Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân tới Viêng Chăn là sự thân tình, gần gũi. Thật bất ngờ và cảm động, vì không chỉ ra tận sân bay, chị Phiu La Vanh - quyền Chủ tịch Hội Nhà văn Lào, còn chào đón và trò chuyện với chúng tôi bằng tiếng Việt! Bên ngoài, nắng tháng 5 chói chang và những chùm phượng vĩ cũng đang khoe sắc thắm như ta vẫn gặp trên một con phố Sài Gòn.
Chỉ ở thăm đất bạn trong một thời gian ngắn (từ ngày 21 đến 25-5-2012) nhưng tất cả thành viên trong đoàn văn nghệ sĩ TPHCM gồm nhà văn Đoàn Minh Tuấn, nhà thơ Trương Nam Hương, Đặng Nguyệt Anh, Huệ Triệu, Chu Quang Mạnh Thắng, nhà điêu khắc Lại Kim Thanh - Nguyễn Sang, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Ngọc Vương, ca sĩ Quỳnh Như... đã kịp lưu giữ những tình cảm tốt đẹp nhất.
Đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, thắp nén nhang thơm trước bàn thờ Bác, ngắm nhìn bốn bức tranh đậm chất Việt Nam được treo trang trọng trong phòng khánh tiết và khuôn viên bề thế, khang trang của đại sứ quán bỗng thấy dấy lên lòng tự hào được làm người con đất Việt, đồng thời cảm nhận được tình hữu nghị bền chặt Việt - Lào.
Trong cuộc tiếp đón nồng hậu, chân tình, Đại sứ Việt Nam tại Lào, nhà thơ - TS Tạ Minh Châu nhấn mạnh mối quan hệ Việt - Lào là “tài sản chung vô giá của hai dân tộc” được xây đắp bằng máu thịt của nhân dân hai nước.
Đến Lào, chúng tôi nhiều lần xuýt xoa, ngẩn ngơ trước sự tráng lệ của những ngôi chùa. Hơn 1.400 ngôi chùa trên khắp đất nước xinh đẹp này đã tạo nên nét văn hóa độc đáo, vô cùng hài hòa với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ những núi những đèo, với dòng Mê Kông hiền hòa thơ mộng. Đây là chùa Thạt Luông với kiến trúc bề thế, những tháp vàng rực rỡ vươn cao từ lâu đã trở thành biểu tượng của văn hóa và quốc gia Lào, kia là chùa Si Sa Ket cổ kính với hơn 10.000 pho tượng Phật, kia là chùa Xỉ Mương linh thiêng cùng với người dân Lào thành kính trong nghi lễ thắt chỉ cổ tay…
Đi tới đâu tôi cũng có cảm giác yên bình. Cảm giác ấy, khó có thể nói rõ được tạo nên từ nét cổ kính, trang nghiêm của những ngôi chùa hay nét thanh thản, thuần hậu trên gương mặt con người ở xứ sở hoa Chăm Pa.
Chia tay đất Lào, chúng tôi lên máy bay trở về thành phố, mang theo hương nếp được bồi đắp bởi phù sa sông Mê Kông, thơm thảo như tấm lòng của bạn…
Huệ Triệu