Miền Trung tìm cách thích ứng xâm nhập mặn

Vùng hạ du các con sông miền Trung đang bị mặn xâm nhập nghiêm trọng. Tình trạng này khiến người dân đối mặt với thiếu nước, diện tích gieo trồng nhiều nơi phải bỏ hoang, nhiều địa phương phải chạy đua tìm các phương án ứng phó.
Ruộng đồng của người dân thôn Huỳnh Giản Bắc (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định) phải bỏ hoang vì nhiễm mặn nghiêm trọng. Ảnh: NGỌC OAI
Ruộng đồng của người dân thôn Huỳnh Giản Bắc (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định) phải bỏ hoang vì nhiễm mặn nghiêm trọng. Ảnh: NGỌC OAI

Xin nước sinh hoạt từng bữa

Tại nhiều khu vực ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, tình trạng xâm nhập mặn gia tăng. Cuối nguồn sông La Tinh là các xã Mỹ Cát, Mỹ Chánh, Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ, Bình Định) đang chịu tác động nặng nề bởi xâm nhập mặn. Bên vòi nước giếng ngầm, ông Nguyễn Thanh Nhã (52 tuổi, thôn An Mỹ, xã Mỹ Cát) cho biết: “Hiện, vùng này 100 giếng ngầm thì 99 cái nhiễm mặn, lên phèn không sử dụng được. Ruộng đồng cũng tăng độ mặn không thể canh tác, đành phải bỏ hoang. Người dân ở đây phải đi xin nước sinh hoạt từng bữa, rất khổ sở”. 

Ở thượng nguồn sông Gianh (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), người dân phản ánh, sông Gianh là nguồn cung nước chủ yếu cho đồng ruộng các xã Châu Hóa, Phong Hóa, Đức Hóa. Hai bên là hệ thống trạm bơm công suất lớn, nhưng 3 năm trở lại đây, thời tiết thay đổi theo chiều hướng khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài khiến lượng nước ngọt sông Gianh sụt giảm. Nước biển xâm nhập tăng lên từng ngày, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân vùng châu thổ sông Gianh.

Chủ tịch UBND xã Châu Hóa Nguyễn Huy Hoàng cho biết, địa phương có 80% diện tích đất trồng lúa được cung cấp nước từ sông Gianh. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, tình trạng mặn hóa ngày càng nặng nề, không thể khắc phục. Vụ hè thu hơn 80% diện tích lúa chết cháy do trạm bơm không thể hoạt động vì nhiễm mặn nặng, dẫn đến mất mùa. Còn Chủ tịch UBND xã Mai Hóa Nguyễn Anh Tuấn thì cho hay: “Nguồn nước sinh hoạt của người dân đang bị mặn hóa, độ mặn vượt mức giới hạn quy chuẩn, gây nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân nơi đây. Nuôi cá lồng dọc sông Gianh cũng điêu đứng vì cá chết”. 

Bà Hà Thị Hồng, thôn Tân Hóa (xã Mai Hóa) than thở: “Dù có điểm cấp nước miễn phí, nhưng do xa quá nên dân không thể lấy về sử dụng, phần lớn bà con phải đi mua nước rất tốn kém. Mỗi ngày tiết kiệm lắm cũng phải dùng hết 2 bình để ăn và uống, còn nước sinh hoạt thì dùng nước khe suối”.

Chuyển đổi mô hình sản xuất 

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình Mai Văn Minh cho hay: “Tỉnh đang tranh thủ nguồn vốn hơn 81 tỷ đồng của Trung ương để đầu tư nâng cấp hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản hai bên bờ trên sông Gianh ở 3 xã Bắc Trạch, Hạ Trạch, Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch), dự kiến cuối năm 2021 hoàn thành. Nơi đây được đầu tư đê bao vùng, hệ thống kênh cấp nước và kênh nước thải; ao nuôi, ao xử lý nước cấp, ao xử lý nước thải; các công trình cấp nước và lấy nước như trạm bơm, hệ thống điện và đường nội vùng để nuôi trồng thủy sản theo hình thức thâm canh bền vững để chuyển đổi mô hình sản xuất từ trồng lúa, hoa màu sang nuôi trồng thủy sản. Việc này nhằm ứng phó với hạn mặn xâm nhập ngày càng tăng, giúp người dân ổn định cuộc sống”.

