Ngành chăn nuôi nước ta có sản lượng thịt heo đứng thứ nhất khu vực Đông Nam Á (chiếm 42,2%), thứ 2 châu Á (chiếm 5%), thứ 6 thế giới (chiếm 2,8%). Sản lượng thịt vịt đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á (chiếm 22,4%). Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng đầu trong các nước ASEAN và thứ 12 thế giới…
Ám ảnh dịch bệnh
Những con số nêu trên sẽ trở nên vô nghĩa nếu ngành chăn nuôi không thể thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn bao lâu nay. Nuôi theo tâm lý đám đông dẫn đến dư thừa, giá giảm, cùng lỗ; ngưng nuôi, khan hiếm, giá cao… Bốn nỗi lo luôn ám ảnh người chăn nuôi, đứng đầu là dịch bệnh, thế nhưng chúng ta vẫn bị động về việc ứng phó; kế đến là đầu ra, vốn và con giống.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Định cho rằng, dịch cúm gia cầm, heo tai xanh hầu như năm nào cũng xuất hiện, dù không lan rộng, gây hại nặng nề như trước nhưng vẫn là nỗi lo của người chăn nuôi. Khi dịch bệnh xuất hiện, gia súc, gia cầm chết, không chỉ người nuôi bị thiệt hại mà điều lo lắng hơn là tâm lý ngán ngại của người tiêu dùng dẫn đến tình trạng giá giảm.
Năm nay, theo nhận định của ông Nguyễn Xuân Dương, Cục Phó Cục Chăn nuôi, giá đã giảm sâu hơn, lâu hơn nên người nuôi càng khó khăn. Vì vậy, quý 1, tổng đàn heo giảm 2% so cùng kỳ năm 2012, gia cầm giảm 2,5%, đàn trâu và bò giảm 3% - 4% so với cùng kỳ. Trong khi đàn heo, gà năm 2012 cũng đã sụt giảm so với năm 2011. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng làm cho chi phí thú y luôn ở mức cao khoảng 5% - 10%. Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 70% giá thành.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi thừa nhận, năng suất con giống trong nước còn khoảng cách khá xa so với các nước. Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, Phó đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia tại TPHCM cho rằng, cùng với những yếu tố trên, việc chậm đưa các tiến bộ kỹ thuật đến người nuôi làm cho giá thành chăn nuôi luôn ở mức cao, khó cạnh tranh.
Thiếu liên kết, nông dân thua thiệt
Theo khảo sát của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, với giá thịt heo gà giảm mạnh hiện nay, nếu xem xét cụ thể hơn sẽ thấy, doanh nghiệp (DN) FDI (100% vốn nước ngoài) nhờ sử dụng con giống tốt, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, khép kín chuỗi sản xuất nên giá thành luôn thấp hơn DN trong nước, trang trại và nông hộ. Khi giá heo hơi giảm xuống còn 38.000 đồng/kg như hiện nay, DN FDI vẫn còn lời, trong khi trang trại lỗ 2.200 đồng/kg, riêng nông hộ lỗ gần 5.000 đồng/kg.
Với gà trắng (công nghiệp) chỉ còn 14.000 đồng/kg, trong khi DN FDI chỉ lỗ khoảng 8.000 đồng/kg thì trang trại lỗ gần 17.000 đồng/kg. Các DN FDI có đủ điều kiện để phát huy lợi thế cạnh tranh nhờ tạo ra được chuỗi sản xuất (gia công), các trang trại nếu biết gắn kết sẽ khắc phục yếu thế. Trong khi đó, nông hộ là thành phần bị động hoàn toàn, không đủ sức cạnh tranh.
Điều đáng lo là chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, khoảng 65% - 70% về đầu con và 55% - 60% về sản phẩm. Sau dịch cúm gia cầm từ cuối năm 2003 đến nay cho thấy, dịch bệnh hầu như chỉ xuất hiện ở nông hộ, trong lúc trang trại chăn nuôi được đầu tư thiết bị hiện đại và tiên tiến nhất nhì khu vực, bảo vệ tốt đàn gia súc, gia cầm. Nhưng do tác động tâm lý người tiêu dùng nên sản phẩm chăn nuôi dù sạch bệnh cũng bị ảnh hưởng.
Thực tế vừa qua nhà quản lý đã nhận ra được vấn đề, phải tổ chức lại sản xuất cho các hộ manh mún. Theo đó, cần liên kết các nông hộ lại theo hướng tổ hợp tác, hợp tác xã... thành những “cánh đồng” lớn trong chăn nuôi như Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc đề xuất. Từ những liên kết này, ngành chức năng tổ chức các buổi tập huấn cho người dân về kiến thức chăn nuôi, các nguy cơ dịch bệnh cũng như giảm bớt tầng nấc trung gian khi mua thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... Ngoài ra, phổ biến cho bà con biết những tiến bộ kỹ thuật để nhanh chóng áp dụng vào sản xuất, giúp giảm giá thành như kỹ thuật ủ men, nệm lót sinh học…
| |
CÔNG PHIÊN