Sau khi chủ cũ dọn đi, căn nhà giá 180.000EUR mà Huệ mua lại đã xuống cấp trầm trọng. Muốn sửa cho tươm tất để vào ở, nhưng chi phí cánh thợ chuyên nghiệp địa phương báo giá cũng gần bằng một phần ba tiền nhà, thế là chồng cầm búa, vợ cầm bay, xắn tay áo tự sửa.
Có những thứ tự làm được, chỉ cần hỏi “thầy” Google, nhưng nhiều công đoạn phải cắn răng thuê thợ bản xứ. Huệ bảo: “Họ cứ tính giờ ăn tiền. Thợ ốp tường giữ nhiệt đòi 30 EUR/giờ, thợ nước 25EUR/giờ, còn thợ sơn tường hét 15 EUR/giờ”.
Huệ làm tôi nhớ lại lần vợ chồng tôi quyết định xây thêm phòng tắm mới phía sau nhà. Chồng tôi có thể tự xây được, nhưng đặt móng phải cần bàn tay và con mắt thợ lành nghề nắn chỉnh cho vuông thẳng, vững chắc, đành cầu cạnh anh bạn cũ người Bỉ vốn là thợ xây.
Bữa ấy, chiếc BMW sáng bóng đỗ xịch trước cửa, anh thợ xây bước ra, quần jean áo thun sành điệu, tay cầm hộp đồ nghề (đựng bay, thước...) lịch sự như xách vali đi nghỉ mát. Trong khoảng hai giờ, từ móng đã mọc lên mấy hàng gạch vuông thành sắc cạnh, mạch vữa mướt mịn đều tăm tắp.
Anh bạn về rồi, tôi áy náy hỏi chồng: “Nếu phải trả công không biết anh ấy tính bao nhiêu một giờ?”. Chồng tôi bật cười: “Không tính theo giờ mà theo từng viên gạch. Tay này giàu nhất đám bạn thời phổ thông của anh đấy”.
Cứ đà này, mong làm thợ cũng phải. Một cặp vợ chồng Việt khá thành đạt ở Hà Lan mà tôi quen, sở hữu khá nhiều bất động sản, đang đếm từng năm mong con đủ 18 tuổi để giao nhà cho đứng tên. Không kiếm ăn xứ người bằng việc mở nhà hàng như đồng hương thường làm, hơn 20 năm nay, anh Thân chị Nga âm thầm mua những căn nhà cũ nát để sửa chữa cho đẹp đẽ, hiện đại, rồi bán đi lấy lời. Huệ biết chuyện, nhờ tôi giới thiệu cho làm quen cặp vợ chồng này để gửi gắm đứa con trai đầu lòng. “Vài năm nữa xong phổ thông, bác cho cháu nó theo học nghề. Người Việt mình cần cù, khéo tay, sang đây làm thợ còn giàu nhanh hơn làm thầy”, Huệ tỉ tê với người bạn của tôi.
Vợ chồng Huệ mới sang, nhìn đâu cũng thấy cơ hội làm ăn. Giờ thì anh Thân chị Nga đã có thể ngồi trong khu resort nho nhỏ của riêng mình, trị giá triệu EUR giữa lòng châu Âu, tỉ mẩn chọn mua từng chiếc bàn gỗ, ghế mây độc đáo nhập từ Bali (Indonesia) vào Hà Lan, thiết kế không gian zen- thiền theo yêu cầu của khách. Chị Nga trầm ngâm bảo tôi: “Cứ nhìn lịch học của con mình ở đây, tôi chỉ mong làm giáo viên. Không phải dạy thêm mà lương cơ bản vẫn đủ sống, thời gian nghỉ lại nhiều, nào nghỉ hè, nghỉ xuân, nghỉ đông, rồi nghỉ Giáng sinh, nghỉ lễ Phục sinh, nghỉ lễ Thăng thiên, nghỉ lễ quốc gia, nghỉ lễ vùng... Vừa đi làm vừa chăm con chu đáo. Làm mẹ ai chẳng mong nghề lý tưởng như thế”.
Nghe nói ở Việt Nam ngành quản trị khách sạn nhà hàng đang sốt, đào tạo lứa nào thị trường tiếp nhận lứa đó. Nhiều gia đình quyết tâm dồn tiền gửi con sang Thụy Sĩ học ngành này. Anh Thân lại làm khác, khuyến khích và đầu tư cho cháu họ từ Việt Nam sang Australia học ngành mầm non. Hè năm nay, tôi tình cờ gặp cô cháu họ của anh Thân sang Hà Lan thăm bác. “Học ngành mầm non ở Australia có khó lắm không cháu?”, tôi hỏi.
Cô gái đang ngồi tỉ mẩn gấp đồ chơi cho trẻ con, hồn nhiên kể: “Đào tạo ngành mầm non bên đó chỉ trong vòng 2 năm nhưng lịch học rất nặng. Cháu xin học thành 3 năm để lịch lên giảng đường giãn bớt, dễ tiếp thu hơn. Bác Thân bảo bây giờ sư phạm đang ế nhưng vài năm nữa thiếu trầm trọng cho mà xem, đặc biệt nghề giáo viên mầm non”.
Anh Thân nghe cháu họ nói vậy thì cười cười, bảo tôi: “Cứ đổ xô học ngành quản trị khách sạn nhà hàng rồi vài năm nữa lại thừa. Làm nghề đừng chạy theo mốt. Hồi tôi mới sang Hà Lan, đồng hương cứ khuyên ôm chảo làm công cho nhà hàng, không lo đói. Tôi sẵn nghề thợ xây rồi, làm đúng sở trường vẫn hơn chứ”