Gia Quyền - Vietcombank

Mối liên kết mang nhiều lợi ích cho nhà đầu tư

Ông Đào Minh Tuấn, Phó TGĐ Vietcombank:
Mối liên kết mang nhiều lợi ích cho nhà đầu tư

CTCP CK Gia Quyền (EPS) vừa ký hợp đồng hợp tác phát triển dịch vụ quản lý tiền của nhà đầu tư (NĐT) với Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank). Việc hợp tác này mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho NĐT trong giao dịch CK tại EPS. Khách hàng của EPS có thể vay cầm cố CK hạn mức tối đa lên đến 5 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi.

Thuận lợi cho khách hàng

Mối liên kết mang nhiều lợi ích cho nhà đầu tư ảnh 1
Tại lễ ký kết hợp tác giữa EPS và Vietcombank. Ảnh: Quang Linh

Trước đây NĐT muốn giao dịch CK thì phải đến các CTCK để mở tài khoản, nay NĐT ngoài việc mở tài khoản tại sàn EPS hoặc mở trực tuyến trên www.eps.com.vn, còn có thể mở tài khoản tại các điểm giao dịch trên toàn hệ thống của Vietcombank tại TPHCM.

Trong thời gian tới, EPS và Vietcombank sẽ tiếp tục triển khai việc mở tài khoản giao dịch trên toàn hệ thống Vietcombank trong cả nước. EPS là CTCK đầu tiên kết nối trực tuyến thành công với tài khoản tiền sử của NĐT, được quản lý tại Vietcombank.

Bà Lê Minh Ngà, Giám đốc tài chính EPS, cho biết những khách hàng đã có tài khoản tiền gửi tại Vietcombank (bao gồm cá nhân, tổ chức, trong nước, nước ngoài) đều có thể giao dịch CK qua EPS.

Ông Trần Hoài Phương, Quyền Tổng giám đốc EPS, khẳng định “Lễ ký kết đánh dấu sự hợp tác lâu dài giữa EPS và Vietcombank nhằm mang lại tiện ích tốt nhất cho khách hàng. Đồng thời đây cũng là một bước đi sớm của EPS so với các CTCK khác nhằm thực hiện Quyết định 27 của Bộ Tài chính về việc ngân hàng quản lý tài khoản tiền của NĐT CK”.

Việc hợp tác này mang lại lợi ích cho cả 3 bên: NĐT, Vietcombank và EPS. Đối với NĐT, ngoài việc mở tài khoản giao dịch CK rất tiện lợi, nộp, rút tiền trên toàn hệ thống Vietcombank (kể cả hệ thống ATM), họ còn được hưởng tất cả những lợi ích ưu đãi của Vietcombank, như được hưởng lãi không kỳ hạn khi tài khoản còn số dư, vay thấu chi, tín chấp….

NĐT còn yên tâm về tài sản của mình khi được một tổ chức kinh doanh tiền tệ chuyên nghiệp quản lý. Đối với Vietcombank, sẽ có thêm nhiều khách hàng mới với số dư tài khoản tương đối lớn và sẽ dựa trên cơ sở này để phát triển các nghiệp vụ khác phục vụ khách hàng. Đối với EPS, công ty sẽ tập trung phát triển các nghiệp vụ chuyên môn về môi giới, đồng thời chứng minh việc công khai và minh bạch trong quản lý tiền của NĐT.

Tại buổi lễ ký kết, bà Lê Minh Ngà, Giám đốc tài chính của EPS, đã thông báo những tiện ích mà EPS dành cho khách hàng của mình về dịch vụ cầm cố và ứng trước với nhiều ưu đãi. Cụ thể: Mỗi khách hàng có thể cầm cố CK lên đến 5 tỷ đồng và trên 45% thị giá CP với lãi suất 1,12%/tháng. Khách hàng có thể ứng trước khoản vay qua điện thoại hoặc trực tuyến, có tiền ngay trong phiên sau khi có khớp lệnh bán CK.

Ngay từ khi mới thành lập, EPS đã chú trọng phát triển mảng dịch vụ môi giới theo hướng giao dịch trực tuyến dựa trên nền tảng công nghệ cao. Việc tiên phong liên kết với ngân hàng để quản lý tài khoản tiền của NĐT cũng nhằm tạo tiền đề cho EPS phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng giao dịch trực tuyến.

