
Rượu Bầu Đá là đặc sản của thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc (An Nhơn – Bình Định) vốn nổi tiếng từ xưa, được nhiều người sành rượu biết đến. Sự nổi tiếng này đã khiến cho thị trường rượu Bầu Đá thời gian gần đây trở nên “vàng thau lẫn lộn”.
- “Đệ nhị danh tửu”

Đóng chai rượu Bầu Đá tại cơ sở rượu Bầu Đá Thành Tâm (Nhơn Lộc-An Nhơn). Ảnh: Ng.Thái
Quê hương của rượu Bầu Đá là làng Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, chỉ với vài ba chục hộ gia đình sản xuất theo bí quyết cổ truyền, chủ yếu là để dùng trong ngày Tết, lễ hội.
Cụ Nguyễn Trung Hòa, một lão làng trong nghề nấu rượu Bầu Đá, cho biết muốn có rượu ngon, người nấu phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn nước, gạo, men, dụng cụ nấu... cộng với kinh nghiệm gia truyền.
Để có một lít rượu Bầu Đá ngon, công đoạn nấu rất công phu: rượu được nấu bằng gạo lứt, nấu một mẻ 5 kg gạo (lấy được 2,5 - 3 lít rượu) phải mất 6 tiếng đồng hồ. Dụng cụ dùng để nấu đều làm bằng sành, thủy tinh và tre nên có hương vị đặc trưng. Khi chưng cất không được vội vàng, phải dùng lửa liu riu mới vắt cạn được tinh chất gạo. Người nấu rượu lâu năm không cần nếm cũng có thể thẩm định được chất lượng của rượu bằng cách lắng nghe tiếng rơi của rượu trong vại sành lúc chưng cất và hương rượu thoáng qua là biết chắc được chất lượng của mẻ rượu.
Theo những người sành rượu, Bầu Đá có những nét riêng ít loại rượu nào có được. Đưa rượu lên rót nghe thánh thót trong veo, hơi rượu thơm nồng, nước rượu trong như pha lê. Rượu rót ra chén sủi bọt sủi tăm, uống vào không có cảm giác gắt, hay nóng cháy cổ khiến người ta giật mình, e ngại. Với rượu Bầu Đá chính gốc, lỡ khi quá chén không hề đau đầu...
Tiếng lành đồn xa, rượu Bầu Đá không còn bó hẹp trong không gian thôn làng nữa mà vươn đến các địa phương khác. Nhiều người khi ghé qua đất Bình Định đều muốn nếm thử một lần cho biết hoặc mua một ít về làm quà biếu người thân. Trong một lần dừng chân ở đất Bình Định, nhà thơ Tản Đà tình cờ thưởng thức một bữa tiệc rượu Bầu Đá, đã nghiêng mình ngưỡng vọng và phong tặng cho rượu Bầu Đá là “Đệ nhị danh tửu”.
- Thật giả lẫn lộn
Hiện nay ở nhiều địa phương trong tỉnh Bình Định, đặc biệt là ở các bến xe, nhà ga, dọc quốc lộ đều có nhiều quầy hàng bán rượu Bầu Đá. Nhiều nhất là hai bên Quốc lộ 1A và 19, đoạn đi qua địa phận huyện An Nhơn và ở khu vực ngã ba Cầu Gành thuộc xã Phước Lộc - Tuy Phước. Đó là chưa kể một số tỉnh kề cận cũng trương biển đại lý rượu Bầu Đá với nhiều kiểu dáng chai lọ, màu sắc, chủng loại...
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết những quầy bán rượu Bầu Đá cho khách qua đường phần lớn lấy rượu ở nhiều nguồn qua những người bỏ mối, nên họ không biết được rượu mình đang bán có xuất xứ ở đâu. Đã thế, nhiều người còn “sáng chế thêm” cái màu xanh có hương của nếp mới, gọi là “Rượu Bầu Đá nếp hương”! Rồi lại rượu Sâm, rượu Nhung, rượu Tắc Kè, rượu rắn Ngũ Xà, Cửu Xà... Còn giá cả thì tùy theo đối tượng, tùy theo túi tiền, tùy theo khách quen, lạ, sành hay không sành rượu.
