Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007-2010 (Đề án 30), đến nay TPHCM đã cơ bản hoàn thành các giai đoạn và đang trong tiến trình thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC thuộc thẩm quyền.
Vượt hơn 2 lần chỉ tiêu
Theo ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, trước khi triển khai thực hiện Đề án 30, không một cơ quan, đơn vị nào có thể trả lời chính xác có bao nhiêu TTHC, mỗi năm có thêm bao nhiêu TTHC… Tình trạng cơ quan hành chính thiếu công khai TTHC; nhiều TTHC, mẫu đơn tờ khai được đặt ra vô tội vạ; nhiều loại hồ sơ giấy tờ không cần thiết, thiếu quy trình giải quyết, không xác định thời gian giải quyết… được cho là chuyện phổ biến. Điển hình là các TTHC trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, nhà đất, đăng ký thành lập DN, đã gây phiền hà, tốn kém chi phí, thời gian và công sức của người dân và DN.
Từ thực tế trên, lãnh đạo TPHCM xác định tiến trình thực hiện Đề án 30 là làm thay đổi tư duy, nhận thức và cơ chế quản lý của nền hành chính công, tạo bước đột phá quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính (CCHC) trên tất cả các lĩnh vực.
Ở giai đoạn thống kê TTHC, TPHCM chọn thí điểm tại 24 sở ban ngành, 8 UBND quận huyện và 5 UBND phường - xã - thị trấn. Kết quả, đã thống kê được ở 3 cấp chính quyền với con số 2.501 TTHC. Chuyển sang giai đoạn rà soát, TPHCM tiếp tục chọn thí điểm ở 24 sở ban ngành và 2 UBND quận huyện (quận 6 và huyện Củ Chi), 2 UBND phường xã (phường 11, quận 6 và xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi). Kết quả, trong tổng số 2.504 TTHC tiến hành rà soát, TPHCM đã kiến nghị đơn giản hóa được 1.827 TTHC (đạt 72,96%), vượt gấp hơn 2 lần chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% TTHC mà Đề án 30 đặt ra.
Phục vụ dân tốt hơn
Chuyển sang giai đoạn thực hiện Đề án 30, TPHCM đặt ra mục tiêu gắn việc đơn giản hóa TTHC với mở rộng và phát triển các mô hình CCHC đã được ứng dụng trong thực tế với yêu cầu mọi TTHC phải thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và phục vụ đời sống dân sinh một cách tốt nhất. Các mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông”, các hình thức đăng ký TTHC qua internet, tư vấn, hỗ trợ TTHC… đã được triển khai rộng rãi tại nhiều cơ quan hành chính. Kết quả của giai đoạn này theo đánh giá của ông Võ Văn Luận, Tổ trưởng tổ Đề án 30 TPHCM là đã tạo ra nhiều mô hình hướng đến mục tiêu đơn giản hóa tối đa TTHC cho người dân và DN.
|
Hiện hầu hết các sở ban ngành TP và 24/24 quận huyện, 322/322 phường – xã - thị trấn đã áp dụng cơ chế “một cửa” trong giải quyết TTHC ở nhiều lĩnh vực. Đối với cơ chế “một cửa liên thông”, hiện có 19/24 UBND quận huyện thực hiện liên thông đến UBND phường-xã-thị trấn trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh và đăng ký mã số thuế. Bước vào giai đoạn thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC, nhiều cơ quan hành chính trên địa bàn TPHCM thực hiện quy trình giải quyết hồ sơ hành chính theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2000 và 9001: 2008 vào cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ.
Đánh giá hiệu quả của quá trình thực hiện Đề án 30, cái lợi lớn nhất mà mọi người dân TP đều dễ dàng nhận thấy là TTHC đã được minh bạch, rõ ràng và dễ hiểu hơn, thời gian giải quyết hồ sơ nhanh hơn và đặc biệt thái độ, cung cách phục vụ, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức tại các cơ quan hành chính được nâng lên rõ rệt. Tại huyện Bình Chánh, từ một địa phương là điểm “nóng” về sự trì trệ trong giải quyết TTHC cho người dân và DN, nay tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hẹn đã đạt được con số 99,46%. Tại quận 3, 11, 12, Gò Vấp, huyện Củ Chi…, thời gian giải quyết hồ sơ nhà, đất, cấp phép xây dựng đã giảm được từ 10 đến 15 ngày. Tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian cấp giấy phép thành lập DN từ 15 ngày đã giảm xuống còn 5 ngày…
HOÀI NAM