Môi trường văn hóa - nhiều điều cần làm

Môi trường văn hóa - nhiều điều cần làm

Sáng 3-12, tại Trường ĐH KHXH-NV TPHCM diễn ra cuộc hội thảo khoa học với chủ đề “Những định hướng chủ yếu tiếp tục phát triển nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới” do Hội đồng Lý luận Trung ương, ĐH KHXH-NV TPHCM tổ chức. Tham dự cuộc hội thảo có các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; GS-TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cùng đông đảo các nhà khoa học, đại diện các cơ quan, ban, ngành Trung ương…

        Không thể lẩn tránh thách thức

PGS-TS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TPHCM đã nêu bật một loạt những vấn đề tiêu cực của văn hóa trong nước hiện nay, trong đó có việc thiếu hụt nghiêm trọng một hệ giá trị, chuẩn mực đạo đức. Tình trạng tham nhũng, hối lộ, mua quan bán chức kể cả trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan y tế, giáo dục, khoa học đang diễn ra phức tạp. Trong xã hội, tệ nạn trộm cướp, giết người… gia tăng, đời sống tinh thần cũng bị biến đổi, niềm tin vào những thế lực siêu nhiên trở nên thường tình… PGS-TS Phan Xuân Biên nhấn mạnh: “Nếu so sánh với yêu cầu nhiệm vụ của Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về văn hóa thì nên đánh giá thực trạng trên đây như thế nào? Chính đó là một thách thức lớn, không thể lẩn tránh!”.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trao đổi cùng PGS-TS Phan Xuân Biên bên lề hội thảo.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trao đổi cùng PGS-TS Phan Xuân Biên bên lề hội thảo.

Các đại biểu còn nêu ra nhiều vấn đề khác như việc môi trường văn hóa từ gia đình, trường học đến xã hội đang ngày càng xuống cấp. Văn học, nghệ thuật tuy có nhiều tác phẩm, song quá ít các tác phẩm có giá trị sâu sắc về nghệ thuật mà chủ yếu chỉ tập trung vào tính giải trí, sính ngoại, bắt chước hoặc chăm chăm khai thác những mặt tiêu cực của cuộc sống… Giáo dục đào tạo chỉ chú trọng cung cấp kiến thức mà không chú ý đến giáo dục nhân cách. Hệ thống thiết chế văn hóa đều xuống cấp do chưa được quan tâm đúng mức, nhất là ở hệ thống nhà hát, các lĩnh vực nghệ thuật dân tộc, nghệ thuật hàn lâm.

Có một thực trạng gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển văn hóa ở nước ta hiện nay là tình trạng nở rộ các kênh thông tin trực tuyến, từ các báo mạng đến các trang mạng xã hội. Các kênh thông tin này cung cấp nội dung hết sức đa dạng và phức tạp, trong đó không ít các thông tin phản văn hóa, lai căng, phản cảm… gây ảnh hưởng xấu đến xã hội nhưng cho đến nay vẫn chưa có giải pháp để quản lý hữu hiệu.

        Yếu tố con người

GS-TS Phùng Hữu Phú cho rằng, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng nêu trên là do ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa. Sự đa dạng về văn hóa mang đến lợi ích không thể phủ nhận đối với việc hưởng thụ của người dân. Thế nhưng, ở góc độ khác, việc trộn lẫn các nền văn hóa cũng góp phần làm xói mòn bản sắc và sức sáng tạo của văn hóa dân tộc. Các đại biểu đã đưa ra ví dụ về ảnh hưởng của phim ảnh, âm nhạc Hàn Quốc đến giới trẻ Việt Nam, làm thay đổi các quan niệm về thẩm mỹ, tình cảm gia đình, xã hội… gây nên những xung đột về văn hóa giữa các thế hệ hay thậm chí là ngay trong cùng thế hệ.

Một nguyên nhân khác nữa chính là việc đánh giá thấp vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của một đất nước, từ đó sự quan tâm, đầu tư cho văn hóa cũng bị giảm nhẹ. Trước đó, ba trụ cột quan trọng của việc phát triển bền vững được quy định gồm: kinh tế - xã hội - môi trường. Thế nhưng, thực tế sau đó đã chứng minh văn hóa có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của xã hội không kém gì ba trụ cột kia, thậm chí văn hóa còn ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia. Thiếu đi tính văn hóa, guồng máy xã hội sẽ hoạt động kém hiệu quả do có quá nhiều vi phạm và sẽ phải tốn kém tài nguyên để xử lý các lỗi lầm đó.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khác là việc nhìn nhận văn hóa như là một lực lượng sản xuất, từ đó thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Ở nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… văn hóa đã mang lại những lợi ích trực tiếp cho nền kinh tế. Chiến lược “Cool Korea” đã góp phần không nhỏ, mở đường đưa hàng hóa Hàn Quốc vào các nước. Cũng từ đó, như một mối quan hệ cộng sinh, hệ thống kinh tế cũng sẽ quay ngược lại hỗ trợ việc bảo tồn, phát triển văn hóa của dân tộc. Ở nước ta hiện nay, nhận thức về mối quan hệ kinh tế - văn hóa vẫn còn chưa rõ ràng, triển khai trong thực tế lại càng lúng túng.

PGS-TS Phạm Duy Đức, Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển, Học viện Chính trị - hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh nêu cụ thể mô hình con người mới sẽ là: “con người công dân, khoa học và nhân văn”. Công dân là để chỉ sự thượng tôn pháp luật, khoa học là khả năng nắm vững và làm chủ tri thức hiện đại, nhân văn là việc đề cao các giá trị, phẩm chất tốt đẹp…

Ngoài ra, nhiều nhiệm vụ cụ thể khác cũng đã được nêu lên như xây dựng môi trường văn hóa cộng đồng lành mạnh; phát triển mạnh giáo dục và đào tạo khoa học công nghệ; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc…

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải: Xây dựng TPHCM tiêu biểu về tính nhân văn

Qua tổng kết thực tiễn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII trên địa bàn TPHCM, chúng tôi đã kiến nghị với Trung ương ban hành nghị quyết mới về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam, trong đó chú trọng hơn nội hàm tính nhân văn trong xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc, để làm tư tưởng chỉ đạo xây dựng đất nước trong giai đoạn mới… Theo tinh thần này, Thành ủy chủ trương xây dựng TPHCM không chỉ văn minh, hiện đại mà còn tiêu biểu về nhân văn. Chúng tôi hy vọng và mong muốn tiếp thu từ các nhà khoa học những luận giải thấu đáo, sáng tỏ về giá trị nhân văn của con người, của dân tộc Việt Nam kết tinh trong văn hóa dân tộc thời kỳ phát triển chiến lược mới.

Một vấn đề nữa là trên địa bàn TPHCM đang diễn ra sự chuyển dịch các giá trị và chuẩn mực. Nhiều giá trị có nguy cơ mai một trước những thách thức và yêu cầu mới. Trong khi đó, những giá trị mới, chuẩn mực mới chưa hình thành… Do vậy, để phát triển, không thể không nghiên cứu thật kỹ, thật sát các đặc điểm, đặc trưng của thời kỳ chuyển tiếp từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại…

Cuối cùng là mối quan hệ dân tộc - quốc tế… TPHCM luôn được tạo điều kiện để nhân dân chủ động hội nhập, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa nhân văn, khoa học, tiến bộ của các nước… nhưng thành phố cũng gặp không ít những hạn chế trong việc tiếp thu có chọn lọc, nhất là công tác quản lý văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa… Hy vọng hội thảo sẽ góp phần giúp tìm được cơ sở lý luận và thực tiễn khoa học để giải quyết tốt mối quan hệ dân tộc - quốc tế trong phát triển văn hóa.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục