể mất cùng một lúc các liên lạc như thế”.
| |
NHÓM PV
| |
|