Từ việc phát hiện việc sử dụng máy xét nghiệm sinh hóa không rõ nguồn gốc, nhập lậu tại bệnh viện đa khoa huyện Thường Tín (Hà Nội) đã lòi ra một loạt máy phân tích sinh hóa tự động thuộc gói thầu số 4 do Sở Y tế Hà Nội làm chủ đầu tư trang bị nâng cấp cho nhiều bệnh viện trực thuộc có xuất xứ từ Đức nhưng nhiều linh kiện bên trong là của Trung Quốc. Điều này đã khiến cho các thiết bị đắt tiền này phải “đắp chiếu” sau ít năm sử dụng.
Có biểu hiện trục lợi
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, sau khi đoàn công tác liên ngành phát hiện máy xét nghiệm sinh hóa tự động (nhãn hiệu Hitachi 717, series 6312-19) tại khoa Xét nghiệm của bệnh viện đa khoa Thường Tín là máy mượn của một công ty bên ngoài, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu tịch thu và tiêu hủy thiết bị này vì không rõ nguồn gốc, dòng thiết bị cũ đã dừng sản xuất và nhập lậu trái phép vào Việt Nam. Đồng thời, Sở Y tế Hà Nội cũng tiến hành xử phạt bệnh viện đa khoa Thường Tín 30 triệu đồng.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, qua giải trình của bệnh viện Thường Tín, sở dĩ bệnh viện phải mượn máy xét nghiệm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Phú Cường An (địa chỉ 91/50 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) là do các máy xét nghiệm sinh hóa được Sở Y tế Hà Nội cấp (trong đó có máy xét nghiệm sinh hóa ký hiệu Greiner GA 240 trị giá gần 650 triệu đồng) bị hỏng không sử dụng được. Trong khi đó, mỗi ngày Khoa Xét nghiệm bệnh viện Thường Tín phải tiến hành gần 200 xét nghiệm các loại.
|
Việc phát hiện bệnh viện Thường Tín phải sử dụng máy xét nghiệm không rõ nguồn gốc và máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA 240 do Sở Y tế đầu tư phải “đắp chiếu” sau ít năm sử dụng đã khiến cho dư luận băn khoăn về chất lượng thiết bị y tế của gói thầu 4 "Mua sắm trang thiết bị hồi sức và xét nghiệm thuộc dự án đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế bệnh viện đa khoa Sơn Tây, đa khoa Vân Đình, Hoài Đức và các bệnh viện đa khoa huyện" do Sở Y tế Hà Nội chủ đầu tư.
Trước những nghi ngờ trên, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế Hà Nội tiến hành lập đoàn kiểm tra tại các bệnh viện được cung cấp trang thiết bị tế thuộc gói thầu số 4. Bước đầu, kiểm tra tại bệnh viện Thường Tín và bệnh Hoài Đức cho thấy, cả 2 bệnh viện đều được trang bị máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA240, hãng sản xuất: Greiner Diagnostic GmbH, xuất xứ Đức. Qua kiểm tra giấy tờ, hồ sơ pháp lý về máy xét nghiệm là đầy đủ, hợp lệ. Quá trình sử dụng máy, cả 2 bệnh viện đều có phân công cán bộ quản lý, vận hành máy. Tuy nhiên từ cuối năm 2013, cả 2 máy cùng bị hỏng bóng đèn halogen, chưa xử lý được nên phải “đắp chiếu”. Đặc biệt, sau khi kiểm tra giấy tờ, tổ công tác đã tiến hành mở máy để kiểm tra một số bộ phận nhất định trong máy xét nghiệm sinh hóa ở 2 bệnh viện. Kết quả cả 2 máy của 2 bệnh viện đều có tem nhãn ghi sản xuất tháng 5-2010, trên model của máy ghi rõ GA240, hãng sản xuất: Greiner Diagnostic GmbH, xuất xứ Đức. Tuy nhiên, ở bên trong máy có 3 quạt mát, 5 mô tơ đều ghi nguồn gốc sản xuất tại Trung Quốc, 1 quạt gió ghi nguồn gốc sản xuất tại Việt Nam.
