Miền Trung: Ồ ạt nuôi tôm thẻ chân trắng

Hiệu quả cao
Miền Trung: Ồ ạt nuôi tôm thẻ chân trắng

Sau gần 10 năm trầy trật vì tôm sú, người nuôi tôm các tỉnh miền Trung đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT). Nhưng sự phát triển ào ạt của loại sinh vật “ngoại lai” này đang đặt ra nhiều vấn đề về môi trường nước và nhiều loại dịch bệnh…

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Ảnh: HOÀNG TRỌNG

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Ảnh: HOÀNG TRỌNG

Hiệu quả cao

Vụ tôm đầu tiên của năm 2011 kết thúc, hàng trăm hộ nuôi tôm ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước, TP Quy Nhơn (Bình Định) thở phào nhẹ nhõm. Con TTCT lại đem về một vụ nuôi thành công như mong đợi. Ông Trần Đức Nha (ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, Tuy Phước) hớn hở cho biết: “Mấy năm nay nhờ TTCT nên giờ nghề nuôi tôm phát triển lại rồi”. Khoảng 10 năm trước, từ khi UBND xã Phước Sơn cho thuê 64ha đìa tôm, người nuôi tôm liên tục thất bại với con tôm sú, nợ nần ngày càng chồng chất. Khi nghe nông dân ở huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ… nuôi TTCT thành công, ông Nha cùng một số nông dân xã Phước Sơn tìm đến học nghề. Từ năm 2009 đến nay, hầu hết các hộ nuôi tôm ở Phước Sơn chuyển dần sang nuôi TTCT và đều có thu nhập khá.

Ông Nha cho biết: “Với 8.000m² ao nuôi tôm, tiền đấu giá đất đìa tôi nộp cho xã 15 triệu đồng/năm, đầu tư mua giàn đảo 30 triệu đồng, tiền mua bạt lót đáy đìa 50 triệu đồng nữa. Vụ nuôi tôm đầu năm 2011, thả tôm giống (mật độ 70 con/m²) nuôi 2 tháng rưỡi thu được 9 tấn tôm (70 con/kg), trừ mọi chi phí tôi còn lãi hơn 50 triệu đồng”. Vụ này, ông Tám Hải (ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn) thắng đậm nhất. Với đìa tôm rộng 7.000m², ông Tám Hải thu được những 14 tấn TTCT, với giá 84.000 đồng/kg (100 con), mang lại cho ông số tiền lãi ròng hơn 70 triệu đồng.

Ông Tám Hải phân tích: “Nuôi tôm sú thời gian kéo dài 4-5 tháng, chi phí nuôi từ 80-85 triệu đồng/tấn tôm thương phẩm nhưng lại khó nuôi, tỷ lệ thành công chỉ có 20% và sản lượng kém. Trong khi nuôi TTCT chỉ 2 tháng rưỡi là thu hoạch, chi phí khoảng 60 triệu đồng/tấn tôm thương phẩm và tỷ lệ thành công cao đến hơn 80%, sản lượng cao gấp 3-4 lần so với tôm sú. Trong vụ nuôi đầu năm 2011, có nơi thu được những 15 tấn/ha. Nuôi trên cát, năng suất còn cho đến 20 tấn/ha. Tính ra nuôi TTCT an toàn và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với tôm sú”.

Ông Trần Đức Nha (xã Phước Sơn, Tuy Phước, TP Quy Nhơn) kiểm tra hồ nuôi tôm thẻ chân trắng. Ảnh: HOÀNG TRỌNG

Ông Trần Đức Nha (xã Phước Sơn, Tuy Phước, TP Quy Nhơn) kiểm tra hồ nuôi tôm thẻ chân trắng. Ảnh: HOÀNG TRỌNG

Cùng những hệ lụy

Theo số liệu thống kê từ Sở NN-PTNT các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, diện tích ao hồ nuôi TTCT ở vùng cát ven biển đã vượt con số hơn 1.000ha và đang đối mặt với nhiều loại dịch bệnh. Tuy nhiên, trước hấp lực lớn từ giá tôm nên người dân vẫn ồ ạt chặt phá rừng phòng hộ, đào ao mở rộng diện tích nuôi TTCT.

Ông Lê Bình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, âu lo: “Ngoài những ưu điểm như thời gian sinh trưởng nhanh, chịu được nồng độ mặn, ngọt, lợ khác nhau... TTCT khó phân biệt được giống có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thái Lan với giống tôm Hawai (giống tôm tốt nhất hiện nay). Trước mắt, Sở NN-PTNT Quảng Trị đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh tổ chức quy hoạch chi tiết những vùng được phép nuôi tôm, kiên quyết xử lý mạnh đối với những hộ nuôi tôm không theo quy hoạch”.

