
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra báo cáo về cuộc chiến chống tham nhũng trên toàn cầu, cho thấy nạn hối lộ đang là căn bệnh trầm kha làm giảm sự phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, làm thất thoát 1.000 tỷ USD/năm. Trong khi đó, hàng tỷ người trên trái đất đang trải qua cuộc sống cực kỳ nghèo khó.
Báo cáo đánh giá hiệu quả quản lý của chính quyền và cuộc chiến chống tham nhũng tại 212 nước trên thế giới trong gian đoạn 1996 – 2006, dựa trên các số liệu của 30 tổ chức trên thế giới, với 6 tiêu chí là tiếng nói và trách nhiệm công dân, ổn định chính trị và ít bạo lực, hiệu quả của bộ máy công quyền, chất lượng các quy chế, vận hành Nhà nước pháp quyền và khả năng kiểm soát tham nhũng.

Nạn hối lộ “ngốn” của thế giới 1.000 tỷ USD/năm.
Đánh giá hiệu quả quản lý của chính quyền và cuộc chiến chống tham nhũng, báo cáo của WB cho biết châu Phi đã đạt được nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống tham nhũng mà điển hình là các nước Kenya, Niger, Sierra Leone, Algieria. Nhiều nước đang phát triển như Chile, Botswana, Costa Rica… còn được xếp hạng cao về hiệu quả của bộ máy công quyền hơn cả các nước công nghiệp hóa giàu có như Hy Lạp và Italia.
Tuy nhiên, theo báo cáo trên, tại Mỹ, tất cả tiêu chí đều giảm. Phần Lan, Ireland, Đan Mạch đứng đầu bảng xếp hạng về hiệu quả trong đấu tranh chống tham nhũng; trong khi Đan Mạch, Singapore và Ireland có các bộ máy công quyền được đánh giá là hiệu quả nhất. Công dân các nước Đan Mạch, Thụy Sĩ và Hà Lan được coi là những công dân có trách nhiệm và tiếng nói được chính quyền coi trọng nhất thế giới.
Tuy nhiên, báo cáo WB kết luận chất lượng trung bình trong việc điều hành bộ máy công quyền của các chính phủ trên thế giới đã không cải thiện được bao nhiêu trong thập niên qua và nạn tham nhũng, hối lộ vẫn đang hoành hành.
H.A. (Theo Guardian)