Qua 3 năm triển khai mô hình Bác sĩ gia đình (BSGĐ), ngành y tế TPHCM đã gặt hái được một số thành công nhất định. Không chỉ mạng lưới y tế xuyên suốt xuống tận cơ sở mà người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện hơn. Đến nay, BSGĐ đã được triển khai tại các bệnh viện quận, huyện và cả các trạm y tế xã, phường.
Khám bệnh tại phòng khám Bác sĩ gia đình ở Bệnh viện Quận 2, TPHCM
Theo dõi sức khỏe suốt đời
Dù thí điểm triển khai sau các bệnh viện (BV) bạn, nhưng Phòng khám BSGĐ của BV Quận 2 TPHCM đã trở thành “điểm hẹn” của không ít bệnh nhân trên địa bàn. Mới 9 giờ sáng ngày đầu tuần nhưng khu khám bệnh BSGĐ của BV đã vơi dần bệnh nhân.
Cụ Nguyễn Ngọc Châu (67 tuổi, ngụ phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) nói: “Tôi đến từ 7 giờ, vừa xong các xét nghiệm máu, nước tiểu rồi. Giờ đợi bác sĩ xem lại kết quả, lấy thuốc là về”. Đã khám bệnh diện BHYT tại BV Quận 2 nhiều năm, với bệnh cao huyết áp, tiểu đường nhưng theo cụ Châu thì khoảng 2 năm trở lại đây mới “dễ thở”, nhờ có phòng khám BSGĐ mà rút ngắn được thời gian chờ đợi, bác sĩ tư vấn tận tình và nếu cần có thể liên lạc với chính bác sĩ đã theo dõi bệnh của mình. “Có hôm mệt quá không đi nổi. Gọi lên phòng khám thì có bác sĩ xuống thăm khám, đo huyết áp rồi kê đơn thuốc luôn. Thiệt đỡ khổ”, cụ Châu cho biết.
Tại BV quận Gò Vấp TPHCM, từ năm 2013 đã đưa vào hoạt động Phòng khám BSGĐ giúp người bệnh tránh được tình trạng chờ đợi, được chăm sóc toàn diện. Bác sĩ Phạm Hữu Quốc, Giám đốc BV quận Gò Vấp cho biết, ban đầu Phòng khám BSGĐ có 2 bàn khám với khoảng 10 bác sĩ làm việc trong giờ hành chính, nhưng nay đã phải kê thêm 2 bàn nữa vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu.
Ghi nhận tại các phòng khám BSGĐ cho thấy, phần lớn các bệnh lý được khám, tầm soát thường gặp như tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm loét dạ dày, viêm gan... Lãnh đạo một BV cho biết, người bệnh thường mắc các bệnh mạn tính được lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe liên tục. Trong những trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh lý cần được điều trị chuyên sâu, BSGĐ sẽ hướng dẫn và giới thiệu bệnh nhân đi đúng tuyến, tránh trường hợp bệnh một đường, đi khám một nẻo. Sau khi khám, hồ sơ bệnh nhân sẽ được lưu trên bệnh án điện tử, giúp tiết kiệm thời gian cho những lần khám sau. Người bệnh khám và điều trị bởi BSGĐ dù phải trả chi phí cao hơn so với khám dịch vụ thông thường, song vẫn được tính BHYT…
Theo TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, bộ môn Y học gia đình Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM, y học gia đình là y học lâm sàng nhưng có định hướng dự phòng bệnh thông qua khám tầm soát, theo dõi suốt đời các vấn đề sức khỏe thông thường cho mọi lứa tuổi tại các phòng khám BSGĐ. “Vấn đề quan trọng là BSGĐ không chỉ tiếp cận người bị bệnh mà cả những người chưa phát bệnh trong gia đình, để giúp họ dự phòng, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng”, TS Hiệp nhìn nhận.
Chờ thanh toán viện phí tại một phòng khám Bác sĩ gia đình
Kéo bệnh nhân về cơ sở
BS Nguyễn Thế Dũng, nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM, người đặt nền móng cho mô hình BSGĐ tại TPHCM, cũng nhìn nhận, phòng khám BSGĐ là tuyến khám chữa bệnh đầu tiên, theo dõi sức khỏe của người dân ban đầu để sàng lọc và chữa các bệnh thông thường, trong trường hợp bệnh nặng cần chuyên môn thì BSGĐ mới chuyển lên tuyến trên để xử lý.
“Với cách làm này, các BV sẽ không bị quá tải do tiếp nhận hàng vạn bệnh nhân mắc bệnh thông thường, cũng tới chầu chực chờ khám”, BS Nguyễn Thế Dũng nói. “BSGĐ ở trạm y tế sẽ là vệ tinh cho BV quận, huyện và bệnh nhân sẽ được chăm sóc ngay tại địa bàn phường, nếu cần chuyển lên tuyến trên thì chính bác sĩ trạm y tế sẽ tư vấn, hướng dẫn đúng tuyến, đúng bệnh chứ không phải “chạy loạn xạ” như hiện nay”, BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết.
Theo các chuyên gia y tế, mô hình BSGĐ của Việt Nam đi sau thế giới cả nửa thế kỷ, nhưng dù muộn vẫn còn hơn. BSGĐ là người vừa có chức năng dự phòng, vừa có chức năng điều trị. Mặc dù “đi sau” nhưng mô hình BSGĐ vẫn luôn là xu thế của thế giới, bởi tính đúng đắn, hiệu quả, nhắm đến nhiều mục tiêu cùng lúc.
Từ năm 2012, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm mô hình phòng khám BSGĐ giai đoạn 2012 - 2016 ở 7 tỉnh và TP gồm: Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang với mục tiêu có tối thiểu 50% BV tuyến trung ương, 100% số cơ sở y tế tuyến quận, huyện, thị trấn và 10% phòng khám đa khoa tư nhân tham gia triển khai mô hình phòng khám BSGĐ.
“Đến nay cả nước đã thành lập được hàng trăm phòng khám BSGĐ và được đánh giá mang lại hiệu quả đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm quá tải BV”, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết.
Để phát triển mô hình BSGĐ, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, kế hoạch đến năm 2017, 100% các trường đại học y có đào tạo bác sĩ đa khoa; thành lập, kiện toàn bộ môn hoặc khoa y học gia đình, có phòng khám BSGĐ. Đồng thời sẽ kiện toàn mô hình tổ chức, quy mô, nhiệm vụ của phòng khám BSGĐ để phấn đấu đến 2020, 100% phòng khám BSGĐ ứng dụng phần mềm tin học quản lý hoạt động và sử dụng hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử; có ít nhất 80% tỉnh, thành triển khai phòng khám BSGĐ.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, sẽ xây dựng cơ chế khuyến khích, cho phép BSGĐ chuyển tuyến khắp nơi; phòng khám BSGĐ được ký hợp đồng thanh toán BHYT… “Kế hoạch và lộ trình đã có nhưng cần thêm các giải pháp, hành động và sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền các địa phương từ tỉnh, thành phố đến xã, phường…”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiến nghị.
| |
TƯỜNG LÂM