Mối lo môi trường vẫn rất lớn

Trong đánh giá mới đây của Liên hiệp quốc, các nhà khoa học cho rằng, nếu tăng trưởng kinh tế 1% nhưng không kèm theo các biện pháp bảo vệ môi trường (hay còn gọi là tăng trưởng nóng, tăng trưởng không bền vững), hậu quả về ô nhiễm môi trường kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm 5%.

Những ngày này, thủ đô Bắc Kinh và hàng loạt thành phố khác ở Trung Quốc liên tục ở vào tình trạng báo động cao về ô nhiễm không khí. Đây là hậu quả của chính sách phát triển nóng một thời kéo dài bất chấp Chính phủ Trung Quốc đã tập trung nhiều biện pháp quyết liệt, kể cả kéo giảm độ tăng trưởng. Việc sử dụng than và dầu trong nền kinh tế vẫn tăng dù cho tốc độ có giảm hơn trước.

Tại Mỹ, dưới thời Tổng thống Barack Obama, chính sách phát triển năng lượng tái tạo được chú trọng, tạo bước phát triển mới và Washington giờ đây tự tin hơn khi tuyên bố sẵn sàng cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, ngành khai thác năng lượng hóa thạch ở Mỹ không vì thế phải chấp nhận thua thiệt. Quyết định của Quốc hội Mỹ cho phép nước này xuất khẩu dầu sau nhiều thập niên được đánh giá sẽ tăng tốc ngành khai thác dầu khí. Có thể, nước Mỹ sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch nhưng Mỹ sẽ đẩy nhiều nước khác vào thế chỗ bằng việc xuất khẩu dầu. Đó cũng là cách mà các tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Mỹ muốn bù đắp thiệt hại khi Mỹ cắt giảm khí thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Vấn đề là việc tăng cường khai thác dầu khí tại Mỹ để xuất khẩu cũng có thể đặt ra nguy cơ cao về môi trường ngay tại nước này. Theo báo Christian Science Monitor, lượng khí phát thải methane rò rỉ từ các hoạt động sản xuất và tích trữ dầu và khí đốt của Mỹ đang tăng lên. Một vụ rò rỉ khí đốt tự nhiên kéo dài từ tháng 10-2015 cho tới nay khiến hàng ngàn người tại bang California phải sơ tán. Cục Hàng không liên bang Mỹ cũng đã phải hạn chế máy bay ngang khu vực miền Nam California. Ngày 23-10, Công ty khí đốt Nam California (SCG) phát hiện rò rỉ khí từ kho lưu trữ ở Aliso Canyon trong vùng núi Santa Susana thuộc thung lũng San Fernando. Lúc cao điểm vào cuối tháng 11-2015, rò rỉ từ kho chứa khí đốt ngầm lớn thứ năm ở Mỹ đã phát thải 58 tấn methane/giờ, theo ước tính sơ bộ từ Ban kiểm soát tài nguyên không khí bang California. Đến giữa tháng 12-2015, con số này đã giảm xuống còn 36 tấn methane/giờ. Do khí methane nhẹ hơn không khí, gió trong khu vực này có thể di chuyển một phần chất khí vào các khu vực đông dân cư. Nhiều người dân đã bị bệnh do hít phải khí methane. Cho đến nay, SCG đã di dời hơn 2.000 hộ gia đình và đang chuẩn bị di dời tiếp 2.600 hộ khác.

Hậu quả của việc rò rỉ khí phát thải nhà kính này ở bang California có thể so sánh với việc thêm 7 triệu xe lăn bánh trên đường. Nguy hiểm hơn nữa là khi khí methane rò rỉ ra ngoài gặp không khí nóng hay tia lửa có thể gây cháy nổ. Điều đáng nói là Mỹ chỉ có quy định về an toàn trong việc khai thác, vận chuyển và lưu trữ khí đốt trên bề mặt, các quy định an toàn về việc rò rỉ khí đốt tại các kho lưu trữ ngầm (tự nhiên và nhân tạo) đều chưa có.

Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu toàn cầu (COP21) đạt được thỏa thuận cắt giảm khí thải nhằm khống chế nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2oC. Trong khi chờ thỏa thuận đi vào hiệu lực, thế giới tiếp tục chứng kiến nhiều thảm họa môi trường từ cả nước đang phát triển và nước phát triển. Điều đó cho thấy chưa bao giờ việc bảo vệ môi trường mang tính chất cấp bách như hiện nay.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục