(SGGPO). - Ông Nguyễn Văn Tòa (57 tuổi), ngụ thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) lo nơm nớp: “Muốn đi nơi khác ở cho an toàn nhưng tiền đâu mua đất, xây nhà nên đánh liều… Trời mưa thì cả nhà lại tay xách nách mang bồng bế nhau đi ở nhờ”.
Người dân các ngôi làng ven sông, ven biển miền Trung đang nơm nớp lo sợ khi thủy thần sắp “nuốt” mất đất, nhà của họ vì sạt lở. Trong khi, vụ đông xuân 2016 đã bắt đầu nhưng đồng ruộng ở khu vực này lại toàn cát và sỏi dày cả nửa mét, chưa kể giống má mất sạch trong lũ.
Biển xâm thực tại khu vực vịnh biển Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) Ảnh: VĂN THẮNG
Sông ngoặm đất, biển đuổi người
Từng bụi tre, cây sầu đông và một số loại cây ăn trái khác của nhiều hộ dân ở tổ dân phố 3, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) cạnh bờ sông Hương thi thoảng lại bị sạt lở, kéo xuống lòng sông.
Đợt mưa lũ vừa qua, bờ sông Hương khu vực này sạt lở kéo dài gần 1km, nhiều diện tích đất vườn bị cuốn trôi, ăn sâu gần sát nhà các hộ dân. Ông Nguyễn Văn Tòa (57 tuổi), trú tại tổ dân phố 3 cho biết: “Muốn đi nơi khác ở cho an toàn nhưng tiền đâu mua đất, xây nhà nên đánh liều… Trời mưa thì cả nhà lại tay xách nách mang bồng bế nhau đi ở nhờ”.
Tương tự, phía bờ sông La Tinh, đoạn qua thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định giờ hoang tàn như vừa phải trải qua một trận bom.
Trước đó, vào sáng 16-12, lũ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về khiến nhiều đoạn bờ sông này sạt lở. Trong đó, đoạn bờ sông ở xóm Xuân Cỏ, thôn An Xuyên 3 sạt lở nghiêm trọng đến gần 100m, cuốn trôi, làm sập và hư hỏng gần 20 ngôi nhà trong xóm.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết đã giao cho Phòng Tài nguyên Môi trường huyện khẩn trương phối hợp với UBND xã Mỹ Chánh quy hoạch xây dựng khu dân cư mới, bố trí tái định cư cho người dân xóm Xuân Cỏ có nhà cửa bị nước lũ cuốn trôi và hư hỏng.
Cùng với hàng ngàn điểm sạt lở các bờ sông, sau lũ chồng lũ, các tỉnh miền Trung từ Quảng Trị đến Phú Yên với chiều dài bờ biển 865km tiếp tục xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở, xâm thực nặng. Đáng chú ý, tuyến đê chắn biển là đường dẫn ra âu thuyền xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị xâm thực, sạt lở nghiêm trọng.
Hàng loạt tuyến đê biển tại miền Trung bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: VĂN THẮNG
Ông Ngô Đức Mạnh, một chủ tàu ở Phú Thuận lo lắng: “Ngư dân muốn ra biển phải dùng xe cơ giới chở lưới cụ ra tuyến đường dẫn này, nhưng sợ sụp xuống biển nên phải cho thuyền vào sát bên trong rất vất vả. Nhiều ngư dân phải đưa thuyền neo đậu nơi khác, vừa mất thời gian vừa tốn kém chi phí xăng dầu”.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trên địa bàn hiện có khoảng 2.700ha đất liền bị biển xâm thực, nhiều địa phương bị biển “ăn” sâu vào cả trăm mét. Sạt lở diễn ra nhiều nơi nhưng việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây mới nhiều tuyến đê, kè đang gặp “eo” về vốn. UBND tỉnh đã xin Trung ương hỗ trợ kinh phí 170 tỷ đồng để khắc phục hạ tầng, trong đó có xử lý khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ sông Hương, sông Bồ và khu vực bờ biển.
Cát đá lấp ruộng
Vụ lúa đông xuân 2016 bắt đầu nhưng nông dân miền Trung không thể xuống giống do đồng ruộng còn ngập sâu trong nước lũ hoặc bị bồi lấp toàn cát và đá sỏi.
Trên cánh đồng trồng lúa của xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, người dân đang sử dụng mọi dụng cụ để đào, móc và gom lại từng bao tải cát xen cài đá sỏi dày cả gần nửa mét đọng lại khi lũ rút trên mặt ruộng, rồi dùng xe rùa vận chuyển, tấp từng đống khổng lồ trên bờ ruộng.
Ông Lương Văn Lại, thôn 5, xã Tiên Cảnh, cho biết: “Thửa ruộng nhà tui rộng chưa đầy 250m² nhưng từ sáng đến giờ, 3 bố con tui hì hục đào và di chuyển cát sỏi vẫn chưa xong”. Cạnh đó, chị Đoàn Thị Hạnh nói vọng: "tiền công đào múc cát sỏi nhiều hơn cả tiền bán thóc trồng một vụ lúa. Nhưng nông dân không trồng lúa thì lấy gì mà ăn".
Nông dân Quảng Nam đào móc cát, sỏi lấp đầy ruộng lúa sau lũ. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Về miền Trung những ngày này, đi đâu cũng thấy nông dân tất tả cải tạo mặt ruộng bị sa bồi. Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, những chân ruộng bị bồi lấp nhẹ, huyện tuyên truyền, hỗ trợ người dân nhanh chóng cải tạo, xuống giống lúa cho kịp thời vụ. Những nơi bồi lấp nặng, muốn nạo vét, cải tạo cần thời gian dài, địa phương khuyến khích bà con trồng hoa màu.
Trong khi đó, tại Bình Định - địa phương thiệt hại nặng nhất trong các đợt mưa lũ vừa qua - ngoài đồng ruộng bị cát, sỏi bồi lấp còn có 5.847ha lúa vừa gieo sạ và 1.732ha hoa màu hư hỏng; 4.825 tấn lương thực bị ngập nước…
Ngoài ra, hệ thống thủy lợi bị đất sạt lở, sa bồi 12.207m³, khối lượng đất đắp bị lũ cuốn trôi 7.547m³, bê tông bị vỡ 220m³, đá xây lát bị vỡ đứt 38m³…
Phần lớn diện tích rau màu vừa xuống giống tại miền Trung từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định bị mất trắng vì ngập lụt và cát sỏi bồi lấp. Ảnh: VĂN THẮNG
Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác Công trình thủy lợi Bình Định cho biết, đơn vị đang phối hợp với bà con nông dân và tranh thủ sự hỗ trợ từ phía quân đội và các lực lượng xung kích nạo vét, sửa chữa, gia cố các đoạn kênh mương, hệ thống thủy lợi sạt lở. Đồng thời đề nghị tỉnh hỗ trợ 20 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra đối với hệ thống thủy lợi, gia cố các cống lấy nước, đập dâng, kênh mương nội đồng...
Từ ngày 20 đến 22-12, Bộ NN-PTNT cử 4 đoàn công tác trực tiếp đến các tỉnh miền Trung để rà soát, đánh giá thật kỹ, sát với tình hình thực tiễn, trên cơ sở đó đề ra giải pháp tổ chức sản xuất vụ sau lũ chồng lũ. Nhưng báo cáo từ các địa phương khu vực này, diện tích lúa bị thiệt hại khoảng 24.036ha; 18.869ha rau màu bị thiệt hại; 1.100ha cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm bị thiệt hại; 6.458ha cây công nghiệp ngắn ngày như mía, sắn bị thiệt hại.
Nhiều địa phương đề nghị Trung ương hỗ trợ thêm giống cây trồng để sản xuất vụ sau lũ. Trong đó, Thừa Thiên - Huế xin hỗ trợ 250 tấn lúa, 10 tấn ngô , 5 tấn rau; Quảng Nam 5 tấn ngô, 100 tấn lạc, 2 tấn rau; Quảng Ngãi 150 tấn lúa, 5 tấn ngô, 40 tấn lạc, 20 tấn rau…
VĂN THẮNG - NGUYỄN TRANG