Vì vậy, TPHCM đã mở rộng xúc tiến giao thương với các tỉnh, thành để tạo thành chuỗi liên kết, ổn định đầu ra.
Giá cao, nguồn hàng không ổn định
Theo Sở NN-PTNT TPHCM, năm 2017, diện tích trồng lan trên địa bàn TP khoảng 360ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh, sản lượng cung ứng khoảng 7 triệu chậu và gần 70 triệu cành, với nhiều chủng loại như mokara, dendrobium, lan rừng ngọc điểm, hồng ngọc…, đạt giá trị hơn 615 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2020, diện tích trồng lan tăng lên khoảng 400ha, năm 2025 đạt 550ha và năm 2030 khoảng 600ha; trong đó, chủ yếu tập trung phát triển lan cắt cành.
Bà Đặng Lê Thị Thanh Huyền, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Hoa lan Huyền Thoại, cho hay nhờ khí hậu thuận lợi và được sự hỗ trợ kỹ thuật từ nhiều sở, ngành nên diện tích lan cắt cành của TPHCM ngày càng tăng, năng suất cao. Đặc biệt, chất lượng lan cắt cành vượt trội nên được nhiều người biết đến, HTX trở thành nhà phân phối đến nhiều thị trường trong và ngoài nước. Qua khảo sát nhiều địa phương, khu vực, HTX Hoa lan Huyền Thoại nhận thấy phần lớn chưa trồng, hoặc trồng rất ít lan cắt cành, nên phụ thuộc vào nguồn cung từ TPHCM. Trong khi đó, diện tích trồng lan của HTX chỉ là con số nhỏ, còn sản phẩm của những hộ trồng lan trên địa bàn TPHCM phần lớn do thương lái bao tiêu. Vì không có hợp đồng nên thương lái mua giá khá bấp bênh, thậm chí giá rất thấp, nhưng khi vận chuyển đến các địa phương thì lại bán với giá cao, hoặc rất cao.
Theo Công ty cổ phần Vườn Mơ (TPHCM), khảo sát các cửa hàng bán lan cắt cành ở nhiều tỉnh cho thấy cành lan có màu sắc không đẹp, ít bông. Các cửa hàng này cho biết nguồn hàng do thương lái lấy từ TPHCM, Tây Ninh cung cấp. Nếu đến TPHCM mua trực tiếp số lượng ít thì tốn chi phí vận chuyển nên lợi nhuận cũng không được bao nhiêu, trong khi vào mùa lễ, tết càng khan hiếm nguồn hàng. Vì vậy, dù biết chất lượng kém nhưng do không có nhà cung cấp khác nên các cửa hàng buộc phải nhận.
Theo một chuyên gia, lan cắt cành vốn dĩ phải trồng dưới đất, nhưng vùng đồng bằng sông Cửu Long thường nền đất thấp, dễ bị đất ướt, ngoài ra còn có “mùa nước nổi”, không thuận tiện để phát triển diện tích trồng lan cắt cành, chỉ có thể trồng được lan chậu. Các tỉnh miền Trung tuy phù hợp thời tiết và thổ nhưỡng, có thể mở rộng diện tích, nhưng hàng năm có mùa mưa bão luôn đe dọa. Do vậy, TPHCM có thể tận dụng lợi thế điều kiện tự nhiên của mình để liên kết với các tỉnh, tạo thành chuỗi tiêu thụ ổn định cho người nông dân, hướng đến mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhân cơ hội này, có thể hướng đến giảm sản lượng chăn nuôi (heo, bò) nhằm bảo vệ môi trường.
Sẽ có festival hoa nhiệt đới
Ông Trần Tấn Quý, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, cho biết vừa qua sở này đã tổ chức xúc tiến với TP Cần Thơ để mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua khảo sát, tại khu vực miền Tây, lan cắt cành có giá bán quá cao, hàng hóa thiếu, chất lượng kém. Qua hội nghị xúc tiến đã tạo cơ hội cho các nhà vườn, HTX có thể ký kết trực tiếp với các tỉnh, cửa hàng để cung cấp giá mềm, sản lượng ổn định, hướng đến hợp tác lâu dài. Đồng thời, sở cũng lấy ý kiến các nhà vườn, HTX, doanh nghiệp để có chủ trương, giải pháp xúc tiến thêm nhiều địa phương khác. Sắp tới, sở dự kiến tổ chức festival hoa để thông qua đó tạo cơ hội quảng bá lan cắt cành.
Theo ông Trần Trường Sơn, Hội Nông dân TPHCM, chỉ có 2 địa phương trồng được lan cắt cành nhiều nhất là TPHCM, Tây Ninh, còn lại phải nhập từ nhiều nước. Hiện nay, các nhà vườn chưa chủ động tìm kiếm thị trường, chỉ trông chờ thương lái. Các nhà vườn nhỏ nên liên kết với nhau để cung cấp sản lượng ổn định, kiềm chế được cung - cầu nhằm ổn định giá. Đồng thời, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) TP, Sở Công thương, Sở NN-PTNT, Sở Du lịch cần thường xuyên tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến thương mại để lan cắt cành có điều kiện mở rộng thị trường, đạt giá trị cao.
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, cho biết thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp ngành hoa cây kiểng, ITPC đã tổ chức kết nối hơn 60 doanh nghiệp, cửa hàng bán hoa, tiểu thương với các trang trại và hộ nông dân trồng kiểng. Đồng thời hàng năm tổ chức các hội chợ triển lãm thương mại ở miền Bắc, miền Trung, mở rộng thêm thị trường Lào, Campuchia, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân, nhà vườn; từ đó trở thành đầu mối uy tín kết nối với chợ, cửa hàng, siêu thị không thông qua thương lái. Từ phản hồi của thị trường, những năm qua, nông dân đã tăng cường kỹ thuật tạo ra được giống chất lượng, phù hợp với khí hậu TPHCM. Dự kiến năm nay, ngày hội hoa kiểng sẽ tăng cường thêm lan cắt cành, tạo thế mạnh cho lan mokara, dendrobium, vũ nữ có thể cạnh tranh với giống lan từ nước ngoài.
Theo nhận xét của chuyên gia, tại những nước như Nhật Bản, Trung Quốc…, việc xúc tiến thị trường do hiệp hội đứng ra làm. Hiệp hội có chức năng nắm các vai trò sản xuất, đảm bảo đầu ra thị trường. Nhà nước có nhiệm vụ đưa ra các chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ. Hiện tại, sở ngành làm vai trò xúc tiến nhưng không thể đi đến tận các cửa hàng, chợ mà chỉ gửi thư mời thương nhân đến họp, điều này khiến nhiều người không mặn mà quan tâm. Đó là làm cách làm ngược. Dự kiến TPHCM sẽ tổ chức festival hoa (nhiệt đới), dựa trên nền tảng đó tăng cường quảng bá lan cắt cành, giúp tăng giá trị sản phẩm, thu hút các cửa hàng, thương nhân ở các tỉnh biết đến.