Mở đường hàng Việt xuất ngoại

Chưa có năm nào hàng Việt lại tất tả, ngược xuôi ở trong nước và nhiều hội chợ, triển lãm đình đám ở nước ngoài như năm 2014. Tất cả những hoạt động này đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là mở đường cho hàng Việt thâm nhập ngày càng sâu rộng ra thế giới.
Mở đường hàng Việt xuất ngoại

Chưa có năm nào hàng Việt lại tất tả, ngược xuôi ở trong nước và nhiều hội chợ, triển lãm đình đám ở nước ngoài như năm 2014. Tất cả những hoạt động này đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là mở đường cho hàng Việt thâm nhập ngày càng sâu rộng ra thế giới.

Lãnh đạo TPHCM và đại diện Tập đoàn NTUC FairPrice trước gian hàng bày bán các sản phẩm Việt Nam.

Đẩy mạnh quảng bá

Năm qua hàng Việt xuất hiện dày đặc thông qua các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Có thể kể đến hàng trăm chương trình xúc tiến thương mại ở tầm quốc gia và các hội chợ, chương trình khuyến mãi ở các tỉnh thành, nổi bật nhất là các hoạt động trên địa bàn TPHCM.

Đáng lưu ý, đã có sự vào cuộc mạnh mẽ của nhiều hệ thống phân phối tại TPHCM với vai trò là cầu nối để đưa hàng Việt đến với “năm châu bốn bể”. Mở đầu là Hội chợ hàng Việt Nam (tháng 6-2014) do NTUC FairPrice - Tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Singapore thực hiện. Đây là quả ngọt đầu mùa từ sự hợp tác liên doanh giữa Liên hiệp HTX thương mại TPHCM (Saigon Co.op) và Tập đoàn NTUC FairPrice, kể từ khi 2 đơn vị này đưa vào khai thác mô hình kinh doanh mới đại siêu thị và đại siêu thị phân phối số lượng lớn tại Việt Nam là Co.opXtra và Co.opXtraPlus.

Hội chợ hàng Việt Nam tại Singapore được tổ chức theo một cách khác biệt, là thực hiện ngay tại 107 siêu thị và đại siêu thị của NTUC FairPrive. Tại cửa chính mỗi siêu thị, một tấm pano cỡ đại với hàng chữ “Charming Vietnam” trên nền của những cánh đồng bậc thang ở Mù Cang Chải tuyệt đẹp, bên cạnh là chiếc xe chở đầy hàng Việt. Người dân Singapore đến mua sắm tại siêu thị đã dừng rất lâu trước những hình ảnh ấn tượng về đất nước Việt Nam tươi đẹp với những mặt hàng nông sản phong phú. Tham dự hội chợ, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên và xúc động khi đứng trước những quầy kệ hàng Việt, với hơn 300 sản phẩm được trưng bày rất trang trọng và đẹp mắt. Hoạt động này rất có ý nghĩa trong việc tìm đầu ra cho các sản phẩm Việt”.

Ngay sau đó, tại siêu thị Casino Saint-Didier (thủ đô Paris, Pháp) diễn ra chương trình quảng bá hàng Việt do Bộ Công thương phối hợp với BigC và Tập đoàn Casino (công ty mẹ của BigC tại Pháp) tổ chức (tháng 9-2014). Với khẩu hiệu “Hãy khám phá chất lượng hàng Việt Nam”, hàng trăm sản phẩm hàng đầu thuộc các lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến nông sản, thực phẩm… đã được chọn để giới thiệu tại đây. Hệ thống Lotte Mart cũng tổ chức Tuần lễ hàng Việt tại 10 siêu thị Lotte lớn nhất tại Hàn Quốc…

Gian hàng Việt Nam tại siêu thị Casino Saint Didier (Paris)

Dù chưa thực hiện các hội chợ chuyên đề về hàng Việt nhưng nhiều năm qua, hệ thống Metro xuất khẩu các mặt hàng với tổng trị giá hơn 35 triệu USD/năm. Theo đại diện Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam, hoạt động này không chỉ góp phần giúp thúc đẩy nền sản xuất trong nước thông qua việc phân phối sản phẩm Việt trên toàn hệ thống, Metro còn tích cực giới thiệu sản phẩm Việt ra thị trường thế giới thông qua các trung tâm Metro đặt tại 29 quốc gia. Ngay sau khi có mặt tại Việt Nam, Aeon đã xuất 60 triệu USD hàng Việt vào thị trường Nhật Bản và các nước, trong đó chủ yếu là mặt hàng nông sản, thủy sản… Hiện Aeon đã làm việc với hơn 1.000 nhà cung cấp tại Việt Nam, lên kế hoạch hợp tác với nhà sản xuất làm nhãn hàng riêng để tiêu thụ nội địa, xuất khẩu vào Nhật Bản và các nước trong khu vực.

Chất lượng - chìa khóa vạn năng

Trên thực tế, việc xuất khẩu hàng hóa qua kênh bán lẻ không chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) thúc đẩy tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh mà ngay cả các nhà bán lẻ cũng đạt được nhiều mục tiêu. Cụ thể, Singapore là nước đang nhập khẩu tới 90% tổng lượng hàng hóa cung ứng cho tiêu dùng cả nước. Riêng NTUC FairPrice cũng đang thực hiện việc nhập khẩu hàng hóa từ hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhằm cung ứng cho 270 siêu thị, đại siêu thị và cửa hàng tiện lợi.

NTUC FairPrice đang có sự đa dạng hóa trong việc nhập khẩu hàng hóa theo hướng có lợi cho người tiêu dùng Singapore, tránh rủi ro từ sự phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường truyền thống.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thông thường phía Việt Nam phải bỏ kinh phí để tổ chức hội chợ, qua đó hỗ trợ DN tìm kiếm đối tác phân phối. Nhưng riêng Hội chợ hàng Việt Nam tại Singapore thì ngược lại, nhà phân phối đã tự đứng ra tổ chức vì vậy mang lại hiệu quả cao hơn. Trong những năm tới, TPHCM sẽ phối hợp với NTUC FairPrice để đưa hội chợ trở thành hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm của TP, hỗ trợ DN tăng cường xuất khẩu vào Singapore.

Người tiêu dùng Pháp dùng thử trái cây Việt Nam.

Vấn đề đặt ra “Làm gì để hàng Việt tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường?”. Theo các đối tác nước ngoài, khó khăn lớn nhất khi đưa các mặt hàng nông sản vào hệ thống phân phối là hàng Việt mau hỏng do quy trình thu mua sản phẩm chưa tốt, cụ thể là công nghệ sau thu hoạch chưa được đầu tư đúng mức. Đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến và đông lạnh phải tuân thủ đúng các quy định về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm mới có thể nâng cao khả năng cạnh tranh. Quy định chất lượng các nước đòi hỏi hàng nhập khẩu phải đáp ứng đúng các quy trình. Ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc Jettro Nhật Bản cho rằng, trong quan hệ hợp tác với DN Nhật Bản, Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến các bí quyết, kỹ thuật của Nhật để thay đổi kỹ thuật sản xuất của mình để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhà cung cấp muốn sản phẩm tham gia vào thị trường nào thì phải nắm rõ những điều kiện của nhà nhập khẩu để chuẩn bị các loại giấy tờ, hồ sơ phù hợp.

Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu đạt 150 tỷ USD, xuất siêu 1,5 tỷ USD, là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Với con số này, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng.

Nếu năm 2005, cả nước chỉ có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên (còn gọi là Câu lạc bộ 1 tỷ USD), thì sau 9 năm đã tăng gấp hơn 3 lần với 23 mặt hàng, trong đó kim ngạch tăng cao nhất tập trung vào những nhóm hàng tạo việc làm cho người lao động như điện thoại và linh kiện, dệt may…

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục