Miền Trung khắc phục hậu quả bão, đề phòng lũ đang dâng

Sau khi bão đổ bộ vào đất liền với sức gió cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 kèm theo mưa to; đến sáng 15-9, theo Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cường độ bão khi vào đất liền đã suy yếu cùng với việc triển khai công tác phòng chống tích cực nên các địa phương không bị thiệt hại nhiều do bão gây ra. Tuy nhiên, có 5 tàu cá, tàu du lịch bị sóng biển đánh chìm.
Miền Trung khắc phục hậu quả bão, đề phòng lũ đang dâng

Sau khi bão đổ bộ vào đất liền với sức gió cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 kèm theo mưa to; đến sáng 15-9, theo Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cường độ bão khi vào đất liền đã suy yếu cùng với việc triển khai công tác phòng chống tích cực nên các địa phương không bị thiệt hại nhiều do bão gây ra. Tuy nhiên, có 5 tàu cá, tàu du lịch bị sóng biển đánh chìm.

Khắc phục nhanh hậu quả bão số 3

Ngày 15-9, UBND huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, biển động mạnh nên tàu thuyền không được lệnh xuất bến nên 200 khách du lịch đang mắc kẹt tại đảo Lý Sơn. Quảng Ngãi có 1 người tử vong khi đang thả lưới bắt cá, nạn nhân là anh Trần Quang Quốc (39 tuổi, ở thôn Lộ Bàn, xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ).

Người dân tiểu khu Thống Nhất, huyện Bố Trạch, Quảng Bình lợp lại mái nhà sau lốc xoáy Ảnh: MINH PHONG

Ngay sau khi bão tan, các ngành chức năng Quảng Nam tập trung khắc phục hậu quả, trong đó tiến hành trục vớt tàu QNa 91557 của ông Lương Công Dũng (xã Tam Giang) và tàu QNa 90208 của Trần Công Tăng (xã Tam Hòa) bị sóng đánh chìm. Tại âu thuyền Mân Thái (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), tàu chở dầu Hải Nam Phát mang số hiệu HP 3939 đã bị sóng lớn đánh dạt vào bờ và mắc cạn từ tối 14-9. Hiện tại một số vùng ven biển ở Quảng Nam, như: Cửa Đại (Hội An), Duy Xuyên xuất hiện tình trạng sạt lở bờ biển do sóng lớn và triều cường gây ra. Chính quyền Hội An, Duy Xuyên tập trung khắc phục, tổ chức di dời người dân đến nơi an toàn. Mưa lớn cũng gây sạt lở tại một số tuyến đường ở các huyện miền núi Quảng Nam, như: Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn… gây ách tắc giao thông cục bộ. Ngay trong ngày 15-9, các địa phương triển khai công tác khắc phục và sẽ thông tuyến trong ngày 16-9.

Trong sáng 15-9, Công ty Công viên cây xanh TP Đà Nẵng đã huy động hàng chục công nhân cùng trang thiết bị tổ chức dọn dẹp, trồng lại hàng chục cây xanh ngã đổ.

Giúp dân lợp lại nhà tốc mái

Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Thụ cho biết, do ảnh hưởng của bão, lốc xoáy làm tốc mái 45 ngôi nhà trên địa bàn gồm xã Tân Ninh 22 nhà, xã Vạn Ninh 16 nhà, xã An Ninh 7 nhà. Ông Nguyễn Viết Lưu (85 tuổi, thôn Hoành Vinh, xã An Ninh) nói trong nước mắt: “Con cháu mới hỗ trợ lợp mái ngói mới được 3 ngày thì lốc xoáy làm bay mất tất cả”. Nhà ông Nguyễn Văn Hùng (42 tuổi) nằm lọt thỏm trong hẻm Xóm Bến, xã Vạn Ninh, bị lốc giật tung ngôi nhà nhỏ, cả đêm bơ vơ trong mưa gió. Ông Nguyễn Văn Thế, Bí thư Đảng ủy xã Vạn Ninh, cho biết: “Ngay trong ngày, lực lượng công an, quân sự và Đoàn thanh niên xã trực tiếp mua ngói, gỗ về để làm lại nhà cho gia đình ông Hùng. Xác định mưa sẽ còn kéo dài thêm vài ngày nữa nên xã chỉ đạo các lực lượng bất chấp thời tiết để hỗ trợ các gia đình nghèo sớm ổn định sau lốc xoáy” .

