Chọn nghề chọn nghiệp cũng giống như chọn lựa bạn đời để kết hôn, đồng hành suốt cuộc đời. Thế nhưng, vào thời khắc quan trọng - chọn ngành học, chọn trường đại học, nhiều bậc cha mẹ lại phớt lờ đam mê, sở thích và thường ép con học những ngành nghề mà… cha mẹ thích. Tình huống này không chỉ dập tắt đam mê, khát vọng tương lai mà còn đẩy con vào ngõ cụt…
Con cõng giấc mơ của cha mẹ
Một tiểu phẩm thể hiện ước mơ chọn nghề, chọn ngành theo đam mê của học sinh bậc THPTcủa TPHCM tại cuộc thi “Chắp cánh ước mơ”
Ngay từ khi con gái bước vào lớp 10, chị T. đã định hướng cho con học thêm các môn khoa học tự nhiên và Anh văn để thi vào khối ngành ngoại thương, kinh tế. Mặc cho con gái nài nỉ rằng, thích học ngành khảo cổ học vì từ nhỏ em đã đam mê những câu chuyện khám phá, xác định niên hạn của những di cổ vật quý có hàng trăm năm tuổi. “Phi thương bất phú! Con đừng mơ tưởng, đam mê vớ vẩn về những ngành nghề vô bổ, không kiếm ra tiền, không đảm bảo cuộc sống…”, chị T. nhiều lần thuyết phục lẫn lớn tiếng đe dọa con gái. Kể lại câu chuyện học trò lớp 12 của mình giỏi đều các môn khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội, nhưng không thể làm trái ý cha mẹ trước khi chuẩn bị đăng ký chọn ngành, chọn trường đại học, một giáo viên chủ nhiệm bộc bạch: “Dù biết đam mê của em là chính đáng nhưng tôi cũng không dám khuyên em hãy sống với đam mê, khát vọng của em. Bởi lẽ, nếu em dấn thân theo ngành khảo cổ học thì chắc chắn cơ hội việc làm cũng ít mà thu nhập cũng không thể hứa hẹn đủ sống…”.
Bức xúc về việc bị cha mẹ ngăn cản không cho chọn ngành học mà mình yêu thích, một học sinh lớp 12 tên A. giãi bày trên mạng xã hội: “Tại sao tôi không được sống với ước mơ, sở thích của mình? Tại sao cha mẹ tôi chỉ thích cái mác tôi phải trở thành bác sĩ? Nếu không làm theo ước muốn của các bậc sinh thành thì tôi bị coi là bất hiếu! Tôi sẽ phải trả giá vì làm họ thất vọng! Nhưng nếu đi theo con đường mà họ định hướng thì tôi sẽ ra sao? Có nên sống vì ước mơ của cha mẹ hay đấu tranh đến cùng để bảo vệ đam mê được học nghề mình yêu thích?...”. Và cuối cùng vì sức ép gia đình, chàng trai đó đã chọn thi vào Trường Đại học Y - Dược và đậu với điểm số cao. Nhưng học hết năm thứ hai, A. bỏ ngành y để theo đuổi đam mê của mình là được dạy học. Có năng khiếu về ngoại ngữ, A. quyết định thi vào Đại học Sư phạm chuyên ngành tiếng Anh, ra trường được nhận vào dạy ở một trung tâm ngoại ngữ chất lượng cao. Bây giờ, thầy giáo A. dạy Anh văn giỏi - chuyên luyện thi lấy chứng chỉ IELTS, TOEFL nên dễ dàng kiếm vài ngàn USD/tháng và toại nguyện với lựa chọn ngược dòng của mình. Đến khi thấy con mình thành đạt, cha mẹ của A. mới nhận thấy họ đã sai. Nhưng có bao nhiêu học sinh trước ngưỡng cửa vào đời, trước cánh cửa chọn ngành nghề dám sống với đam mê, sở thích của mình? Và trên thực tế, có bao nhiêu bậc cha mẹ đồng hành với giấc mơ nghề nghiệp của con cái và không đẩy chúng vào ma trận lạc lối chọn nghề?
Đồng hành, sẻ chia với đam mê của con
Kết quả khảo sát ở một số trường đại học cho thấy, tỷ lệ sinh viên mong muốn có cơ hội chọn lại nghề nghiệp khá cao. Chỉ vì chọn nghề theo cảm tính - nghề hot - dễ đậu - dễ xin việc và nương theo ý cha mẹ, không ít sinh viên đã “ngã ngựa” khi nhắm mắt “học đại” thay vì học theo đam mê, năng lực của bản thân. T.Thanh - cựu sinh viên Trường Đại học Khoa học - Tự nhiên TPHCM đã bỏ học giữa năm thứ ba khi phát hiện ngành Mỏ Địa chất không hợp với mình. Khi biết con bỏ học, cha mẹ T.Thanh té ngửa và ân hận vì ép con chọn ngành này bằng mọi giá. Sau thất bại, T.Thanh đăng ký thi vào ngành kinh tế và cảm thấy hạnh phúc với dự định trở thành doanh nhân trong tương lai.
Tương tự, hàng năm có hàng trăm sinh viên bỏ học ngang vì khi ngồi vào ghế giảng đường đại học mới thấy ngành mình chọn không giống như đã hình dung. Cũng có sinh viên bộc bạch, họ phải học những ngành cha mẹ chỉ định để ra trường sẽ có người quen sắp xếp chỗ làm ổn định trong cơ quan nhà nước…Theo Th.S Lê Hoàng Khắc Hiếu (Khoa Tâm lý Trường Đại học Sư phạm TPHCM), “cuộc chiến” chọn nghề hướng nghiệp giữa cha mẹ và con cái luôn gay gắt, căng thẳng. Và những giấc mơ nghề nghiệp bị lạc hướng, bị nhào nặn theo ý cha mẹ đã đẩy không ít số phận tuổi trẻ vào ngõ cụt, thậm chí phải trả giá rất đắt để làm lại từ đầu.
| |
Hà Khánh