Anh T. quý mến!
Có lần Hà Nội tổ chức Hội hoa xuân, và xảy ra chuyện không vui là nhiều người thiếu ý thức đã hái hoa, vặt lá, cuối hội còn có cả việc cướp hoa. Lần đó, anh gọi điện hỏi: - Có đúng Hà Nội như thế không? Khi tôi trả lời là đúng, nghe anh thở dài trong máy, rồi nói: - Sao mà buồn quá vậy!
Cũng như anh, nhiều người buồn phiền vì hình như nét thanh lịch, hào hoa của người Hà Nội đất kinh kỳ đã phôi phai nhiều. Cảnh gây gổ trên đường, thanh niên mới lớn tông xe vào cảnh sát, rồi chuyện trên xe buýt người cao tuổi phải đứng còn các cô cậu nam thanh nữ tú thản nhiên ngồi ghế, không chịu nhường bậc cao niên... không hiếm. Đó là nỗi buồn phiền, với anh và tôi còn là sự đau lòng.
Nhưng thưa anh, trong những ngày Hà Nội mừng thủ đô 1.000 năm tuổi, tình hình đã khác rất nhiều. Suốt mấy ngày qua, các khu trung tâm thành phố luôn đông kín người. Đúng là cảnh “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, nhưng không có chuyện chen lấn, gây gổ to tiếng. Đi trong đường phố đông đúc quả không dễ chịu gì, nhưng ai cũng có ý thức nhường nhịn nhau, thật vui là ngay cả khi va quệt người ta cũng mỉm cười với nhau. Mọi sự vì đại lễ và cũng do đại lễ mà có được.
Thưa anh, trước sự bộn bề của Hà Nội nhiều năm dồn lại, người ta khó có thể hình dung được bộ mặt đô thị lại phong quang và sáng đẹp như những ngày này. Tại nhiều trục phố chính, chằng chịt những dây điện như mạng nhện đã được hạ ngầm. Nhất là trên các bức tường, những kiểu quảng cáo bẩn, viết vẽ thiếu ý thức đã không còn nữa. Phố phường đã khoác áo mới. Cái đẹp tưởng như hình thức nhưng sẽ góp phần tạo ra ý thức cho mỗi con người. Đó quả là điều rất đáng mừng, đáng quý.
Nhưng cũng như anh, tôi hiểu để hình thành nếp văn hóa đô thị bền vững không phải chuyện của ngày một ngày hai, không phải chỉ là hạ dây điện ngầm hoặc quét sơn lại mặt phố, mà đó là một quá trình vun đắp văn hóa trong từng con người đòi hỏi lâu dài và bền bỉ, nối tiếp nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trong dịp đại lễ, phố xá đẹp lên, người ta thân ái với nhau hơn cũng là điều hiểu được. Tuy nhiên, điều tôi muốn thưa cùng anh ở đây là chính nhờ đại lễ mà Hà Nội không chỉ có thêm nhiều công trình xây dựng mới to lớn hoành tráng; mà “một công trình phi vật thể” là cung cách sống thanh lịch của con người đất Tràng An đã được khơi gợi và tuôn chảy. Một tổ hợp kiến trúc dẫu to đến mấy, tốn kém đến mấy vẫn dựng lên được trong một thời gian nhất định. Nhưng ý thức, văn hóa trong từng con người và cả cộng đồng thì dẫu tốn bao tiền của, bao nhiêu thời gian vẫn không tạo dựng được nếu nó bị coi là chuyện nhỏ. Vì thế, với tôi, đây là điều mừng lớn. Điều mừng đó có từ đại lễ, nhưng chắc chắn sẽ được tiếp tục phát huy sau đại lễ và rất lâu dài. Thành tựu của đại lễ không chỉ là các công trình, các buổi biểu diễn nghệ thuật lớn... mà sâu xa hơn là tạo ra niềm tự hào và ý thức trách nhiệm trong mỗi con người.
Anh có đồng ý?
HÀ TRỌNG NGHĨA