Cư dân xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè, TPHCM) than phiền: Cầu Phước Lộc đã được thi công giữa chừng rồi bỏ dang dở suốt hơn 2 năm nay. Hai trụ cầu đã cắm giữa con rạch lớn, một phần mặt cầu vươn ra chổng chơ sắt thép.
Công trình cầu Phước Lộc bỏ dang dở, ngổn ngang với hai nhịp chỏng chơ giữa sông
4 năm trước, tháng 6-2012, Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 (Sở Giao thông Vận tải TPHCM) khởi công xây dựng cầu Phước Lộc. Cầu nằm trên tuyến đường Đào Sư Tích bắc qua rạch Cây Khô, nối xã Phước Lộc với xã Phước Kiển để vào trung tâm thành phố. Cầu dài 386m, rộng 10,5m, tổng kinh phí đầu tư toàn dự án trên 335 tỷ đồng. Theo kế hoạch phê duyệt, cầu sẽ hoàn thành sau 17 tháng thi công. Đây là cây cầu mà người dân Phước Lộc mơ ước từ bao đời nay. Khi thông cầu sẽ thông đường, Phước Lộc không còn bị cách trở, có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Vậy mà rồi công trình bị bỏ dang dở. Bà Phan Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho biết: “Mỗi lần đại biểu dân cử tiếp xúc cử tri, hay có dịp gặp cán bộ cấp trên, các cán bộ xã Phước Lộc đều nêu kiến nghị sớm tiếp tục thi công để đưa cầu Phước Lộc vào sử dụng. Xã có gần 10.000 dân nhưng có một nửa số dân, thuộc ấp 1 và 3, ở bên kia rạch Cây Khô. Trong khi cơ quan hành chính và các trường tiểu học, trung học cơ sở đóng dọc theo đường Đào Sư Tích, bên này con rạch. Do vậy, hàng ngày các học sinh phải theo bến đò ngang sang bên này đi học. Xã không có trường trung học phổ thông nên các học sinh trung học phải sang xã Phước Kiển để học. Để đảm bảo cho các cháu đến trường an toàn, lãnh đạo xã thường xuyên đi thực tế kiểm tra bến bãi, phương tiện. Những hôm mưa lớn, phương tiện bị hư hỏng, cán bộ xã phải thay mặt phụ huynh lên trường xin các thầy cho các cháu được đến lớp muộn”.
Về nguyên do công trình cầu Phước Lộc bị bỏ dở dang, theo UBND huyện Nhà Bè, công trình đã thi công được 40% khối lượng, nhưng tạm ngưng vì 84 hộ dân nằm trong khu vực giải tỏa chưa nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Trong đó, xã Phước Kiển có 33 hộ và xã Phước Lộc có 51 hộ, với tổng kinh phí đền bù 82 tỷ đồng. Huyện đã trình phương án đền bù mới, nếu thành phố thông qua thì huyện sẽ tiến hành chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công.
Như vậy, công trình cầu Phước Lộc bị ngưng giữa chừng là do cách làm ngược quy trình, thi công trước, giải phóng mặt bằng sau. Giữa năm 2012, cầu được chủ đầu tư khởi công xây dựng. Gần một năm sau, huyện mới trình phương án đền bù, giải phóng mặt bằng. Giá đền bù không sát thực tế, không được cấp trên phê duyệt, nên người dân ở đó không đồng ý giao đất cho công trình. Vì thế, phần trụ cầu ở giữa rạch đã làm xong nhưng không có mặt bằng để thi công mố và đường dẫn nên phải ngưng lại.
Bao giờ cầu Phước Lộc được thi công trở lại vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Phước Lộc vẫn đang bị cô lập do địa hình bị chia cắt bởi sông rạch. Phước Lộc chỉ cách trung tâm thành phố chừng 14km nhưng nay vẫn là xã thuần nông, kinh tế chậm phát triển. Do không có đường giao thông nên nhiều hộ ở ấp 1 và 3 vẫn còn phải dùng xuồng ghe để đi lại.
TRẦN YÊN