Môi trường đầu tư Việt Nam hấp dẫn

Môi trường đầu tư Việt Nam hấp dẫn

Lần đầu tiên tham gia Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam mới hồi tuần rồi, trong phát biểu khai mạc ngắn của mình, ông Ajay Chhibber – Tân Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam mong muốn được nghe tất cả các ý kiến về những thử thách chính mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải.

Chia sẻ một số cảm nhận về môi trường đầu tư của Việt Nam và những khó khăn với con mắt của một người mới đến, ông đã bày tỏ sự vui mừng: Năm 2007 là một năm đáng ghi nhận của Việt Nam. Việc tham gia thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới chính thức vào ngày 11-1-2007 có lẽ là sự kiện quan trọng nhất kể từ VBF lần trước vào tháng 12-2006. Với tư cách thành viên này, Việt Nam đã là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn và phản ứng từ cộng đồng doanh nghiệp là rất tích cực.

Môi trường đầu tư Việt Nam hấp dẫn ảnh 1
Tại quày đặt lệnh mua bán chứng khoán của một công ty chứng khoán. Ảnh: ĐÀI TRANG

Ông Ajay Chhibber cho biết, trong báo cáo Triển vọng đầu tư Thế giới của UNCTAD, Việt Nam là địa điểm hấp dẫn đầu tư đứng thứ 6 trên thế giới theo đánh giá của các công ty đa quốc gia. Hội đồng Doanh nghiệp Châu Á cũng xếp Việt Nam thứ ba về hấp dẫn đầu tư đối với các tập đoàn Châu Á trong năm 2007 - 2009.

Những triển vọng này đã có ảnh hưởng trực tiếp lên FDI, với mức kỷ lục từ trước đến nay. Năm 2007, mức cam kết FDI dự kiến là 16 tỷ đô la Mỹ - khoảng 25% của GDP - nhưng điều đáng chú ý và cũng đáng mừng là đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ nhỏ hơn trong tổng đầu tư, điều đó có nghĩa là đầu tư tư nhân trong nước tăng mạnh.

Nhưng thử thách không chỉ là giữ vững đà phát triển này, mà phải bảo đảm rằng Việt Nam sẽ vẫn là địa chỉ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Thực hiện các cam kết WTO là một bước quan trọng và World Bank sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ trong công tác này. Những kết quả đạt được trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới có thể bị ảnh hưởng nếu có cảm nhận rằng Việt Nam không thực hiện những cam kết này.

Ông Ajay Chhibber nhận thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh từ việc tham gia WTO. Tuy nhiên, nếu có các biện pháp phòng ngừa phù hợp để giải quyết những khó khăn này, các doanh nghiệp có thể sẵn sàng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, một yếu tố quan trọng của khu vực tư nhân trong tương lai.

Ngoài những cam kết WTO, điều quan trọng là phải bảo đảm môi trường tốt nhất để tiếp tục tăng trưởng kinh tế. Ông Ajay Chhibber cho rằng có ít nhất ba vấn đề cần phải giải quyết. Đầu tiên là cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông và điện: Nhu cầu thì rất lớn, nếu không đáp ứng được nhu cầu này, đây sẽ là một trở ngại lớn cho phát triển kinh tế của Việt Nam. Và chỉ dùng nguồn tài chính ODA thì sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu này, cần có mối quan hệ đối tác công - tư để cùng đáp ứng nhu cầu này.

Trở ngại thứ hai là thủ tục quan liêu: Trong báo cáo “Môi trường kinh doanh 2008” của World Bank và Tập đoàn Tài chính Quốc tế, Việt Nam đứng thứ 91 trong số 178 nền kinh tế về mức độ thuận lợi kinh doanh, trong khi Trung Quốc đứng thứ 83 và Thái Lan thứ 15.

Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các nước láng giềng để tiếp tục thu hút FDI. Và vai trò của Chính phủ sẽ phải là cơ quan quản lý và khuyến khích, chứ không còn là người “sản xuất hàng hóa và dịch vụ” cho nền kinh tế. Nếu thực hiện vai trò này thì không chỉ Việt Nam là địa điểm hấp dẫn đối với FDI mà còn là điều kiện tốt để khu vực kinh tế tư nhân phát triển và thịnh vượng. World Bank khuyến khích Chính phủ Việt Nam tiếp tục nỗ lực tinh giản những yêu cầu hành chính cho các doanh nghiệp.

Ông Ajay Chhibber ngạc nhiên khi biết tỉnh Đồng Nai đã thu hút được 2,36 tỷ đô la Mỹ về FDI trong 11 tháng qua. Con số này gấp đôi con số dự kiến của tỉnh và chủ yếu là nhờ vào chính sách “một cửa”, giảm thời gian và nỗ lực mà doanh nghiệp phải bỏ ra để có được đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư và đăng ký thuế. Đây chỉ là một ví dụ, nhưng những nỗ lực như thế này cần được đẩy mạnh và nhân rộng.

Vấn đề thứ ba là nguồn nhân lực có trình độ: Theo ông Ajay Chhibber Việt Nam cần đầu tư và nâng cấp các cơ sở đào tạo đại học của mình. Điều này sẽ mở đường cho một nền kinh tế dựa trên tri thức và kỹ năng, giúp Việt Nam đạt được mức phát triển tiếp theo của mình là một nước có thu nhập trung bình. World Bank cũng biết rằng đây là một ưu tiên của Chính phủ Việt Nam và World Bank luôn sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong nỗ lực này.

Đó là những cảm nhận rất tinh tế về môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam. Điều quan trọng là không nên quên rằng Việt Nam đang phát triển rất tốt và nhiều cơ hội đang chờ đón.

Anh Khuê

Tin cùng chuyên mục