Mẹ con người ở trọ

Mẹ con người ở trọ

Ngồi trong căn nhà trọ, nơi chị Bình và đứa con trai đang tá túc ở sâu hút trong một con hẻm nhỏ phường Bình An, quận 2, chị nói với tôi mà giọng cố kìm để không bật lên tiếng khóc. Cách đây hai mươi lăm năm, chị là một bí thư chi đoàn giỏi ở thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Rồi năm hai mươi tuổi chị lấy chồng.

Năm sau chị sinh con và đặt tên cho nó là Linh, còn tên vía gọi là cu Cún. Nhưng rồi chồng chị đã phản bội chị, đi ngoại tình với một người đàn bà khác. Chị nói nỗi buồn đó giống như một lưỡi dao ác nghiệt cắt ngang mọi ước mơ, hạnh phúc của cuộc đời chị. Vậy là vợ chồng chị ly hôn. Chị khóc, khóc như mưa. Khóc vì tủi phận mình một, thì khóc vì thương thằng Cún con mười.

Buồn vì gia đình đổ vỡ, năm 1996 chị dẫn cu Cún lúc đó mới lên năm tuổi vào Sài Gòn. Những ngày đầu chị lang thang đi xin việc làm, nhưng không nơi nào chịu nhận chị cả, bởi một lý do là chị không có chuyên môn nào phù hợp. Nỗi lo bắt đầu ập đến, vì lúc ra đi chị tích cóp được mấy trăm ngàn đồng, mà mới hơn một tháng trời đã chi tiêu sắp hết, và có nguy cơ lại phải trở về quê càng làm chị sợ. Đang hoang mang tình cờ chị gặp được một người anh họ, giới thiệu cho chị đến trông coi giữ đất cho một người bạn ở phường Bình An, quận 2.

Ngày đó quận 2 chưa nhiều vi-la, cao ốc như bây giờ, xung quanh mênh mang đầm đìa và chằng chịt kênh rạch, muỗi mòng như trấu. Khu đất của ông chủ rộng gần hai nghìn mét vuông, ở giữa ông cất một cái nhà nhỏ mái lợp tôn, nắng thì nóng hầm hập, mưa thì nghe như đá lia xoang xoảng inh tai nhức óc. Ông chủ nói cho mẹ con chị ở đây, không thu tiền nhà, nhưng mỗi tháng ông còn trả cho chị sáu trăm nghìn đồng gọi là công coi giữ đất. Úi chao, chị nói mừng mà suýt khóc.

Mẹ con người ở trọ ảnh 1

Chị Bình và con trai Bùi Mạnh Linh.

Vậy là mười ba năm, hai mẹ con chị vẫn ở trong cái nhà cấp bốn trên khu đất đó. Ao đìa ngày xưa không còn, giờ thành khu đất bằng phẳng rộng hơn một cái sân banh tennít, có tường xây bao bọc. Công trình đó, theo chị nói là do ông chủ thuê xe chở đất từ xa tới, rồi chị dùng xe cút kít xúc đổ bằng, giờ trông mới được đẹp như thế. Nhìn đất trống huơ, ông chủ lại mua cỏ đem về trồng cho có màu xanh, nhưng khi cỏ lên tốt thì ông bảo chị thuê người đến cắt. Cứ vậy, cỏ mọc thì lại cắt, cắt rồi cỏ lại mọc, mọc rồi lại cắt… Sao lại làm như thế nhỉ? Chị nói với tôi lúc đầu thấy cũng lạ, nhưng không dám hỏi. Nhưng rồi chị nghĩ, chắc ông chủ muốn kiếm việc làm thêm cho chị?! Mười ba năm chị sống như thế.

Chị còn lo cho thằng Cún con đi học, chuyện đó tưởng dễ mà không dễ. Vào năm 1996, một người như chị không nhà, không hộ khẩu, làm thế nào xin được cho con đến trường đi học? Rồi lần nữa chị lại gặp may. May vì nhờ được một người tốt bụng giúp đỡ, cho mẹ con chị nhập hộ khẩu vào gia đình họ, thế là thằng Cún được đi học lớp 1.

Mười ba năm, trông chị thì già đi trước tuổi, nhưng đứa con, trai của chị đã không làm chị thất vọng. Trong mười hai năm học Linh đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ba năm lớp 10, 11, 12 ở Trường Phổ thông Trung học Thủ Thiêm, quận 2, điểm bình quân của em là 9,2. Hai môn học mà em thích nhất là toán và lý đều đạt từ 9,5 đến 9,6 điểm. Em là học sinh xuất sắc nhất của trường. Năm 2008, Linh là một trong 50 em đạt danh hiệu học sinh tiêu biểu cấp thành phố Hồ Chí Minh. Chị bảo đó là phần thưởng lớn nhất đối với cuộc đời chị.

Người ta còn ngạc nhiên về hai mẹ con chị, qua lời khen ngợi của nhân dân khu phố, của cán bộ phường về một bà Bình nghèo đang ở trọ, nhưng lại có tinh thần tham gia phong trào xã hội tích cực. Một bà Bình tổ trưởng dân phố. Một bà Bình tuyên truyền viên dân số kế hoạch hóa gia đình. Một bà Bình là ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ phường Bình An. Và, một bà Bình Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ tổ dân phố. Tất cả những cái chức “thổi tù và hàng tổng” đó chị đều làm tốt và hiệu quả cao.

