Ngôi mộ cổ trên đường Nguyễn Tri Phương

Mộ cổ hay... kho báu?

Nhiều người dân đã tỏ ra rất hoang mang khi thấy ngôi mộ cổ trên đường Nguyễn Tri Phương bị “khai quật” như phá một ụ đá bên đường. Trong khi đó các nhà chuyên môn vẫn đưa ra nhiều ý kiến: Đây là ngôi mộ cổ hay... kho báu?
Mộ cổ hay... kho báu?

Nhiều người dân đã tỏ ra rất hoang mang khi thấy ngôi mộ cổ trên đường Nguyễn Tri Phương bị “khai quật” như phá một ụ đá bên đường. Trong khi đó các nhà chuyên môn vẫn đưa ra nhiều ý kiến: Đây là ngôi mộ cổ hay... kho báu?

  • Cần tôn trọng văn hóa mộ táng

Sáng 21-10, tại khu vực thi công ngôi mộ cổ đông đảo người dân vẫn tiếp tục tụ tập tranh cãi, bàn tán về nguồn gốc cũng như bí mật bên trong ngôi mộ. Tại đây có một vấn đề được nhiều người nhắc đến, đó là sự tôn trọng bậc tiền nhân của những người đang sống.

Mộ cổ hay... kho báu? ảnh 1
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ngôi mộ cổ này rộng từ bờ bao đến giữa đường Nguyễn Tri Phương (vạch ngăn cách), gần ngã tư đường 3 tháng 2 - Nguyễn Tri Phương phường 3 quận 10.

Nhà khảo cổ học lão thành Đỗ Đình Truật, người đã chủ trì khai quật rất nhiều ngôi mộ cổ cho biết thêm: “Không bàn đến vấn đề linh hay không linh, nhưng theo tập tục, chôn hay đào đều phải cúng tử tế. Khi tôi chủ trì khai quật mộ bà Nguyễn Thị Hiệu ở Xóm Cải, chúng tôi đã từng mời cả các nhà sư tới tụng kinh. Đó không phải là do mê tín, mà là tôn trọng văn hóa mộ táng. Hơn nữa, tâm linh còn là vũ khí sắc bén của dân tộc.

Một điều khác cũng rất quan trọng là trấn an dư luận. Khi chúng tôi làm như vậy đã tạo cảm giác an tâm cho những người dân địa phương. Mình cúng đủ lễ, lỡ như trong hay sau khi chúng tôi khai quật, ở địa phương hay những công nhân tại công trường có xảy ra tai nạn gì thì người dân cũng không nói là tai họa do việc khai quật chúng tôi mang lại”.

  • Kho tàng hay xác ướp?

Tại cuộc tiếp xúc với các phóng viên báo đài sáng 21-10, tiến sĩ Phạm Đức Mạnh, Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cho biết: “Đây là một ngôi mộ lớn, lớn hơn cả mộ vua Lê Dụ Tông đã khai quật rất nhiều".

Một cách chắc chắn, nhà khảo cổ học lão thành Đỗ Đình Truật khẳng định: “Trong lớp hợp chất này là xác ướp. Được bảo vệ với một hợp chất rất chắc chắn và dày như vậy, các di vật và người chôn dưới mộ sẽ không bị hư hại gì. Theo tôi, ngôi mộ này cũng quan trọng khi chúng ta phát hiện về khai quật Hoàng thành Thăng Long, dù phạm vi của ngôi mộ nhỏ hơn, nhưng đây là dấu nối về văn hóa từ Thăng Long đến Gia Định, dấu nối của văn hóa Việt từ sông Hồng đến sông Cửu Long.

Công trình khai quật đang tạm dừng, ý kiến của các nhà khảo cổ vẫn tập trung vào hướng đây là một ngôi mộ cổ. Trong lúc đó các nhà nghiên cứu khác đang dựa vào sử sách để tìm hiểu sự thật nằm sâu bên trong. Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh đưa ra một giả thuyết táo bạo. Theo ông, với phần kiến trúc tạm lộ ra như hiện nay đang thể hiện một điều bất thường. Phần nấm của ngôi mộ không hoàn toàn dính với kết cấu mới lộ ra và với kích thước lớn như dự đoán thì đây khó lòng là một ngôi mộ mà giống như là nơi để chôn giấu một vật gì đó.

Mộ cổ hay... kho báu? ảnh 2

Tiến sĩ Phạm Đức Mạnh (ngồi giữa).

Chưa hết, nếu ngôi mộ này được xây cách nay trên 200 năm, vào thời kỳ khu vực này là một đầm lầy thì việc vận chuyển nguyên vật liệu, tập kết nhân công sẽ cực kỳ khó khăn, thậm chí còn khó hơn xây một ngọn tháp tại Huế. Một nhân vật được chôn theo kiểu này chắc chắn phải rất nổi tiếng nhưng sử liệu để lại thì gần như là một con số không. Theo ông đây có thể là nơi mà chúa Nguyễn Duệ Tông, Phước Dương khi tránh sự truy đuổi của Tây Sơn đã chôn dấu tài sản Hoàng gia. Chỉ có họ mới đủ sức huy động vật lực, nhân lực để thực hiện điều này và để tránh quân Tây Sơn phát hiện họ đã giả trang đây như một ngôi mộ (giữa một khu vực nhiều mồ mả khác). Sau đó, cả Duệ Tông, Phước Dương đều bị xử chém và dấu ấn về cuộc chôn cất này cũng trở thành một bí mật của lịch sử.

Tuy nhiên, theo ông Cao Tự Thanh đây cũng chỉ là một giả thuyết mà để chứng minh còn cần rất nhiều sự giúp sức của các nhà khảo cổ, sử học, điều quan trọng nhất hiện nay không phải là cái gì bên dưới mà là chúng ta phải có kế hoạch bảo vệ và nghiên cứu hiệu quả tránh để xảy ra tình trạng thất lạc hay hư hỏng các cổ vật nếu có.
 

MINH TÚ – TƯỜNG VÂN
 

Cục Di sản văn hóa, Viện Khảo cổ học chưa có thông tin chính thức về ngôi mộ cổ

Liên quan đến những vấn đề đang đặt ra xung quanh việc khai quật ngôi mộ cổ trên đường Nguyễn Tri Phương (TP Hồ Chí Minh), chiều hôm qua (21-10), ông Đặng Văn Bài, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Bộ VH-TT cho biết: đến thời điểm này, Bộ VH-TT chưa nhận được báo cáo về vấn đề này từ Sở VH-TT TP Hồ Chí Minh, vì vậy Cục Di sản văn hóa chưa thể đưa ra chỉ đạo cụ thể nào đối với việc khai quật ngôi mộ cổ này. Tuy nhiên, theo lời ông Bài, trong vài ngày tới, sau khi nắm bắt các thông tin rõ ràng, cục sẽ họp bàn và chỉ đạo các biện pháp khai quật, bảo tồn cụ thể.

Cùng ngày, một vị lãnh đạo Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia) cho biết: Viện Khảo cổ học cũng chưa có thông tin đầy đủ liên quan đến vụ việc này. Tuy nhiên, viện sẵn sàng hợp tác với các cơ quan liên quan về mặt chuyên môn để nhanh chóng xác định được giá trị chính xác của ngôi mộ cổ cũng như về các giải pháp bảo tồn khi cần thiết.

Tin cùng chuyên mục