Cùng ngày, ông Nguyễn Đại Thọ, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh (Quảng Ninh), cho biết, lốc xoáy trong đêm đã làm tốc mái hoàn toàn 22 hộ dân hai thôn Thế Lộc và Nguyệt Áng. Hoa màu, vườn tược mất trắng. Bà Phạm Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Quảng Ninh, cho biết: ‘’Trước mắt, hội hỗ trợ mỗi nhà dân bị tốc mái hoàn toàn 500.000 đồng. Hội tiếp tục vận động và chỉ đạo các cơ sở tuyên truyền, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn sớm khắc phục hậu quả do lốc xoáy gây ra”. UBND huyện hỗ trợ khẩn cấp cho các hộ nghèo 3 triệu đồng để lợp lại nhà.

Tại tiểu khu Thống Nhất của Nông trường Việt Trung huyện Bố Trạch, lốc xoáy cũng gây tốc mái nặng nề 32 hộ dân. Hàng chục hécta cao su, hoa màu bị mất trắng, ước tính thiệt hại hàng tỷ đồng.

Lũ đang dâng

Chiều 15-9, Văn phòng Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, mưa lớn kéo dài từ ngày 14 đến chiều 15-9 khiến mực nước sông Sê Pôn và một số khe suối trên địa bàn các xã vùng Lìa (Thuận, Thanh, Xi, A Xing, A Túc, A Dơi thuộc huyện miền núi Hướng Hóa) lên rất nhanh gây ngập lụt trên diện rộng. Tuyến đường độc đạo từ Quốc lộ 9 dẫn về các xã vùng Lìa xuất hiện hàng chục điểm ngập cục bộ, có nơi ngập sâu hơn 1m khiến giao thông đi lại khó khăn, nhiều bản làng bị chia cắt. Người dân, cán bộ, giáo viên đang công tác tại các xã vùng Lìa phải thuê thuyền để qua lại các điểm bị ngập sâu. Chiều 15-9, hàng chục trường học tại các địa phương này đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho các em. 

Tại Quảng Bình, trong ngày 15-9 mưa rất to trên diện rộng, lũ đã bắt đầu chia cắt cục bộ nhiều địa phương miền núi. Ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chi cục trưởng Chi cục PCLB tỉnh Quảng Bình cho biết, lượng mưa lớn nhất tại sông Nhật Lệ đo được hơn 400mm, hiện các hồ đập đang đẩy mạnh tích nước, giảm lũ, thời gian qua hạn hán nặng nên các hồ chưa báo động cao. Tuy nhiên, mọi giám sát tình trạng hồ đập đều đặt mức 24/24 giờ. Ở hạ nguồn, một số nơi đã bị lũ cô lập đường liên thôn. Trong khi đó, các xã miền núi Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy (Lệ Thủy), Trường Sơn, Trường Xuân (Quảng Ninh) đường về các bản hoàn toàn bị cô lập do nước ở các ngầm tràn dâng cao.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, đến sáng 15-9, lũ trên hầu hết các sông ở miền Trung đã đạt đỉnh ở mức báo động 1, báo động 2. Tuy nhiên, trong 2 ngày tới, do ảnh hưởng của đới gió Đông, ở khu vực Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, mưa to (50-150mm). Từ 15 đến 18-9 ở khu vực Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có mưa to đến rất to (200-300mm, có nơi trên trên 300mm). Chính vì vậy, từ đêm 15-9, mực nước trên các sông ở Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế có khả năng lên lại; thượng nguồn các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ dâng cao.

Cũng theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, hiện nay do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên khu vực Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8 và có mưa dông mạnh. Do đó, thời tiết ở Nam bộ vẫn còn rất xấu.


NGUYỄN HÙNG - PHÚC HẬU

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục