Trong chương trình Lời vàng cho con do Công ty Hội thảo Việt tổ chức tối 4-6, chị Phan Hồ Điệp - mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam - liên tục khẳng định: “Nam chỉ là một đứa trẻ bình thường, như bao đứa trẻ khác, cũng như con bạn luôn có thể tạo nên điều diệu kỳ”.
Giao lưu tại chương trình Lời vàng cho con
Đừng bắt cá phải leo cây
Chị Võ Nguyễn Thanh Trà (quận 8) luôn mong muốn con trai 5 tuổi của mình trở thành giống như… Đỗ Nhật Nam. Chị tìm kiếm khắp trên internet những phần mềm, giáo trình, cách thức rèn luyện tiếng Anh cho trẻ nhỏ, chị còn thuê cả gia sư kèm cặp bé. Chị tâm sự: “Phải tranh thủ trang bị mọi thứ cho con trước khi vào lớp 1”. Sau một thời gian cứ đổi hết cô sinh viên nọ đến trung tâm kia, nhưng bé vẫn không tiến bộ như kỳ vọng của chị. Ông bà xót cháu nên khuyên chị, đừng vội vì cháu vẫn còn nhỏ. Riêng vợ chồng chị lại nghĩ, có rất nhiều đứa trẻ bằng tuổi con mình học rất tốt tiếng Anh, tại sao con mình lại không.
Tham dự chương trình Lời vàng cho con, chị Trà chia sẻ: “Tôi từng đọc nhiều bài báo về cách dạy con của chị Điệp, nhưng khi trực tiếp tham dự buổi chia sẻ về cả một hành trình nuôi dạy con tôi mới hiểu ra nhiều điều”. Chị Điệp mỉm cười chia sẻ rằng: “Tôi cho rằng mỗi đứa trẻ đều là một hạt giống tốt lành, một điều kỳ diệu mà các anh chị đang may mắn có được, hãy tận hưởng niềm vui ấy và yêu thương đúng cách để những hạt giống ấy nảy mầm thật tươi tốt, rồi bạn sẽ thấy được điều diệu kỳ, theo cách mà con bạn có thể làm được”.
Liên tục khẳng định: “Nam cũng là một đứa trẻ bình thường như bao đứa trẻ khác”, chị Điệp nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh rằng: “Mọi đứa trẻ đều có thể tài giỏi và hạnh phúc nếu chúng được phát huy khả năng thực sự của mình”. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngoại trừ 40% nhân tố di truyền, sự phát triển trí não của bé còn phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng, cách nuôi dạy của cha mẹ, sức khỏe, tâm lý và môi trường. Ngoài ra, theo học thuyết trí thông minh đa chiều được Howard Garner đề xuất lần đầu vào năm 1893, và theo Thomas Armstrong - Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu phát triển con người của Mỹ, mỗi bé sinh ra đều có 8 loại hình trí thông minh bao gồm: ngôn ngữ, logic toán học, thị giác - không gian, thính giác - âm nhạc, thể chất, tương tác, nội tâm và tự nhiên. Nghiên cứu này bác bỏ nếp nghĩ của nhiều phụ huynh cho rằng phải học giỏi toán, lý, hóa hay ngoại ngữ thì mới là một đứa trẻ thông minh. Và vì thế, không thể bắt buộc một đứa trẻ thông minh ngôn ngữ phải giỏi toán học và ngược lại cả, điều đó chẳng khác nào ép buộc một con cá phải biết leo cây.
Để tạo nên một đứa trẻ tài giỏi
Giáo dục của gia đình, đặc biệt là trong những năm tháng đầu đời, đóng vai trò cực kỳ quan trọng để hình thành tư duy và nhân cách trẻ. Chị Phan Hồ Điệp đã phác họa sơ nét “giáo án” của chị dành cho Nam từ những tháng đầu tiên trong bụng mẹ. Trong thời kỳ thai giáo, chị có thời gian biểu cụ thể để trò chuyện, giao tiếp thường xuyên với thai nhi. Trước khi trở thành một nhà hùng biện, Nhật Nam từng là một đứa trẻ nhút nhát. Chị Điệp đã thiết kế trong nhà một sân khấu nhỏ, có bục, màn che và cả ghế dành cho khán giả. Hàng ngày, Nam lên sân khấu kể cho bố mẹ những câu chuyện mình thích hoặc vừa đọc được. Đây có lẽ là cách để một Nhật Nam ngày hôm nay tự tin bước ra những sân khấu lớn. Chị Điệp cũng chia sẻ với nhiều ông bố bà mẹ đang phải bộn bề mưu sinh, có thể họ không có nhiều thời gian bên con - nhất là trong khoảng thời gian vàng (từ 0 - 6 tuổi), vì thế các bậc phụ huynh nên đặt chất lượng làm yếu tố hàng đầu, tức là chơi với con, học cùng con được lúc nào thì hãy tận dụng lúc ấy, tránh một thực trạng thường gặp hiện nay là trẻ ngồi chơi trò chơi một đằng, bố mẹ ngồi xem ti vi một nẻo.
Những ứng dụng học tập hiện đại trên điện thoại hay máy tính vẫn có thể áp dụng, tuy nhiên khi lựa chọn bất cứ phương pháp giáo dục phát triển trí tuệ nào, các bậc phụ huynh cũng luôn phải là người hướng dẫn và giám sát, để từ đó nhận thấy được sở trường sở đoản của con. Một trong những băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh là khi trẻ càng lớn, càng có xu hướng tách biệt khỏi bố mẹ. Nhiều trường hợp trẻ gặp phải vấn đề lớn ở trường hay ngoài xã hội nhưng bố mẹ lại là người biết sau cùng. Là một bà mẹ có con đi học xa nhà, chị Điệp đã chia sẻ rằng: “Cha mẹ nên xem trẻ là một người bạn thực sự của mình. Hãy dành thời gian tìm hiểu thử xem trẻ đang quan tâm đến điều gì. Hãy khiến bạn trở thành người trẻ muốn chia sẻ một thành tích, một chuyện vui hay một sự cố cần được giúp đỡ, để dẫu đứa trẻ ấy có trưởng thành và đi xa đến đâu thì nhà vẫn là nơi chốn hạnh phúc để chúng trở về”.
NHƯ Ý