Nghiên cứu đã cảnh báo rằng, hoạt động mua bán vũ khí trực tuyến đang gia tăng và có nguy cơ tiếp tay cho hoạt động khủng bố.
Nhiều chủng loại
Đây là nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu về quy mô giao dịch bất hợp pháp các loại súng đạn và chất nổ trên chợ đen trực tuyến. Theo một người phát ngôn của Đại học Manchester, số liệu được thu thập từ hồi năm ngoái trên 12 cryptomarket - một loại chợ đen hội tụ nhiều đối tượng buôn bán và do các quản trị viên của chợ đen điều hành. Chợ đen trực tuyến tạo điều kiện cho các hoạt động buôn bán bất hợp pháp vũ khí cũng như các sản phẩm số hóa cung cấp hướng dẫn liên quan đến vũ khí và chất nổ tự chế. Nghiên cứu cũng cho thấy, chợ đen trực tuyến đang gia tăng hoạt động, như nhiều loại súng mới hơn hoặc có giá thấp hơn so với nguồn sẵn có trên đường phố hoặc chợ đen thông thường. Kiểu chợ đen này có nguy cơ trở thành nguồn cung cấp vũ khí cho những nhóm nhỏ như các băng đảng tội phạm hoặc các đối tượng khủng bố hoạt động theo hình thức “sói đơn độc”.
Các loại vũ khí được rao bán trên mạng
Trang tin New Scientist nhận định, nghiên cứu cũng đã cho thấy một thực trạng đáng báo động rằng Mỹ là điểm xuất hàng ưa thích của các tay buôn vũ khí đến các nước trên toàn thế giới và châu Âu chính là điểm thu lợi nhuận lớn nhất, với khoản tiền lời thu được cao gấp 5 lần so với việc bán tại Mỹ. Chính sự lỏng lẻo trong việc kiểm soát vũ khí ở Mỹ đã tạo thêm thuận lợi cho hoạt động mua bán trên các chợ đen trực tuyến. Tuồn vũ khí ra khỏi Mỹ vốn không phải chuyện đơn giản, nhưng các tay buôn lọc lõi đã sử dụng nhiều hình thức tinh vi. Chiến lược phổ biến nhất là tháo rời vũ khí thành nhiều phần, sau đó gửi đi trong các kiện hàng khác nhau. Một số bộ phận được nhét vào trong các vật dụng ít bị chú ý hơn như máy nghe nhạc cũ hoặc máy in để tránh phát hiện.
Theo Giáo sư Judith Aldridge thuộc Khoa Tội phạm tại Đại học Manchester, bất kỳ ai cũng có thể truy cập vào chợ đen trực tuyến và chỉ trong vài phút có thể tiếp cận với nhiều người bán hàng, trong đó chủ yếu hoạt động phi pháp. Chợ đen trực tuyến cho phép giao dịch bất hợp pháp ở mức độ toàn cầu, xóa bỏ khoảng cách địa lý giữa người bán và người mua, trong khi lại bảo mật thông tin cá nhân cho những đối tượng ẩn danh này. Những đặc điểm này khiến chợ đen trực tuyến trở nên hấp dẫn đối với nhiều người buôn bán các mặt hàng bất hợp pháp. Các trang web đen mua bán vũ khí vốn không thuộc danh mục cho phép của các nước sở tại. Cũng khó có thể tìm kiếm chúng trên Google hay các công cụ tìm kiếm khác. Nếu muốn sở hữu vũ khí, khách hàng phải tải những phần mềm giúp đăng nhập cũng như dễ dàng “vượt tường” để tham gia trên các trang web đen. Để tránh bị lần theo dấu vết, giao dịch trên các trang web đen có mua bán vũ khí thường sử dụng Bitcoin hoặc là một loại tiền ảo không thuộc sự phát hành của bất cứ tổ chức tín dụng hay ngân hàng nhà nước nước nào.
Tình hình bất ổn tại Trung Đông đã hình thành những chợ mua bán vũ khí hoạt động tấp nập. Các tổ chức thánh chiến tại Trung Đông đã sử dụng trang mạng xã hội Facebook như công cụ rao bán vũ khí hạng nặng. Các loại vũ khí được rao bán đa dạng, phong phú đủ chủng loại, thậm chí người mua có thể dễ dàng tậu cho mình một khẩu súng máy hạng nặng, tên lửa nhiệt vác vai và các loại vũ khí có sức công phá mạnh. Đây là các món vũ khí thường được lực lượng phiến quân với lối đánh du kích hay với các lực lượng khủng bố lựa chọn.