Chị Nguyễn Thị Hồng, một người bán rượu Bầu Đá trên Quốc lộ 19 thuộc xã Nhơn Hòa (An Nhơn), cho biết rượu chị bán có rất nhiều giá, thấp nhất là 8 ngàn đồng/lít và cao nhất có khi lên đến 20 ngàn đồng/lít, tùy theo… khách hàng. Chị Hồng lấy rượu tại xã Nhơn Hòa, trung bình mỗi ngày bán được khoảng 10 lít. Tôi thắc mắc: “Sao rượu lấy tại Nhơn Hòa mà vẫn để hiệu Bầu Đá? “ Chị Hồng giải thích: “Mình bán chủ yếu cho khách ở xa mua về làm quà. Mấy ai trong số họ phân biệt được rượu Bầu Đá chính hiệu và Bầu Đá “ăn theo” đâu…”
Đó là thực trạng tại các quầy bán rượu Bầu Đá. Còn việc nấu rượu cũng tràn lan, chất lượng thì… tùy theo yêu cầu của người mua. Không chỉ ở xóm Bầu Đá mà nhiều người trong xã Nhơn Lộc mấy năm gần đây cũng đã học cách nấu loại rượu này. Theo thống kê, toàn xã Nhơn Lộc hiện có 1.600 hộ dân nấu rượu trong tổng số 2.149 hộ dân. So với năm 2000, đã tăng thêm khoảng 1.000 hộ.
Trong khi đó, tại thôn Cù Lâm -quê hương của rượu Bầu Đá thì chỉ có chừng 30 hộ. Những người nấu rượu “nhái” này rất ít quan tâm đến uy tín và chất lượng sản phẩm. Phần lớn họ thay gạo lứt bằng các loại gạo khác để được nhiều rượu. Thời gian nấu cũng được rút ngắn xuống còn hơn 3 tiếng đồng hồ một mẻ và lấy hơn 3 lít rượu nước đầu.
- Đừng đánh mất thương hiệu

Rượu Bầu Đá bày bán tràn lan trên Quốc lộ 1A, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bình Định.
Xã Nhơn Lộc hiện có 2 cơ sở đóng chai rượu Bầu Đá có thương hiệu riêng là Thành Tâm và Thu Trang. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng có một số cơ sở chế biến rượu Bầu Đá như Thanh Thảo, Ngọc Hương (Quy Nhơn), Tâm Hường, Như Trầm (An Nhơn)... Đây là những thương hiệu đang được nhiều nơi chấp nhận và tiêu thụ với số lượng lớn.
Để cho sản phẩm rượu Bầu Đá ngày càng được người tiêu dùng tín nhiệm, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến rượu nói trên đã vất vả xây dựng thương hiệu của riêng mình. Ông Nguyễn Thành Tâm, chủ cơ sở rượu Bầu Đá Thành Tâm cho biết: “Sản phẩm rượu Bầu Đá của chúng tôi đã có mặt hầu hết các địa phương trong cả nước với hơn 20 đại lý phân phối, được khách hàng tín nhiệm, nên phải luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Chúng tôi đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hộ dân trong làng nghề với điều kiện phải tuân thủ theo yêu cầu về chất lượng của cơ sở đặt ra”.
Tuy nhiên, số cơ sở có thương hiệu và uy tín như vậy ở Bình Định hiện còn rất ít, nên phần lớn rượu Bầu Đá trên thị trường là dỏm và không đảm bảo chất lượng. Để giữ thương hiệu cho làng nghề, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần phải xem xét, sắp xếp, quy định về quy trình sản xuất, bán buôn và cần có sự kiểm tra, giám sát về chất lượng, độc tố, độ cồn một cách nghiêm ngặt. Nếu không, chắc rằng một thời gian không xa nữa uy tín của “đệ nhị danh tửu” này sẽ dần mai một như rượu Vân Hương mỹ tửu của làng Vân Hà - Bắc Giang vậy.
Ngọc Thái