Sáng 11-6, Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể, thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2010 và bổ sung một số dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn đến năm 2015. Chiều cùng ngày, QH cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Dự trữ quốc gia.
Đối với kết quả kiểm toán, đề nghị xuất toán 2.200 tỷ đồng chi không đúng quy định, đại biểu (ĐB) Bùi Đức Thụ (Lai Châu) băn khoăn: “Vậy QH sẽ phê chuẩn số liệu nào? Chờ thực hiện kết luận kiểm toán sẽ không đảm bảo thời gian phê chuẩn như luật quy định. Nghị quyết của QH về vấn đề này phải nêu rõ yêu cầu Chính phủ, các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc giảm chi, xuất toán”. Theo ĐB Bùi Đức Thụ, kết quả điều hành ngân sách có sự khác biệt đáng kể so với những chỉ tiêu giao, đặc biệt là khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản. Công tác điều hành ngân sách phải quyết liệt, nghiêm túc hơn.
Làm rõ tiêu chí dự án cấp thiết, đó là ý kiến của nhiều ĐB khi thảo luận về Tờ trình của Chính phủ đề nghị bổ sung một số dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn đến năm 2015. Mặc dù nhiều ý kiến đồng ý bổ sung vốn các dự án được Chính phủ đề nghị, song hầu hết các ý kiến đều cho rằng trên cả nước còn có rất nhiều dự án khác cần vốn và cũng cấp thiết không kém.
ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) thẳng thắn: “Các dự án được nêu ra dự án nào cũng cần thiết cả, nhưng mức độ cấp bách khác nhau. Có tới 3 dự án giao thông với số vốn quá lớn, trong khi chỉ có một dự án bệnh viện, một dự án giáo dục, như vậy chưa hợp lý. Trong khi đó tại hai đô thị lớn, việc di dời các trường đại học và bệnh viện quá bức xúc, nhưng lại đầu tư theo kiểu nhỏ giọt. Các ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Trị), Lê Việt Trường (An Giang) phân tích, nếu đồng ý bổ sung vốn cho những dự án này ĐB sẽ rất khó giải thích với cử tri. Vì địa phương mình cũng có dự án bức xúc, sao không được bổ sung? Đáng lưu ý, ĐB Lê Việt Trường, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) và nhiều ĐB khác có cùng yêu cầu hạch toán trái phiếu Chính phủ vào ngân sách nhà nước và thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước để đảm bảo sự minh bạch, công bằng, hạn chế tối đa tiêu cực xin - cho.
Có góc nhìn khác, ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) nhận định: Nghị quyết 12 của QH đã thông qua, nhưng qua thực tế tìm hiểu, giám sát cho thấy giữa chủ trương cắt giảm đầu tư công và yêu cầu thực tế không khớp nhau. Nghị quyết 12 có lẽ là quá chặt, cần được sửa đổi theo hướng linh hoạt hơn. QH có quyền và cần sửa những quyết định chưa hợp lý của mình dựa trên những tổng hợp chưa chính xác của các địa phương.
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) bày tỏ “vừa đồng tình, vừa không” với 5 dự án Chính phủ đề xuất. Lý do, 5 dự án này thực sự cần thiết, nhưng chưa được đặt trong tổng thể tất cả các dự án đã trình. ĐB Trần Du Lịch phân tích: Chính phủ trình thêm 5 dự án nhưng không nói rõ rút dự án nào, hạng mục nào ra để đưa 5 cái này vô, vì tổng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chỉ có vậy, không thay đổi. Cần rà lại toàn bộ danh mục đã trình QH kỳ họp trước để tính khẳng định tính hợp lý của việc đưa vào, rút ra… nếu không sẽ tạo ra lỗ hổng khiến ai “chạy” giỏi người đó được làm trước.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng trong giai đoạn 2011 – 2015, theo tổng hợp từ các bộ và địa phương, chúng ta cần tới hơn 500 ngàn tỷ đồng, nhưng chỉ có 225 ngàn tỷ đồng. Chính phủ trình bố trí kế hoạch trái phiếu Chính phủ cho cả nhiệm kỳ, ngân sách lần này cũng giao từ năm 2013 - 2015, giao hết các địa phương và các bộ biết tổng số có từng đó. Các địa phương tự lựa chọn công trình bố trí chứ Bộ Kế hoạch - Đầu tư không can thiệp vào một danh mục nào nên không phải “chạy” hay xin - cho nữa. Còn việc phân tổng số chẳng ai cần phải chạy vì tổng số này phải trình qua UBTVQH.
Về 5 dự án Chính phủ vừa trình, đó đều là những dự án đang làm, không hề có chuyện xin - cho ở đây. 5 công trình này được đưa vào không cắt giảm của một địa phương, một bộ nào. Bởi vì trong tổng số 225 ngàn tỷ đồng, Chính phủ đề nghị đưa ra dự phòng khoảng 13 ngàn tỷ đồng để khi có một số công trình lớn trượt giá thì xem xét cho một số công trình lớn. Nếu được QH cho phép sẽ bố trí, nếu không sẽ hoàn trả lại quỹ dự phòng đó.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết UBTVQH đã cân nhắc rất kỹ, thận trọng, nhìn nhận một cách toàn diện khi trình ra QH về việc bổ sung 5 dự án này. Dù có bổ sung gì, có xem xét gì, danh mục công trình cũng chỉ được phép nằm trong số 225 ngàn tỷ đồng QH đã quyết định.
Chiều cùng ngày, QH đã cho ý kiến về dự án Luật Dự trữ quốc gia.
Anh Thư