Theo cuộc khảo sát của New York Times và tổ chức nghiên cứu vũ khí về các vụ buôn bán vũ khí hạng nặng, phần lớn các loại vũ khí được rao trên mạng xã hội không đính kèm theo giá, mà thay vào đó, “hàng hóa” sẽ được người mua tự đề nghị mức giá, dẫn đến việc xuất hiện của các cuộc đấu thầu. Với cách thức mua này, vũ khí chống máy bay có thể bị đội giá lên tới hơn 65.000USD. Đa số các phi vụ buôn bán tập trung tại những TP lớn như Tripoli, Benghazi và Sabratha (Libya). Khách hàng chủ yếu trên thị trường chợ đen vũ khí trong độ tuổi 20-30. Khi thấy có mẩu quảng cáo vũ khí phù hợp với mục đích sử dụng, người mua sẽ nhắn tin hay liên lạc bằng số điện thoại cá nhân tới nhà cung cấp để trao đổi giá cả và phương thức giao hàng. Một nhóm buôn bán vũ khí trên Facebook có thể thu hút 400 - 14.000 thành viên gia nhập.
Nỗ lực ngăn chặn
Mối nguy hiểm từ các chợ đen này buộc trang mạng xã hội Facebook phải đưa ra một lệnh cấm các tổ chức buôn bán vũ khí trái phép trên mạng trá hình thành các nhóm xã hội để thực hiện giao dịch. Phía Facebook tuyên bố dỡ bỏ các bài đăng liên quan đến buôn bán vũ khí nếu như nhận được báo cáo từ phía người sử dụng. Tại trang chủ của một nhóm, đều có nút “report” (báo cáo), người sử dụng có thể ấn nút, sau đó thông báo sẽ được chuyển đến ban quản trị mạng. Dựa vào nội dung các bài viết đăng tải, ban quản trị sẽ quyết định phương thức xử lý thích hợp, ngăn chặn hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên, một số ý kiến đã cho rằng, lệnh cấm sẽ không phát huy được hiệu quả bởi nếu xóa được các trang web đen trên Facebook cũng không thể ngăn chặn việc các nhóm tội phạm, các tay súng thánh chiến tạo nhóm và rao hàng trực tiếp trên ứng dụng Messenger. Những hoạt động buôn bán kiểu này đã xuất hiện tại các khu vực xảy ra giao tranh như ở Iraq và Syria.
Giới chức trách Mỹ và châu Âu cũng đã thực hiện các hoạt động rà soát các trang web đen. Các nhà chức trách Mỹ và châu Âu đã bắt tay triển khai một chiến dịch truy quét lớn nhắm vào hoạt động buôn bán hàng cấm (ví dụ như ma túy, vũ khí và thông tin cá nhân nhạy cảm) đang bùng nổ trên các trang mạng trực tuyến. Cuối tháng 7 năm nay, Bộ Tư pháp Mỹ và Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) đã đóng cửa AlphaBay và Hansa, 2 thị trường bất hợp pháp khổng lồ trên web đen. Chỉ tính riêng AlphaBay đã có 200.000 khách hàng cùng hơn 40.000 người bán các mặt hàng cấm, khiến nó trở thành web chợ đen lớn nhất từng bị triệt hạ từ trước tới nay. Trang web này từng đạt 1 tỷ USD doanh thu và đang có 100.000 mục rao bán khi bị các cơ quan chức năng sờ gáy. Hansa là website chợ đen lớn thứ ba thế giới khi bị triệt hạ.
Sau những vụ tấn công khủng bố và xả súng hàng loạt, người dân châu Âu giờ đây phải qua kiểm tra y tế mới được cấp phép mua vũ khí. Việc mua bán trên mạng cũng sẽ bị khống chế. Các nước châu Âu buộc phải chia sẻ thêm thông tin về việc mua bán vũ khí nhằm đảm bảo những người chưa thực hiện các cuộc kiểm tra tại một nước thành viên sẽ không thể mua súng ở nơi khác trong EU.