Không biết có phải cái “máu” phong trào quần chúng của mẹ Bình có “lây” sang Linh hay không, nhưng năm 2007 và năm 2008, Linh được Đoàn trường phổ thông Trung học Thủ Thiêm tín nhiệm bầu làm Bí thư chi đoàn. Trong chiến dịch “Hoa phượng đỏ”, Đoàn trường của Linh nêu ra hai mục tiêu thu gom rác thải và xóa biển quảng cáo in bậy trên tường, đường phố; tổ chức tốt sinh hoạt hè cho các em thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn phường Bình An và mở rộng giao lưu liên kết giữa các phường bạn, trường bạn, tạo nên những mùa hè bổ ích.

Mẹ làm phong trào, con làm phong trào chuyện đó không hiếm, nhưng cả hai mẹ con phối hợp với nhau trong cuộc vận động tham gia hiến máu nhân đạo là một điều thú vị.

Bà Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường khi nói với tôi, đều dành cho mẹ con chị Bình những tình cảm thật đặc biệt. Nắm bắt cơ hội trong khu đất nơi mẹ con chị ở có một lớp dạy võ cổ truyền “Thiếu Lâm Quyền Sơn” thu hút hàng trăm thanh niên, sinh viên về đây tập luyện, thế là mẹ con chị tranh thủ vận động các sư huynh tham gia hiến máu. Mưa dầm thấm lâu và kết quả vượt ngoài mong đợi, rất nhiều sư huynh nhiệt tình hưởng ứng. Trong ba năm 2006, 2007 và 2008, hai mẹ con chị đã vận động được 120 người hiến máu. Năm 2009 toàn phường có 40 người tham gia, thì riêng mẹ con chị đã vận động được 30 người.

Học giỏi, công tác Đoàn, công tác xã hội tốt, Linh được Thành đoàn tặng bằng khen, Trung ương Đoàn tặng giấy khen.

Gặp hai mẹ con chị Bình ở nơi trọ, khi ra về mà tôi cứ bâng khuâng tự hỏi mình, có biết bao nhiêu người có đủ điều kiện nhà cửa, đời sống vật chất, tinh thần nhưng ít ai nghĩ và làm được như mẹ con chị?

Có thể, có nhiều cách lý giải cho câu hỏi đó. Nhưng trước hết vẫn là Linh! Em nói với tôi, chưa bao giờ em tự ti về hoàn cảnh của mình là người nghèo khó! Rồi tôi hỏi em, ai là người em yêu quí nhất? Em bảo “là mẹ!”.

Nếu ai đó có dịp đến thăm nơi ở của hai mẹ con chị Bình, chắc chắn sẽ đồng ý với câu trả lời của Linh. Họ đã sống ở đây 13 năm. 13 năm người mẹ dù có căn bệnh đau đầu kể từ sau cú sốc buồn ly dị chồng, nhưng vẫn tin vào cuộc sống nhiệm màu để đứng vững nuôi con khôn lớn. Còn Linh từ khi biết nghĩ, biết ý thức về cuộc đời mình, chưa bao giờ em nản chí. Học để cuộc đời mình có ích, để bù đắp những gì mất mát của cuộc đời mẹ đã dành cho em. Em cố gắng học vì những thôi thúc đó.

Hàng ngày em thức dậy từ lúc 4 giờ sáng để học bài thêm một tiếng rưỡi, rồi đạp xe đến trường học. Trưa 11 giờ 30 phút về nghỉ. Đến 1 giờ 30 em lại đến trường học tiếp. 19 giờ 30 phút đi học thêm tới 22 giờ khuya về, nghỉ một lúc em ngồi vào bàn học đến 1 giờ sáng ngày hôm sau. Học, chỉ có học. Khi có chút thời gian rỗi là em lại lao vào các hoạt động phong trào của nhà trường và địa phương.

Sự đam mê quá sức có lúc làm em bị ngất. Mới đây nhất, ngày 27-5 em phải vào bệnh viện cấp cứu, và người ta phát hiện ra em bị lệch vách ngăn trong mũi. Căn bệnh tưởng như bình thường nhưng thật là nguy hiểm, do lượng ô xy vào phổi khi qua vách ngăn bị chặn lại, không đủ cung cấp cho cơ thể mỗi khi em làm gì quá sức.

Ngồi bên giường bệnh nhìn con, chị Bình khóc. Khóc vì thương con quá mà đành bất lực. Rồi ngày ra viện bác sĩ nói với chị, căn bệnh này chỉ có mổ mới khỏi. Vâng biết thế, nghĩa là em ra viện rồi lại vào viện bất cứ lúc nào. Nhưng để chữa khỏi bệnh cho Linh cần phải có 15 triệu đồng ca mổ mới được thực hiện? Trời đất, nghe mà rụng rời cả chân tay, vì đó là một số tiền quá lớn đối với chị. Thì thôi, cứ mặc cho số phận. Vậy mà vừa về đến nhà Linh lại lao vào học tập.

Tôi lại đến thăm mẹ con chị Bình tại nơi nhà ở trọ, gặp đúng cái buổi lớp võ cổ truyền “Thiếu Lâm Quyền Sơn” đang luyện tập. Tôi giật mình nhận ra trong số đó có đệ tử Bùi Mạnh Linh, mới hôm qua còn nằm trong bệnh viện cấp cứu, nhưng hôm nay Linh trong bộ đồ võ phục trông em mạnh mẽ, tiến, lùi, ngang, dọc, lúc như đang bay, khi thả mình xuống thấp, ánh mắt, khuôn mặt đầy vẻ tự tin.

Nhưng tôi biết, để niềm tin đó trở thành hiện thực, thì phía trước em vẫn còn quá nhiều gian nan và thử thách.

ĐỖ VIẾT NGHIỆM

Tin cùng chuyên mục