Mexico truy tìm đảo Bermeja mất tích

Mexico truy tìm đảo Bermeja mất tích

Các nghị sĩ Mexico mới đây chính thức yêu cầu chính phủ điều tra về sự biến mất của một hòn đảo nhỏ nằm trong Vịnh Mexico có tên Bermeja, nơi có mỏ dầu và khí đốt lớn.

Mexico truy tìm đảo Bermeja mất tích ảnh 1
Vị trí đảo Bermeja trong một bản đồ trên internet

Theo báo cáo của Thượng viện, đảo Bermeja thuộc lãnh hải Mexico, nằm ở phía Bắc bán đảo Yucatan và có mặt trên các bản đồ hàng hải từ thế kỷ 14. Nhưng từ năm 1997, sau khi có thỏa thuận phân chia với Mỹ khu vực khai thác dầu mỏ trong Vịnh Mexico, tàu hải quân Mexico đã không thể định vị được đảo Bermeja. Đây là một trường hợp lạ, bởi đảo này có tên trên các văn bản chính thức, thậm chí còn được ghi trong một sách hướng dẫn du lịch của Mỹ từ những dữ liệu của CIA và có cả trên Internet.

Tầm quan trọng của đảo Bermeja ở chỗ, nó thiết lập ranh giới hàng hải giữa Mỹ và Mexico, trong khu vực có tên Hang Dona của Vịnh Mexico, vốn là nơi có nhiều mỏ dầu, khí đốt và khoáng sản (trữ lượng chiếm 30% mức tiêu thụ dầu và 23% khí đốt tự nhiên của Mỹ). Định vị và tìm nguyên nhân biến mất của đảo Bermeja có thể giúp Mexico mở rộng ranh giới ở phía Bắc.

Tranh luận về hòn đảo mất tích bắt đầu khi trữ lượng dầu mỏ của Mexico được ghi nhận giảm sút. Theo Cơ quan Dầu mỏ Anh, vào năm 1987, Mexico còn khoảng 54,1 tỷ thùng dầu chưa khai thác nhưng năm rồi, chỉ còn 12,2 tỷ thùng.

Giới chức Mexico cho rằng, đảo Bermeja hiện chìm dưới mặt nước biển từ 40-50m do các yếu tố địa chất và khí hậu. Nhưng theo các nghị sĩ, một hiện tượng tự nhiên có tầm mức như thế không thể nào không ai nhận ra và họ nghi ngờ hòn đảo bị chìm xuống nước là kết quả của một hành động nào đó của con người.

Không phải đến nay mới có dư luận về sự mất tích bí ẩn này, từ năm 1997, Jose Angel Conchello, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mexico, đã công bố ý kiến của một công ty Mỹ về một văn bản phân chia khu vực khai thác dầu mỏ giữa Mỹ và Mexico. Theo ông Conchello, tất cả dường như chỉ ra rằng, Chính phủ Mexico đã nhường lợi tức từ nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ trong khu vực cho các công ty đa quốc gia Mỹ, kể cả một thỏa thuận bí mật cho phép giao mỏ dầu và khí đốt cho Mỹ.

HÀ KIM
(theo Courrier International)

Tin cùng chuyên mục