(SGGP).- Tại buổi gặp với Hội Công nghệ gỗ nhiệt đới quốc tế (ATIBT), ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cho biết, trước những quy định ngày càng khắt khe của các thị trường chính như Mỹ (đạo luật Lacey đang áp dụng), các nước EU (Flegt áp dụng từ năm 2013) về nguồn gốc gỗ hợp pháp, không chỉ có chứng chỉ rừng, mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nên việc tìm nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp từ các nước là đòi hỏi bức bách của các doanh nghiệp chế biến gỗ. Nhu cầu nhập khẩu gỗ nguyên liệu để chế biến xuất khẩu lên đến 4 triệu mét khối mỗi năm, khoảng 1 tỷ USD.
Do vậy, việc ATIBT đến, tìm hiểu và tiếp thị về nguồn gỗ nguyên liệu nhiệt đới cho thấy các tổ chức quốc tế đánh giá vị trí ngày càng cao của Việt Nam trên thế giới về ngành chế biến gỗ. Đây cũng là dịp các doanh nghiệp có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu khả năng cung cấp về nguồn gỗ nhiệt đới, đặc biệt là các nước châu Phi, vốn còn khá mới nhưng đầy tiềm năng đối với Việt Nam. Theo Hawa, hiện nay Việt Nam nhập khẩu gỗ chủ yếu tư các nước như Mỹ, New Zealand, Myanmar, Lào, Campuchia, Chile…
Theo Bộ Công thương, với việc xuất khẩu hơn 3,4 tỷ USD sản phẩm đồ gỗ chế biến trong gần 10 tháng qua (tăng gần 20%), dự báo năm 2012 có thể lên 4,6 tỷ USD. Ngành chế biến gỗ trở thành một trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực cả nước.
C.P.
Khu Nông nghiệp công nghệ cao: Đưa ra thị trường 54 tấn hạt giống
(SGGP).- Tại hội thảo Nông nghiệp công nghệ cao - hiện trạng và giải pháp, ông Từ Minh Thiện, Phó Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM (NNCNC) cho biết, dù mới đi vào hoạt động, các nhà đầu tư tại Khu NNCNC huyện Củ Chi đã tham gia thị trường 54 tấn hạt giống các loại như bầu, bí, rau, ớt, dưa leo, khổ qua, mướp, bí đao; hơn 1.500 lít chế phẩm sinh học, 720 tấn thành phẩm và 4.000 bình nấm linh chi kiểng, 30.000 túi meo giống nấm.
Các nhà đầu tư trong Khu NNCNC còn hỗ trợ trực tiếp sản xuất cho các cá nhân, tổ chức hướng dẫn quy trình sản xuất, cung cấp hạt giống, sau đó thu mua lại 4,7 tấn hạt giống, 107 tấn thành phẩm các loại như cà tím để xuất khẩu, dưa lưới, rau muống thủy canh; chuyển giao công nghệ cho 18 tổ chức, cá nhân và hỗ trợ cho 383 sinh viên đến thực tập từ các trường đại học.
M.Ha
Vinamilk xuất khẩu 138 triệu USD
(SGGP).- 138 triệu USD, tương đương 2.900 tỷ đồng là con số mà Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) xuất khẩu các sản phẩm như sữa bột trẻ em Dielac, bột dinh dưỡng, sữa đặc, sữa tươi, sữa đậu nành và nước trái cây Vfresh. So cùng kỳ 2011 tăng gần 46%. Với mức này, năm 2012 giá trị kim ngạch xuất khẩu của Vinamilk khoảng 180 triệu USD, tương đương 3.650 tỷ đồng. Như vậy, 3 năm liên tục từ 2009 đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân xuất khẩu 45%.
Sản phẩm Vinamilk hiện đã được xuất khẩu đến 23 quốc gia trong đó có Mỹ, Úc, Canada, Nga, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka, Philippines, các nước khu vực Trung Đông… Đây là những thị trường xuất khẩu chính, ổn định mà Vinamilk đã chinh phục được trong những năm qua bằng chính những sản phẩm chất lượng quốc tế.
Đ.C.P.