Sở Y tế cũng phát hiện khi các máy bị hỏng, đáng lẽ bệnh viện phải gọi đơn vị cung cấp máy đến sửa chữa, bảo dưỡng vì đơn vị cung cấp máy khi đấu thầu có quy định thay thế linh kiện, sửa máy trong vòng 10 năm nhưng cả 2 bệnh viện này đều không liên hệ được với đơn vị cung cấp máy mà lại đi liên hệ với đơn vị cung cấp hóa chất xét nghiệm đến sửa máy. Điều này dẫn tới quá trình bảo trì, bảo dưỡng máy móc của 2 bệnh viện như vậy đều không đúng quy định. Hiện nay, Sở Y tế Hà Nội đang yêu cầu lãnh đạo bệnh viện giải trình, để làm hành vi trên có lợi ích cá nhân hay không!?.
Mua bán lòng vòng, giám sát chủ quan
Sau khi phát hiện máy xét nghiệm có một số linh kiện xuất xứ từ nước thứ 3, đại diện Công ty CP XNK Khoáng sản đơn vị trúng thầu cung cấp thiết bị y tế cho gói thầu số 4 đã có văn bản cam kết với Sở Y tế khi cho rằng, một số linh kiện của thiết bị có xuất xứ từ nước thứ 3 nhưng không làm ảnh hưởng đến chất lượng thiết bị vì vẫn phải đảm bảo quy trình chất lượng của Đức. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Giám đốc công ty CP XNK Khoáng sản, lý giải, công ty này không trực tiếp nhập máy sinh hóa mà mua qua của một đơn vị khác và đã kiểm tra có đầy đủ giấy tờ, hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc. Việc nhiều linh kiện bên trong máy là của Trung Quốc, ông Hưng cho rằng do xu thế toàn cầu, không quốc gia nào tự sản xuất một mặt hàng từ A đến Z mà có thể đặt sản xuất linh kiện ở một nước thứ 3.
Về phía đại diện phía đơn vị tư vấn được Sở Y tế Hà Nội mời tham gia tư vấn gói thầu, lựa chọn đơn vị trúng thầu, ông Bùi Hoàng Mai, Giám đốc Trung tâm kiểm định, kiểm nghiệm hiệu chỉnh trang thiết bị, Viện trang thiết bị và công trình y tế, cho biết, trước khi bàn giao máy cho các bệnh viện, qua kiểm tra đều có xuất xứ máy rõ ràng, đúng các quy định của pháp luật. Còn nguyên nhân vì sao chọn hãng cung cấp máy là Greiner – một hãng không có thương hiệu về sản xuất thiết bị y tế mà chuyên về cung cấp hóa chất, dẫn đến nhập phải máy kém chất lượng, ông Mai lý giải, theo báo cáo của cán bộ giám sát thì khâu giám sát máy trúng thầu mới chỉ thực hiện trên giấy tờ. Hơn nữa, trên hồ sơ máy móc, thiết bị y tế đầu thầu theo quy định không được ghi hãng sản xuất mà chỉ ghi tính năng kỹ thuật.
Sở Y tế Hà Nội cũng giải trình, gói thầu số 4 đã thực hiện theo đúng trình tự quy định của pháp luật trong các khâu. Tất cả công đoạn đều thuê đơn vị tư vấn giám sát là Viện Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế. Đây là dự án có sự hỗ trợ của nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Gói thầu được mở thầu vào năm 2009, đưa vào sử dụng từ năm 2010 và đến năm 2012 đã được thanh tra, kiểm toán và quyết toán dự án. Do đó, Sở Y tế Hà Nội cho rằng, quy trình thực hiện đầu tư mua sắm thiết bị, khai thác sử dụng trang thiết bị thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đại diện Sở Y tế cũng đổ lỗi khi cho rằng, máy móc thiết bị được đầu tư cho các bệnh viện trong gói thầu số 4 sau một thời gian ngắn sử dụng đã hỏng, nhiều khả năng liên quan đến người sử dụng và có thể là do sử dụng hóa chất không đảm bảo dẫn đến trục trặc.
NGUYỄN QUỐC