Mô hình sản xuất nông nghiệp không phát thải

Trên địa bàn TPHCM có 58 hợp tác xã, với tổng diện tích canh tác trên 100.000ha. 
Hàng năm, lượng phát thải nông nghiệp là rất lớn, nếu được tái sử dụng bằng các phương pháp phù hợp sẽ giúp hoàn nguyên chất hữu cơ về nền đất, giúp bảo vệ môi trường nông thôn, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững trong nông nghiệp.  Việt Nam là một nước nông nghiệp và có những mặt hàng xuất khẩu đứng đầu thế giới như gạo, điều, hồ tiêu, thủy sản... Nông nghiệp đã chuyển mạnh sang cơ cấu sản xuất hiệu quả và đạt tốc độ tăng trưởng khá cao. Tuy nhiên, nền đất canh tác đang bị thoái hóa nghiêm trọng từ việc lạm dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và các chất kích thích sinh trưởng để tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Từ thực tế đó, việc thay đổi phương pháp canh tác nhằm hướng đến những mô hình canh tác xanh, bền vững là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh hiện nay.  Đây là mô hình canh tác tổng hợp nhiều yếu tố thông qua hoạt động tận thu và chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp thành những sản phẩm hữu ích (than sinh học và phân bón hữu cơ), hướng đến xây dựng thành công chương trình nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn nông thôn TPHCM.    
Năng lượng tái tạo và sinh khối 
Sử dụng phương pháp khí hóa để nhiệt phân phế phụ phẩm nông nghiệp thành than sinh học, đồng thời thu được nhiệt năng phục vụ việc đun nấu quy mô nông hộ. Than sinh học có khả năng giữ nước, giữ dinh dưỡng, nâng pH cho đất, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đất canh tác về lâu dài.
Mô hình sản xuất nông nghiệp không phát thải ảnh 1
Sản xuất phân bón hữu cơ tại nông hộ
Phân loại và thu gom phế phụ phẩm trong quá trình canh tác để ủ (ảnh), xử lý kết hợp với chế phẩm vi sinh thành phân bón hữu cơ nhằm hoàn nguyên chất dinh dưỡng cho đất canh tác.  
Mô hình sản xuất nông nghiệp không phát thải ảnh 2
 
Việc sử dụng quy trình ủ phụ phẩm nông nghiệp góp phần giảm chi phí đầu vào trong quá trình sản xuất, giúp ngăn đất trồng bị thoái hóa, tăng cường bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn. Từ đó tạo tiền đề cho việc cung cấp nông sản sạch và an toàn vào chuỗi cung ứng thực phẩm.
Để biết thêm chi tiết, bà con nông dân có thể liên hệ Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, sẽ có cán bộ đến tận nơi tư vấn thiết kế mô hình ủ phù hợp. Địa chỉ trung tâm: số 2374 quốc lộ 1, khu phố 2, phường Trung Mỹ Tây, quận 12; điện thoại 0903 552 752 (Nguyễn Ngọc Phi, cán bộ kỹ thuật); địa chỉ hộp thư điện tử: canhtacbenvung@gmail.com 

Tin cùng chuyên mục