Nếu Đông Nam bộ là khu vực nuôi heo tập trung của cả nước với những trang trại quy mô lớn thì ĐBSCL được mệnh danh khu vực nuôi vịt trọng điểm, đặc biệt là vịt chạy đồng, chiếm hơn 41% tổng đàn cả nước. Nhưng từ cuối năm 2003, khi dịch cúm gia cầm xảy ra, vật nuôi này bị xem như nguyên nhân gây ra dịch bệnh…
Nhiều hình thức nuôi
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết theo ước tính của một số chuyên gia, doanh số vật nuôi này mang lại cho người dân vùng ĐBSCL hàng năm lên đến 14.000-20.000 tỷ đồng. Một con số nói lên nhiều ý nghĩa trong đời sống người dân và giá trị mang lại đối với nền kinh tế. Sau khi dịch cúm gia cầm tạm lắng, nhờ tiêm phòng hiệu quả đàn thủy cầm đã tăng mạnh trở lại. Năm 2008, cả nước có 66,2 triệu con, đến năm 2011 tăng lên 72,5 triệu con, trong đó riêng khu vực ĐBSCL chiếm gần 40 triệu con.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Cục phó Cục Chăn nuôi, cho biết việc chăn nuôi thủy cầm, chủ yếu là vịt có xu hướng chuyển từ dạng nuôi nhỏ lẻ, chạy đồng sang nuôi trang trại bán công nghiệp và công nghiệp. Hiện toàn vùng ĐBSCL có 2.114 hộ nuôi công nghiệp, quy mô trang trại, tăng 9,9% so với 1.942 hộ của năm 2010. Do vậy, dù số hộ nuôi giảm từ 24.165 hộ năm 2010 xuống còn 19.364 hộ năm 2011 nhưng quy mô đàn vịt tăng lên gần 40 triệu con (tăng 12,4% so với năm 2010). Đáng chú ý, việc nuôi vịt xuất hiện nhiều mô hình nuôi theo phương pháp an toàn sinh học như nuôi tập trung tại chuồng, mô hình vịt - cá, vịt - lúa - cá, nuôi vịt trên sân vườn có cây, trên đồi… ở khu vực cao để dễ quản lý.
Chạy đồng gần thay chạy đồng xa
Trước đây, vịt chạy đồng được xem là nghề nuôi phổ biến của người dân ĐBSCL. Khi lúa được thu hoạch, người dân thả vịt chạy từ đồng này sang đồng kia để ăn lúa rơi vãi trên đồng ruộng, nhờ đó tiết kiệm nhiều chi phí thức ăn. Vật nuôi này ăn sâu rầy, giúp giảm mật độ có thể gây hại cây lúa, giúp làm vệ sinh đồng ruộng. Khi ốc bươu vàng trở thành vật nuôi đe dọa cây lúa non, chính vịt chạy đồng góp phần hạn chế tốc độ phát tiển của loài ốc này. Vì vậy, nhiều người cho rằng, vịt chạy đồng trở thành một khâu trong chuỗi sản xuất bền vững ở ĐBSCL.
Khi vịt chạy đồng bị cấm nuôi bằng những biện pháp hành chính do dịch cúm gia cầm, nhưng bà con lén nuôi. Sau đó, để hợp thức hóa thực tế này, Bộ NN-PTNT có văn bản cho phép nuôi trở lại nhưng phải được tiêm phòng và có sổ kiểm tra để theo dõi và quản lý. Khác với gà, vịt chỉ cần tiêm phòng ngay từ những ngày đầu mới nở. Nhưng kiểu quản lý theo sổ này có kẽ hở, có thể sử dụng nhiều lần. Để tránh tình trạng này, cơ quan quản lý thay đổi màu sắc cuốn sổ theo dõi hàng năm. Và cách làm trên có hiệu quả tại nhiều địa phương như An Giang, Tiền Giang… Nhưng hiệu quả chỉ phát huy tác dụng khi các tỉnh tích cực triển khai. Điều này cho thấy, những biện pháp hành chính đòi hỏi phải phù hợp với thực tế.
Và từ thực tế để có biện pháp quản lý sao cho phù hợp và ngày càng hoàn chỉnh để trở nên hiệu quả hơn. Giờ đây, bản thân người dân cũng đã có sự điều chỉnh để thích nghi với điều kiện mới. Việc nuôi vịt chạy đồng cũng có sự thay đổi. Lợi ích “trời cho này” không còn nhiều nữa, phải đóng tiền cho chủ ruộng và bị cạnh tranh khá gay gắt. Do đó nên hiện nay, đa số là chạy đồng gần, trong tỉnh thay thế dần chạy đồng xa, qua nhiều tỉnh như trước.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Trung tâm Thú y vùng 7 (TP Cần Thơ), từ đầu năm 2012 đến nay có 6/13 tỉnh ĐBSCL xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm H5N1. Dù chỉ là rải rác và xảy ra ở hộ nuôi nhỏ lẻ, nhưng có 2 người bị nhiễm cúm A-H5N1 tử vong. Virus cúm gia cầm lưu hành ở ĐBSCL khá cao 15,4%, trong đó Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh khoảng 15,6%-33,3%.
Tại hội nghị về nuôi vịt bền vững các tỉnh phía Nam vừa diễn ra ngày 18-4 ở TP Long Xuyên (An Giang), bà Trương Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm Thú y vùng 7, cho biết quý 1-2012 có 25,4 triệu gia cầm được tiêm phòng, trong đó, gà 11 triệu con, vịt 14,5 triệu con, nhìn chung còn khá thấp, đạt dưới 50%. Điều này cho thấy, còn một bộ phận không nhỏ người nuôi có ý thức tiêm phòng chưa cao và sự lơ là của nhà quản lý là nguy cơ không nhỏ ảnh hưởng đến việc an toàn sinh học cho đàn gia cầm. Đây là nguyên nhân chủ quan góp phần làm dịch cúm gia cầm có thể tái phát ở khu vực này.
CÔNG PHIÊN