EPS đang thực hiện nhiều dịch vụ hỗ trợ khách hàng như vào mỗi buổi sáng, trước giờ giao dịch, EPS đưa ra những nhận định cho NĐT về các loại CP trên thị trường. EPS cũng có những bảng phân tích kỹ thuật và phân tích sâu để NĐT tham khảo.

Đặc biệt với dịch vụ ứng trước online khách hàng có tiền ngay trong phiên. EPS đã giúp NĐT dễ dàng hơn trong việc xoay vòng vốn . Trong thời gian tới, nếu NĐT có yêu cầu, nhân viên tư vấn của EPS sẽ dành thời gian để tư vấn riêng theo từng yêu cầu của khách hàng.

Theo ông Lê Nhị Năng, Phó Tổng giám đốc HOSE, với việc EPS ký đối tác với Vietcombank sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho khách hàng trong việc giao dịch CK tại EPS. Thông qua việc ký kết với Vietcombank, EPS đã tận dụng lợi thế của một ngân hàng thương mại Việt Nam đi đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các hoạt động kinh doanh để phục vụ NĐT.

Ngoài ra, với dịch vụ Vietcombank - Securities - Online, Vietcombank sẽ quản lý tiền của NĐT một cách tập trung, tận dụng mạng lưới giao dịch rộng rãi để phục vụ mọi nhu cầu như nộp, rút tiền mua bán CK, chuyển tiền, tham gia đấu giá, nhận cổ tức, tiết kiệm đáng kể chi phí, đảm bảo giao dịch diễn ra nhanh chóng và chính xác.

Ngoài ra, NĐT của EPS còn được hưởng các chính sách ưu đãi, các dịch vụ và tiện ích khác mà Vietcombank đang cung ứng. Ôâng Đào Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, khẳng định: Với phương châm cùng hợp tác, cùng phát triển, Vietcombank sẽ đồng hành cùng EPS để phục vụ NĐT tốt nhất.

Tính đến nay, EPS đã kết nối thành công với 2 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Đông Á và Vietcombank. Ông Phương cho biết trong thời gian tới EPS sẽ tìm kiếm, tạo sự liên kết với các ngân hàng khác có mạng lưới giao dịch rộng để liên thông, liên kết phục vụ NĐT tốt nhất.

Ông Đào Minh Tuấn, Phó TGĐ Vietcombank:
 
Vietcombank đánh giá cao CTCP CK Gia Quyền (EPS) về đội ngũ cán bộ, nhân viên rất năng động, am hiểu nghiệp vụ; cơ sở hạ tầng dịch vụ tốt. Chỉ trong một thời gian ngắn, EPS đã cùng Vietcombank triển khai thành công dịch vụ kết nối trực tuyến phục vụ NĐT. Đây là CTCK đầu tiên tại Việt Nam thực sự có khả năng kết nối  liên thông trực tuyến với tài khoản tiền của NĐT tại các tài khoản NĐT mở tại Vietcombank. Vietcombank cam kết sẽ tiếp tục đầu tư vào nguồn lực cũng như phối hợp chặt chẽ với EPS nhằm nâng cao, phát triển, cũng như gia tăng các dịch vụ tiện ích cho khách hàng của cả hai bên.

Các dịch vụ phục vụ NĐT

Theo hợp đồng đã ký kết thì Vietcombank sẽ cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản tiền giao dịch CK của NĐT tại CTCP CK Gia Quyền (EPS) trong các phạm vi: dịch vụ lưu ký CK cho NĐT nước ngoài; thanh toán tiền mua, bán CK; nhận, chuyển tiền và hoàn trả tiền đặt cọc đấu giá CK; nhận tiền trúng đấu giá CK; thực hiện quyền mua CP khi tổ chức phát hành phát hành CP mới cho cổ đông hiện hữu; trả cổ tức; thu phí giao dịch CK theo quy định của CTCK; truy vấn thông tin tài khoản thông qua hệ thống của ngân hàng hoặc hệ thống truy vấn của CTCK; hỗ trợ mở tài khoản CK của NĐT với EPS. 

Thái Phương

Tin cùng chuyên mục