Về vấn đề cấp nước sinh hoạt cho người dân dọc sông Gianh, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình Nguyễn Trường Giang cho hay, trung tâm đã triển khai 2 điểm cấp nước miễn phí, luân phiên mở tuyến nước sạch tại trạm bơm xã Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa) để cấp nước cho bà con một số thôn giáp ranh. Tuy nhiên, tình hình thời tiết vẫn diễn ra phức tạp, đơn vị đang cùng bà con tìm giải pháp chủ động nguồn nước sinh hoạt, ứng phó với xâm nhập mặn diễn ra.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định Hồ Đắc Chương nhấn mạnh, tỉnh chủ trương triển khai đề án giải quyết tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn chung cho cả tỉnh, trong đó tập trung cho vùng hạn mặn Đông - Bắc huyện Phù Mỹ (dự kiến giai đoạn 2021 - 2025). “Thông qua đề án này, địa phương sẽ triển khai tổng thể các giải pháp công trình ngăn mặn, dự trữ bổ sung nguồn nước ngọt thượng nguồn về đẩy mặn. Bên cạnh đó, đề án cũng sẽ chú trọng công tác trồng rừng, phục hồi diện tích rừng tự nhiên ven biển để giữ nước ngọt, cải thiện phù sa cho đất đai, ruộng đồng”, ông Hùng cho hay.

Còn theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Mậu Văn, 8 năm trước, khi nhiễm mặn gây thiệt hại nặng nề cho người dân ở hạ du sông Thoa, địa phương đã đầu tư hoàn thiện hệ thống đê và đập ngăn mặn, cơ bản giải quyết bài toán xâm nhập mặn nơi đây. Riêng vùng nhiễm mặn hạ du sông Trà Bồng, tỉnh đã đầu tư 3 đập ngăn mặn gồm Trà Bồng, Bình Nguyên, Bình Phước kèm theo hệ thống đê đồng bộ. Dự kiến đến năm 2023, các công trình sẽ đưa vào hoạt động, giải quyết vấn đề nhiễm mặn ở các vùng canh tác lúa, cây màu dọc hạ du sông Trà Bồng.

Trong khi đó tại Quảng Trị, công trình đập ngăn mặn sông Hiếu (thành phố Đông Hà) đã hoàn thành hơn 90% khối lượng, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết: Dự án có nhiệm vụ kiểm soát mặn, ngọt; cấp nước sản xuất cho 1.300ha đất nông nghiệp và gần 200ha đất nuôi trồng thủy sản; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 25.000 người.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định Hồ Đắc Chương cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh vừa chỉ đạo đơn vị khẩn trương nghiên cứu để mở đường nước từ hồ chứa Đồng Mít về giải hạn cho 700ha đất sản xuất khu vực phía Đông - Bắc huyện Phù Mỹ, đồng thời cải thiện nguồn nước ngọt sinh hoạt, chống hạn mặn cho trên 60.000 người dân và trên 6.200ha đất nông nghiệp ven đầm Trà Ổ (Phù Mỹ). Dự kiến, ngành chức năng Bình Định sẽ đầu tư một trạm bơm gồm 4 tổ máy, công suất 5 triệu m3/năm để bơm nước từ nguồn sông Lại Giang (khi được bổ sung từ hồ Đồng Mít) vào hệ thống kênh mương dẫn nước đến vùng sản xuất nông nghiệp ở ven đầm Trà Ổ và khu vực dân cư, đất sản xuất ở các xã phía Tây - Bắc đầm Đề Gi; kinh phí đầu tư hạ tầng khoảng 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở NN-PTNT do kinh phí vận hành dự án này rất lớn, nên cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.


Tin cùng chuyên mục