Mối bận tâm hàng đầu của cử tri Romania

Chủ nhật 11-12, cử tri Romania đi bầu cử Quốc hội. Về lý thuyết, cuộc bỏ phiếu là cơ hội để người Romania tẩy chay các chính trị gia tham nhũng, vấn nạn vốn ăn sâu vào các tầng lớp chính trị. Báo chí đồng loạt nhắc lại sự kiện tháng 11-2015, hàng chục ngàn người Romania đã xuống đường phản đối, và cuối cùng đã buộc được Thủ tướng đảng Xã hội Dân chủ (PSD) Victor Ponta phải từ chức.

Theo Le Figaro, năm đó, các cuộc biểu tình diễn ra sau vụ cháy một hộp đêm ở Bucharest và giết chết 64 người. Người biểu tình tố cáo tham nhũng tràn lan khiến, theo quan điểm của họ, các nhà chức trách bỏ qua  mọi tiêu chuẩn an toàn. Thủ tướng Victor Ponta, bản thân cũng đang dính vào các thủ tục pháp lý liên quan tới trốn thuế và rửa tiền, đã chịu trách nhiệm về tai nạn này. Đất nước từ đó đã được dẫn dắt bởi cựu Ủy viên châu Âu Dacian Ciolos và một chính phủ kỹ trị. Trong suốt chiến dịch tranh cử lần này, người đứng đầu chính phủ trung hữu Klaus Iohannis tuyên bố sẽ gạt khỏi danh sách bộ trưởng tương lai “bất cứ ai gặp rắc rối với pháp luật”. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Romania Ana Oyilia Nutu, “các chính trị gia tham nhũng nhất đều thuộc PSD”, và nếu lần này PSD giành được đa số, tổng thống sẽ rất khó khăn khi muốn bổ nhiệm một thủ tướng không phải người của PSD. Thật vậy, theo quy định, Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng Chính phủ dựa trên việc tư vấn của đảng chiếm đa số trong quốc hội.

Với lần bầu cử này, phong trào dân sự “Initiativa Romania”, được hình thành sau sự cố cháy vũ trường ở Bucharest, đã công bố một bản hướng dẫn điểm mặt các ứng cử viên. Trong số 746 ứng cử viên có cơ hội để vào Thượng viện hoặc quốc hội, tổ chức này đã lọc ra 352 ứng cử viên “có nguy cơ”, chủ yếu thuộc ba đảng chính trong nước: đảng Dân chủ Xã hội (PSD), đảng Dân tộc tự do (PNL) và Liên minh cứu rỗi Romania (USR), một hình thức khác của trung hữu. Những ứng viên “có nguy cơ” này được xếp từ mức vi phạm nhỏ đến lớn. Ví dụ như Chủ tịch PSD, Liviu Dragnea, người đang chạy một ghế đại diện vùng Teleorman, đã bị kết án 2 năm tù treo năm 2016 vì tội gian lận bầu cử. Ông này cũng bị tuyên tội đồng lõa và lợi dụng quyền lực. Còn cựu Thủ tướng bị lật đổ Victor Ponta cũng đang tìm kiếm lá phiếu của cử tri khu vực Gorj, dù ông Ponta đã bị kết án với 17 tội danh, bao gồm cả trốn thuế và rửa tiền.

Trước một cử tri thất vọng, trong đó có chưa tới phân nửa cử tri dự kiến ​​sẽ bỏ phiếu theo các cuộc thăm dò, thì PSD lại đang được ủng hộ hơn cả, nhận được 40% số cử tri được hỏi ủng hộ, so với 35% cho hai đảng trung hữu là PNL và USR. Tuy nhiên, một luật từ năm 2001 nghiêm cấm bất cứ người nào bị tòa án kết án trở thành bộ trưởng. Quy định này, nếu được áp dụng, sẽ ảnh hưởng tới chủ tịch của PSD, Liviu Dragnea, bị kết án hai năm tù treo về tội gian lận bầu cử. Chiến dịch tranh cử, bị chi phối bởi các vụ án tham nhũng, là dịp để các ứng viên trổ tài hứa hẹn. Hầu hết cam kết sẽ có sự tăng đột biến trong tiền lương và lương hưu, giảm thuế mạnh. Thoát khỏi suy thoái nhờ chương trình thắt lưng buộc bụng kéo theo việc cắt giảm 25% lương trong khu vực công, Romania đặt mục tiêu tăng trưởng 4,8% trong năm nay. Mức lương trung bình là 470 EUR/tháng và gần 1/4 dân số sống dưới mức nghèo khổ. Khoảng 3 triệu người Romania, trong tổng dân số 20 triệu người, đã rời đất nước để làm việc ở nước ngoài.

Việt Khuê

Tin cùng chuyên mục