Diện tích nuôi TTCT của huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) cũng tăng từ 25ha lên 110ha, nhưng hệ thống xử lý nước thải chẳng thấy “động tĩnh” gì. Để xả thải, các hộ nuôi tôm dẫn thẳng nước vào rừng phi lao cách hồ nuôi chỉ độ chục mét, khiến rừng phi lao trở nên héo hon và chết dần. Còn các hồ nuôi tôm nằm tiếp giáp biển, người nuôi xả thải trực tiếp ra biển. Cá biệt, một số không biết xả nước thải đi đâu, đành xả ra khu vực... gần hồ nuôi, khiến môi trường ở đây luôn bốc mùi hôi thối, rất khó chịu.

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bình Định (thuộc Sở NN-PTNT Bình Định), không chỉ ở xã Phước Sơn, các xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước), xã Mỹ An (Phù Mỹ), xã Hoài Hải, Hoài Mỹ (Hoài Nhơn) và xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn)... đều ồ ạt phát triển diện tích nuôi TTCT. Nếu như năm 2003 ở Bình Định chỉ có 27ha nuôi TTCT thì đến năm 2011 đã tăng đến 561ha. Hiện sản lượng TTCT chiếm hầu hết trong tổng sản lượng tôm thu hoạch hàng năm ở Bình Định (5.600 tấn TTCT/6.300 tấn tôm thương phẩm).

Việc khai thác tiềm năng từ TTCT nhưng không chú trọng đến quy trình nuôi và các yếu tố môi trường thì sẽ dẫn đến hậu quả thật khó lường. Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, chỉ có thể thả nuôi với mật độ từ 60-80 con/m², nuôi 2 vụ/năm là hợp lý. Thế nhưng trên thực tế, do lợi nhuận cao, nhiều hộ nuôi đã bất chấp khuyến cáo, thả tôm nuôi với mật độ dày, từ 130-150 con/m², có hộ thả đến 300 con/m². Do thả tôm dày, gặp thời tiết thất thường, môi trường nước biến động lớn đã đẩy nhanh tốc độ phát sinh của vi khuẩn trong ao tôm và đây chính là thủ phạm gây bệnh cho tôm, nguy cơ tôm bị dịch bệnh khó tránh khỏi.

H.Trọng - V.Thắng - H.Triều


Có thể rút tôm thẻ khỏi danh mục có nguy cơ xâm hại

Trong khi Bộ NN-PTNT cho phép các doanh nghiệp và nông dân ở các tỉnh ven biển miền Trung và Nam bộ được nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện rộng để làm nguyên liệu thủy sản thì mới đây, Bộ TN-MT lại ra thông tư đưa loại tôm trên vào danh sách cấm.

Theo Bộ TN-MT, sở dĩ đưa tôm thẻ vào danh mục có nguy cơ xâm hại, làm ảnh hưởng tới môi trường vì tại một số nước và Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) đã đưa ra cảnh báo về việc tôm thẻ chân trắng khi nuôi trong môi trường tự nhiên sẽ cạnh tranh với loài bản địa, làm ảnh hưởng tới thủy sản bản địa. Đặc biệt, tôm thẻ chân trắng còn là vật chủ chính mang virus gây hội chứng Taura, còn gọi bệnh đỏ đuôi. Tại Việt Nam từ năm 2001, một số ao nuôi tôm ở Hải Phòng, Nam Định đã xuất hiện bệnh đỏ đuôi. Do vậy, một số nước như Indonesia, Sri Lanka, Australia đã hạn chế nuôi ở môi trường hẹp, còn các nước như Philippines, Malaysia đã cấm nuôi, và Việt Nam cũng cần thận trọng. 

Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT lại cho rằng, việc cấm nuôi tôm thẻ chân trắng có thể tác động không nhỏ tới phát triển sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của hàng vạn nông dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, từ năm 1990, tôm thẻ chân trắng đã được nuôi thử nghiệm tại Việt Nam nhưng không phát hiện có tác động xấu nên tới đầu năm 2008, Bộ NN-PTNT đã chính thức cho nuôi thâm canh tại các tỉnh Nam bộ. Hiện sản lượng tôm thẻ ở Việt Nam khoảng hơn 100.000 tấn, chiếm trên 30% sản lượng tôm cả nước.

Mới đây, giữa hai bộ đã có cuộc làm việc và tranh cãi xung quanh vấn đề này và cuối cùng, Bộ TN-MT đã đồng ý rút tôm thẻ chân trắng và hàu Thái Bình Dương khỏi danh mục có nguy cơ xâm hại, với điều kiện Bộ NN-PTNT đưa ra thêm các thông tin, tài liệu liên quan đến quá trình nghiên cứu, khảo nghiệm, đánh giá về tôm thẻ chân trắng, trong đó có đánh giá về khả năng của tôm thẻ chân trắng trong việc truyền bệnh virus gây hội chứng Taura.

V.Phúc

Tin cùng chuyên mục