Mô hình trường thực nghiệm - Thử nghiệm nhưng được mở rộng

Liên quan đến Trường PTCS Thực nghiệm Hà Nội, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT Lê Tiến Thành cho rằng không thể triển khai đại trà mô hình trường thực nghiệm bởi theo Luật Giáo dục, Việt Nam chỉ có một chương trình học và một chương trình sách giáo khoa hiện hành. Còn chương trình thực nghiệm chỉ mang tính thí nghiệm. Chiều qua, 15-5, GS-TS Phan Văn Kha, Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam đã trao đổi với PV Báo SGGP làm rõ thêm vấn đề này.* Phóng viên:
Mô hình trường thực nghiệm - Thử nghiệm nhưng được mở rộng

Liên quan đến Trường PTCS Thực nghiệm Hà Nội, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT Lê Tiến Thành cho rằng không thể triển khai đại trà mô hình trường thực nghiệm bởi theo Luật Giáo dục, Việt Nam chỉ có một chương trình học và một chương trình sách giáo khoa hiện hành. Còn chương trình thực nghiệm chỉ mang tính thí nghiệm. Chiều qua, 15-5, GS-TS Phan Văn Kha, Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam đã trao đổi với PV Báo SGGP làm rõ thêm vấn đề này.

* Phóng viên:
Thưa Viện trưởng, mô hình trường thực nghiệm đã trải qua thời gian thử nghiệm khá lâu, tại sao đến nay vẫn chưa được nhân rộng?

* GS-TS PHAN VĂN KHA:
Mô hình này vẫn đang trong quá trình thực nghiệm, phải có thời gian, phải có đánh giá, từ đó mới có những đề xuất với Bộ GD-ĐT.

* Tại sao mô hình đào tạo thực nghiệm được áp dụng ở Việt Nam hơn 30 năm và đã thành công, được người dân tín nhiệm nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan quản lý công nhận đưa vào triển khai đại trà?

* Việc đưa một chương trình giáo dục vào thực tiễn phải có thử nghiệm hết sức dày công, trước khi mở rộng ở nhiều tỉnh thành. Trường thực nghiệm mới được triển khai ở 16 tỉnh thành và dần dần mở rộng. Hiện nay đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015” đang được Bộ GD-ĐT gấp rút triển khai. Sắp tới khi kết nối với đề án này, mô hình thực nghiệm sẽ được đưa ra bàn, sau đó chúng tôi mới tiếp tục đánh giá, đề xuất với Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Phụ huynh đạp đổ cổng trường để chen vào mua hồ sơ của Trường PTCS Thực nghiệm Hà Nội.

Phụ huynh đạp đổ cổng trường để chen vào mua hồ sơ của Trường PTCS Thực nghiệm Hà Nội.

* Quan điểm của Bộ GD-ĐT về mô hình trường thực nghiệm ra sao, thưa ông?

* Bộ ủng hộ vì chương trình đã được áp dụng bao nhiêu năm nay, có hiệu quả tích cực và được học sinh, phụ huynh tín nhiệm. Tuy nhiên, chưa thể triển khai đại trà bởi theo Luật Giáo dục, Việt Nam chỉ có một chương trình học và một chương trình sách giáo khoa hiện hành. Còn chương trình thực nghiệm chỉ mang tính thí nghiệm. Dù vậy, nhưng đáng mừng, tuy thử nghiệm nhưng đang được mở rộng.

* Sau nhiều năm, thử nghiệm, chắc viện cũng đã có nhiều đánh giá về mô hình này?

* Dĩ nhiên chúng tôi đã đánh giá nhiều lần. Học sinh, phụ huynh đã đánh giá nhiều, thể hiện qua sự yêu thích trường thực nghiệm ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh chương trình, sách giáo khoa chỉ là một vấn đề, quan trọng là phương pháp giáo dục. Sở dĩ trường thực nghiệm nhận được nhiều yêu thích do trường áp dụng dạy 2 buổi/ngày, một số nội dung được đưa vào các hoạt động giáo dục chứ không cứng nhắc đưa vào các môn học; học sinh được học một cách thoải mái, được sống trong một môi trường giáo dục thân thiện, cô và trò gần gũi… Đó mới chính là điểm khác biệt lớn nhất của mô hình trường thực nghiệm.

Chúng tôi có dịp nghiên cứu giáo dục của nước ngoài nhiều. Điều phải nhìn nhận, chúng ta cần học hỏi nền giáo dục các nước ở môi trường giáo dục thân thiện.

* Ông bình luận gì về nhiều ý kiến của phụ huynh nói, học sinh trường thực nghiệm nổi bật ở sự tự chủ, khả năng thích ứng tốt, nhưng nếu để các em thi vào trường chuyên thì khó đậu?

* Đúng vậy. Vì trường thực nghiệm không phải trường chuyên. Ở đây chúng tôi thử nghiệm mô hình giáo dục để có thể vận dụng đại trà chứ không phải để vận dụng cho trường chuyên.

GS-TSKH Hồ Ngọc Đại, “cha đẻ” của mô hình thực nghiệm”: Điểm khác biệt và tính ưu việt của mô hình thực nghiệm quan trọng nhất là trẻ em lớn lên ở đây được tôn trọng. Tri thức đưa đến cho trẻ là tri thức rất hiện đại, rất cơ bản và không có sự so sánh giữa đứa trẻ này với đứa trẻ khác. Không chỉ những học sinh giỏi toán, giỏi văn mới được tôn trọng, trẻ tập thể dục giỏi cũng được tôn trọng. Nhà trường tôn trọng trẻ bằng cách dạy học sinh tri thức đàng hoàng. Thái độ không chưa đủ, phải bằng công việc. Dạy trẻ cách làm việc đàng hoàng, tự chủ. Mô hình thực nghiệm tuyệt đối không có chuyện tôn vinh, biểu dương trẻ con, vì như thế giống như hạ nhục một đứa trẻ khác vì trẻ con rất dễ tủi thân…

Hiệu phó Trường PTCS Thực nghiệm Hà Nội Lê Thị Mai Hương: Tiêu chí của trường, xây dựng môi trường thân thiện, mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh cởi mở. Học sinh vào lớp được phát biểu ý kiến, tốt cô khen, chưa thì cô bảo lần sau cố gắng. Cô không bao giờ chê trò, không nói trò sai và cũng không để các bạn trong lớp moi móc xem bạn đang sai gì. Nhà trường luôn cố gắng duy trì môi trường giáo dục không mang bệnh thành tích, không có chuyện nhiều học sinh yếu, cô bị phê bình. Bên cạnh đó, Trường PTCS Thực nghiệm thực hiện đúng chương trình giáo dục, không tạo cảm giác nặng nề, quá tải.

LÂM NGUYÊN

- Thông tin liên quan:

>> 500 đơn xin học lớp 1 trường PTCS Thực nghiệm Hà Nội

>> Việc hỗn loạn mua đơn vào lớp 1 ở Trường PTCS Thực nghiệm - Sức nóng chưa giảm

Tin cùng chuyên mục