Mía “đắng” đã “ngọt”

Đầu tư thỏa đáng cho người trồng mía
Mía “đắng” đã “ngọt”

Phụng Hiệp (Hậu Giang) và Trà Vinh là những vùng mía nguyên liệu của miền Tây. Phụng Hiệp có 8.687 ha trồng mía. Trà Vinh cũng có khoảng 8.000 ha mía. Năm 2006, người trồng mía cảm nhận: mía “đắng” quá, vì giá mía cứ rớt thảm hại…

Phụng Hiệp mùa mía... “ngọt”

Mía “đắng” đã “ngọt” ảnh 1

Thu hoạch mía ở Phụng Hiệp (Hậu Giang).

Chúng tôi về vùng mía Phụng Hiệp vào giữa tháng 10-2007, khi đang vào mùa thu hoạch mía. Chiếc ghe máy đưa chúng tôi rẽ vào kênh 81, rồi qua kênh Sậy Níu, nơi đâu cũng tấp nập những chiếc ghe chài to lớn, tải trọng vài trăm tấn chở mía khẳm lừ, neo đậu dọc theo hai bên bờ kênh.

Nắng chiều sắp tắt nhưng vẫn còn cảnh nhộn nhịp vác mía xuống ghe. Tôi hỏi chuyện người chủ rẫy, anh Tư Hó, đang cân mía bán: “Giá mía năm nay có khá không?”, Tư Hó chật lưỡi tiếc rẻ: “Đầu vụ giá chỉ có 380.000 đồng/tấn, mọi người sợ tình trạng sụt giá như năm ngoái, ai cũng thi nhau bán, nào ngờ, giá mía càng về cuối vụ lại tăng dần. Giá hiện nay là 420.000 đồng/tấn”. Tư Hó tiên đoán, có lẽ tới cuối vụ giá mía sẽ đến 450.000 đồng/tấn. Nếu được vậy, năm nay tại vùng mía sẽ mọc lên nhiều căn nhà xây mới.

Vì sao vụ mía năm 2006 rớt giá?

Theo bà con trồng mía ở Phụng Hiệp, giá mía năm 2006 rớt thê thảm, là do các nhà máy đường không thu mua mía đầu vụ, lại được chính quyền địa phương ủng hộ ra thông báo yêu cầu người trồng mía không được đốn mía, với lý do để mía chín đúng mức, đảm bảo chữ đường cao.

Trong khi đó, vùng mía Phụng Hiệp từ lâu canh tác 4 giống mía: Loại Gốc 16 và Gốc 11 (mía đường) chín rộ vào tháng 10-11; loại VD và 22 chín giữa tháng 11 đến tháng 12. Do đó, khi được lệnh “mở cửa” các rẫy mía, thì hầu hết mía loại Gốc 16 và Gốc 11 đã chín từ lâu, đọt héo và sắp trổ cờ.

Trong khi đó, loại mía VD và 22 cũng đang chín tới, để lâu nữa thì sẽ mất chữ đường, nên ai cũng tranh thủ bán mía. Do đốn mía rộ, làm cho thị trường mía bị dội, hậu quả tất yếu là mía rớt giá. Một mặt do thương lái ép giá, một phần do nhà máy đường không tiêu thụ hết lượng mía tồn động quá nhiều.

Thị trường mía lúc bấy giờ hoàn toàn nằm trong tay thương lái. Anh Thanh Trà, ngụ tại xã Hiệp Hưng huyện Phụng Hiệp vẫn còn thắc mắc: “Đây là một quyết định hoàn toàn không dựa vào thực tế, không hiểu là do thiếu cân nhắc hay có một sự móc ngoặt. Người trồng mía chúng tôi chẳng những lỗ vì giá mía rớt, mà còn phải chịu lỗ thêm vì giá công đốn mía tăng cao do thiếu lao động, vì cả vùng mía thu hoạch đồng loạt. Điều đáng quan tâm là người trồng mía còn phải gánh thêm một khoảng “tiêu cực phí” trắng trợn của các “cò mía” bắt tay với các cán bộ của nhà máy đường làm công tác điều độ đưa mía vào cân. Ai muốn mía của mình vào trước để đỡ mất chữ đường thì phải chi cho “cò” 5.000 - 10.000 đồng/tấn”.

Anh Trà làm bài tính: “Mỗi mùa mía, nhà máy đường tiêu thụ khoảng vài trăm ngàn tấn, thì họ chia nhau tiền tỷ, không phải ít”. Anh Trà cho biết thêm: “Năm nay các rẫy mía không bị đóng cửa như năm ngoái, mía ai chín trước bán trước, nhờ vậy mà các rẫy mía thu hoạch xen canh, không ồ ạt một lúc, làm thị trường mía không ứ dội”.

Đầu tư thỏa đáng cho người trồng mía

Theo anh Vũ Đức Hòa, Giám đốc Công ty Mía đường Trà Vinh, để nông dân an tâm sản xuất, từ lâu Công ty Mía đường Trà Vinh đã đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Giá mía lên công ty thu mua theo giá thị trường, giá mía xuống công ty không hạ giá, vẫn mua theo giá thỏa thuận ban đầu.

Chị Kiên Thị Sang, người trồng mía ở ấp Mộc Anh xã Lưu Nghiệp Anh huyện Trà Cú Trà Vinh, phấn khởi nói: “Mọi thứ đã có Công ty Mía đường Trà Vinh lo liệu. Người trồng mía được đầu tư thỏa đáng: 8 triệu đồng/ha mía trồng mới, 3,5 triệu đồng/ha mía chăm sóc. Ngoài ra công ty còn ứng trước phân bón, khỏi phải mua hàng trôi nổi bên ngoài giá cao, chất lượng không bảo đảm.

Đặc biệt, công ty còn cung cấp giống mía mới năng suất cao và cho cán bộ xuống tận rẫy mía hướng dẫn bà con chăm sóc. Chính vì vậy, không tư thương nào mua được mía của chúng tôi, mọi người trước sau vẫn chung thủy với Công ty Mía đường Trà Vinh. Vì họ đã tạo cho chúng tôi niềm tin và là chỗ dựa của người trồng mía”. 

NGUYỄN TƯỜNG LỘC

Tin cùng chuyên mục