Miền núi Quảng Nam sạt lở nghiêm trọng, Quốc lộ 9 qua Quảng Trị bị ùn tắc
SGGPO
Mưa lớn nhiều ngày liên tục làm hầu hết các tuyến đường vừa mới khắc phục xong ở tỉnh Quảng Nam bị sạt lở trở lại nghiêm trọng hơn, công tác khắc phục gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, Mưa lớn khiến lượng lớn đất đá sạt lở đổ xuống làm giao thông trên tuyến Quốc lộ 9, đoạn qua huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị bị ùn tắc.
Ngày 17-10, ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, do đợt mưa bão vừa qua và mưa lớn nhiều ngày liên tục nên đến thời điểm này, hầu hết các tuyến đường vừa mới khắc phục xong đã bị sạt lở trở lại nghiêm trọng hơn, công tác khắc phục gặp rất nhiều khó khăn.
Lũ tràn về Tây Giang gây sạt lở nghiêm trọng khó khắc phục. Ảnh: NGỌC PHÚC
Ông Bhling Mia cho biết, trong 21 điểm trường bị sạt lở, nguy hiểm nhất là Trường Võ Chí Công, vì vậy huyện đã cho di dời toàn bộ học sinh Trường Võ Chí Công. Tuy nhiên, mới chỉ di dời được hơn 200 học sinh, số còn lại bị mắc kẹt tại các tuyến đường sạt lở không thể di chuyển được.
Tuyến đường ĐT 606 (Tây Giang) bị chia cắt nhiều đoạn. Ảnh: NGỌC PHÚC
“Hiện nay, tại km 25 của tuyến đường ĐT 606, sạt lở nặng, đất ngấm nước nên công tác khắc phục cực kỳ khó khăn. Đồng thời tuyến đường từ trung tâm huyện đi các xã và từ các xã đi thôn bị sạt lở, có nơi bị nước lũ chia cắt. Huyện đang cố gắng hết sức để thông tuyến nhưng trời còn mưa lớn nên công tác khắc phục không thể triển khai được”, ông Bhling Mia nói.
Hiện tại, huyện Tây Giang còn 52 hộ với 180 người cần sơ tán vì các hộ này nằm trong vùng nguy hiểm, nguy cơ sạt lở cao.
Huyện Đông Giang, đoạn từ xã Kà Dăng đi Đại Lộc bị sạt lở hoàn toàn. Ảnh: NGỌC PHÚC
Tại huyện Đông Giang, đoạn từ xã Kà Dăng đi Đại Lộc sạt lở hoàn toàn, cống thoát nước đã bị cuốn trôi. Đường từ thị trấn Prao và xã Za Hung sau bão số 5 đã khắc phục xong, nay lại sạt lở gây tắt nghẽn giao thông.
Nhiều tuyến đường tại Đông Giang bị chia cắt. Ảnh: NGỌC PHÚC
Tại xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc nước ngập lênh láng khắp các tuyến đường, do thủy điện xả lũ, chính quyền địa phương đang chuẩn bị kế hoạch di dời người dân vùng trũng đến nơi an toàn trong đêm nay.
Chính quyền huyện Đại Lộc dựng rào chắn cảnh báo người dân tại các tuyến đường ngập nước. Ảnh: NGỌC PHÚC
Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện có 10 trong số 17 hồ chứa vừa và lớn tích đầy nước. Các thủy điện cũng được chỉ đạo vận hành hạ mực nước về mực nước cao nhất trước lũ đối với các hồ chứa A Vương, Đak Mi 4, Sông Bung 4.
Mực nước trên sông Vu Gia lên mức báo động 2. Ảnh: NGỌC PHÚC
Trong sáng 17-10, các thủy điện lớn tại Quảng Nam vẫn đang tiếp tục xả tràn.
Tại Quảng Trị, ông Lâm Chí Hiếu, Phó chi cục trưởng Chi cục quản lý đường bộ 2.5 cho biết, một vụ sạt lở xảy ra vào rạng sáng ngày 17-10, khi trời đang mưa lớn. Mưa lớn khiến lượng lớn đất đá sạt lở đổ xuống làm giao thông trên tuyến Quốc lộ 9 (đoạn qua huyện Đakrông) bị ùn tắc.
Hàng ngàn khối đất đá đổ xuống mặt đường tuyến Quốc lộ 9 tại tại Km 44 (đoạn qua xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) khiến giao thông bị tê liệt giữa mưa lũ.
Hàng ngàn khối đất đá từ vách núi bên phải đường đã đổ ập xuống, tràn sang cả phần đường phía bên kia, rất may thời điểm đó không có phương tiện nào lưu thông qua.
Một hàng dài xe ùn tắc từ thị trấn Krông Klang (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) đến vị trí sạt lở Km 44 trên Quốc lộ 9.
Ngoài điểm sạt lở nghiêm trọng này, trên tuyến Quốc lộ 9 còn 2 điểm sạt lở lớn nữa tại Km 50 + 900 và Km 50 +500.
Lực lượng chức năng cùng nhiều máy móc được huy động khắc phục các điểm sạt lở.
“Hiện trên tuyến chúng tôi đã có 4 máy múc, 10 xe tải, và hàng chục công nhân để xử lý các điểm sạt lở, sớm giải phóng đường sớm nhất có thể”, ông Hiếu cho biết thêm.
Lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục để thông tuyến.
Mưa lũ làm nước sông dâng cao gây nứt mặt đường Quốc lộ 9 tại Km45.
Mặt đường trên tuyến Quốc lộ 9 bị sạt lở nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.