Miễn trách nhiệm hình sự có khác với hành vi không cấu thành tội phạm?

Hỏi:

Hỏi: Năm 1985, sau khi về hưu, tôi có hợp đồng khai thác gỗ với Phòng Hậu cần Quân khu (QK) 9. Do Phòng Hậu cần QK 9 vi phạm hợp đồng, tôi bị một số cá nhân cho vay vốn thực hiện hợp đồng khiếu nại và bị Công an quận 6 khởi tố bắt tạm giam 10 tháng.

Sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) quận 6 ra quyết định miễn tố ngày 20-10-1985 với lý do “Xét do QK 9 vi phạm hợp đồng dẫn đến bị can không làm tròn trách nhiệm cam kết hoàn trả được số tiền đã vay mượn nên chuyển xử lý hành chính, giao toàn bộ hồ sơ cho Tòa án quận 6 để thụ lý theo án kiện dân sự”. Vậy, trường hợp của tôi có được bồi thường oan sai theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH)? LÊ THANH LUYỆN (46 Bửu Đình P5 Q6)

Trả lời: Khi tiếp nhận đơn khiếu nại về yêu cầu đòi bồi thường của ông, VKSND quận 6 và VKSND TPHCM đều cho rằng trường hợp của ông được “miễn tố” nghĩa là được “miễn trách nhiệm hình sự” và do quyết định của VKSND quận 6 vẫn còn hiệu lực pháp luật nên theo điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 388 của UBTVQH thì không được bồi thường thiệt hại.

Tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 1985, trường hợp được “miễn trách nhiệm hình sự” (thường được gọi là “miễn tố”) là trường hợp một người có hành vi và hành vi đó có đủ yếu tố cấu thành tội phạm (có tội phạm xảy ra) nhưng khi tiến hành điều tra hoặc xét xử, do sự chuyển biến của tình hình, mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội bị phát giác hoặc đã tự thú, khai rõ sự việc góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án do ông cung cấp cho thấy, bản chất hành vi của ông vào thời điểm xảy ra sự việc chưa hội đủ các yếu tố cấu thành tội phạm hình sự, quan hệ tranh chấp dân sự giữa những người đòi nợ với ông đã bị “hình sự hóa”.

VKSND quận 6 đã kết luận việc vi phạm chỉ ở mức đề nghị chuyển “xử lý hành chính” (mà thực tế không có quyết định xử lý hành chính nào) và “chuyển tòa án thụ lý án kiện dân sự”. Trong trường hợp này, đáng lẽ cơ quan tố tụng không nên ban hành “quyết định miễn tố” mà phải thay vào đó là quyết định đình chỉ điều tra bị can do không có hành vi phạm tội.

Chính vì vậy, khi tiếp nhận đơn khiếu nại đòi bồi thường oan sai của ông, Ban Nội chính Thành ủy đã có văn bản số 93 ngày 6-6-2005 hướng dẫn “ông có quyền khởi kiện tòa án thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật”. UBTVQH khóa XI cũng đã có văn bản số 1153 ngày 6-7-2005 gửi Viện trưởng VKSND quận 6 đề nghị “xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, trả lời cho ông Luyện, đồng thời thông báo kết quả giải quyết đến Ủy ban pháp luật của Quốc hội”.

Luật sư PHAN TRUNG HOÀI 

Tin cùng chuyên mục