Miền Trung: Tôm chết yểu, người nuôi khốn đốn

Hồ mới cũng bị dịch
Miền Trung: Tôm chết yểu, người nuôi khốn đốn

Đang là thời điểm giữa vụ tôm, nhưng dịch bệch trên con tôm lại bắt đầu bùng phát dọc ven biển các tỉnh miền Trung. Thống kê sơ bộ các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi đã có gần 2.000 ha tôm thả nuôi bị chết. Mới vừa thoát khỏi một vụ lúa đông xuân mất mùa, nay người nông dân miền Trung lại đang đối mặt với một vụ tôm thua lỗ...

Hồ mới cũng bị dịch

Miền Trung: Tôm chết yểu, người nuôi khốn đốn ảnh 1

Nhiều nông dân phá sản vì tôm chết hàng loạt.

Xã Đức Minh, huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi), nơi được kỳ vọng nhiều vì sản lượng tôm thu hoạch năm nào cũng nhất nhì của tỉnh. Tuy nhiên, toàn xã có trên 22 ha thả nuôi, trong đó gần 9 ha các hồ mới khai thác vụ thứ nhất thì đã bị dịch bệnh đến 95%.

Ông Võ Hồng Thái, ngậm ngùi: “Tui thuê được hai hồ tôm, mới thả nuôi lần đầu. Nhưng mới được một tháng thì một hồ bị đen mang, chết trắng. Tính chi phí đầu tư  gồm san ủi hồ, bạt, máy sục khí... khoảng 120 triệu đồng, cộng với 29 vạn tôm giống (tương đương gần 10 triệu) vậy mà bán đổ bán tháo được 2 triệu đồng. Số tiền đó tui mới vay ngân hàng, ngay vụ đầu đã thua lỗ nặng”.

Tình cảnh của Phó Chủ tịch UBND xã Đức Minh - Trần Như Hiệp còn “bi đát” hơn ông Thái. Là cán bộ xã, ông Hiệp gương mẫu thả đúng lịch thời vụ, chọn con giống từ Bình Dương và đã qua kiểm dịch. Ấy vậy nhưng, lần thứ nhất ông thả nuôi 2 hồ ươm (hồ nhỏ) và một hồ lớn được 1 tháng 20 ngày, tôm đang ăn mạnh, phát triển khỏe cũng đen mang và... lăn ra chết trắng mặt hồ. Không đầu hàng, ông Hiệp cho vệ sinh hồ và tiếp tục thả nuôi lứa thứ 2. Oái oăm thay, cũng mới được khoảng 20 ngày, tôm cũng búng thụt lùi rồi ngửa bụng chết. Tổng cộng ông bị lỗ khoảng 120 triệu đồng cả hai đợt.

Gần 2.000ha ao nuôi trên địa bàn Quảng Nam cũng nằm trong tình trạng “báo động đỏ”, bởi mỗi ngày thêm nhiều diện tích ao nuôi có tôm chết rải rác đến hàng loạt. Trong khi đó, tại Thừa Thiên - Huế, đến đầu tháng 6, có gần 800 ha hồ tôm đã thả nuôi ở các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền, Hương Trà bị nhiễm bệnh, làm chết hơn 60 triệu con tôm nuôi từ 20 - 60 ngày tuổi, gây thiệt hại nặng nề cho người dân.

Vẫn “bó tay”!

Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: 14 mẫu tôm sú được lấy tại Cẩm Thanh (Hội An), Duy Vinh, Duy Thành (Duy Xuyên), Bình Giang, Bình Nam (Thăng Bình) trên diện tích 3,8ha qua phân tích trên máy PCR đã phát hiện có đến 8 mẫu bị nhiễm virus đốm trắng. Đồng thời qua thu mẫu kiểm tra trong số 20 mẫu tôm Post mới thả và tôm giống ươm nuôi, đã phát hiện 7 mẫu bị nhiễm virus MBV với cường độ và tỷ lệ cảm nhiễm rất cao. Các mẫu được kiểm tra đều bị nhiễm vi khuẩn Vibrio dao động từ 3.500 đến 5.000 tế bào/trên cá thể. Trong đó cũng có một mẫu nhiễm nấm Busarium.

Đối phó với dịch tôm, Trung tâm khuyến ngư và phát triển giống thủy sản Quảng Nam cũng chỉ biết khuyến cáo bà con: khi có dấu hiệu tôm bệnh, phải đóng cống thoát nước thật kỹ. Không tự xả nước trong ao và tôm chết ra môi trường bên ngoài; không được vội vàng cải tạo ao thả nuôi trở lại mà phải báo ngay cho chính quyền và các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý dịch bệnh và khắc phục kịp thời...

Trong khi đó, đã hơn một tuần nay, ông Nguyễn Văn Bồng, ở Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế) mất ăn mất ngủ bởi khu vực nuôi tôm của thôn xuất hiện bệnh đốm trắng gây chết hàng loạt, chính quyền xã cũng chưa nói năng gì, tự tui phải mua vôi bột về rắc quanh hồ.

Theo một cán bộ ngành thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, một trong những nguyên nhân dẫn đến nuôi tôm ở các tỉnh, thành khu vực miền Trung thất bại là do môi trường. Nước thải không qua xử lý, ô nhiễm từ chất thải nông, công nghiệp; nuôi tôm tự phát, thiếu quy hoạch đồng bộ nên mỗi khi có dịch bệnh là lây lan nhanh; đầu tư hạ tầng còn bỏ ngỏ... Và gần như câu trả lời mà chúng tôi nhận được về nguyên nhân làm tôm chết hàng loạt của các cơ quan chuyên môn lại chẳng có gì mới so với những năm trước!

Hà Minh

Tin cùng chuyên mục