Mô hình quản lý theo cơ chế “một cửa tại chỗ” tại các Khu chế xuất (KCX), Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) từng được xem là bước cải tiến lớn trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, qua nhiều lần sửa đổi nghị định, cửa thủ tục dường như có thêm khá nhiều... khóa, gây không ít phiền toái cho nhà đầu tư.
Mất dần vai trò một cửa
Để có cơ sở, hành lang pháp lý cho hoạt động của các KCX-KCN, KKT Chính phủ đã ban hành Nghị định 29/2008/NĐ-CP và NĐ 164/2013/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 29. Bước đầu các quy định này áp dụng khá suôn sẻ, song qua 8 năm triển khai, dù được sửa đổi nhưng vẫn bộc lộ nhiều rối rắm. Theo Ban Quản lý KCX-KCN TPHCM (HEPZA), việc thực hiện mô hình quản lý theo cơ chế “một cửa tại chỗ” được áp dụng đầu tiên trên địa bàn TPHCM, đã phát huy tác dụng trong cải cách hành chính, thu hút đầu tư. Tuy nhiên, đến nay vẫn là một mô hình mới trong quản lý, chỉ chịu sự điều chỉnh ở cấp nghị định, chưa được thể chế hóa ở cấp luật.
Do đó, khi có sự thay đổi trong các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực như: Xây dựng, đăng ký kinh doanh, đất đai, môi trường, lao động, thanh tra, công chứng… Ban Quản lý (BQL) các KCX, KCN bị “bỏ quên” và mất dần vai trò, khiến cơ chế một cửa, tại chỗ không được vận hành theo đúng nghĩa. Đơn cử, trong khâu thẩm định thiết kế cơ sở nhóm B, C đối với công trình dự án đầu tư xây dựng, thay vì chỉ cần nộp một cửa tại chỗ ở HEPZA, thì chủ đầu tư phải đi vòng qua Sở Xây dựng TP để chờ thẩm định. “Nếu theo thời hạn xử lý hồ sơ ở BQL, từ việc lập, thẩm định, cấp phép xây dựng công trình… hiện đã rút từ 40 ngày xuống còn khoảng 18 ngày. Nhưng do hồ sơ phải chuyển qua chờ phía Sở Xây dựng TP thẩm định thiết kế cơ sở, sau đó mới chuyển ngược lại nên rất khó xác định mất bao lâu…”, Trưởng phòng Quản lý Xây dựng HEPZA Lê Thị Lan Chi cho biết. Theo bà Chi, do vướng mắc này nên mới đây Sở Xây dựng TP đã có văn bản xin ý kiến UBND TP ủy quyền trực tiếp cho HEPZA, nhưng chưa có phản hồi. Tương tự, ở khâu khác như thẩm định thiết kế xây dựng… HEPZA cũng chỉ có thể thực hiện khi được Sở Xây dựng ủy quyền. Chính sự chồng chéo này khiến thời gian thủ tục kéo dài, gây phiền hà và làm mất cơ hội cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào các KCN.
Công trình xây dựng dự án đầu tư mất nhiều thời gian do cơ chế một cửa KCN - KCX chưa thực hiện đúng nghĩa. Ảnh: THÀNH TRÍ
Đại diện BQL các KCN Bình Thuận cũng phân tích: “Theo quy định hiện nay, bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào, kể cả cơ quan chuyên môn, từ Trung ương đến địa phương đều có thể ủy quyền cho BQL các KCN thực hiện nhiệm vụ có liên quan. Đặc biệt, không cần phân cấp (cấp trên, ngang cấp hay cấp dưới) đều có thể ủy quyền, như UBND huyện ủy quyền cho BQL... Việc này tạo sự chồng chéo trong thực hiện công tác quản lý nhà nước, làm cho BQL các KCN gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ”. Chưa kể, ở lĩnh vực kiểm tra, thanh tra do quy định không thống nhất, dẫn đến nhiệm vụ kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền của BQL các KCN chủ yếu chỉ nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện và phải phối hợp với các sở ngành có chức năng thanh tra chuyên ngành để xử lý. Mặt khác, sự phối hợp xử lý các vi phạm giữa các đơn vị chức năng có lúc chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, còn nhiều phiền hà, lúng túng.
Sớm có Luật Quản lý KCN
Theo BQL các KCN, KKT, việc Nghị định 164 duy trì cơ chế ủy quyền từ các sở, ngành hoặc UBND cấp huyện mà không giao trực tiếp cho UBND cấp tỉnh ủy quyền cho BQL tiếp tục gây bất cập trong thực tế, vì các địa phương sẽ thực hiện không thống nhất. Qua đó, không giải quyết được vấn đề chồng chéo trong quản lý, cũng như trách nhiệm chính về các KCN, KKT dẫn đến tình trạng quản lý lỏng lẻo, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, để giải quyết các vướng mắc, chồng chéo liên quan đến KCN, KKT cần nghiên cứu sớm ban hành Luật KCN, KKT tạo khung pháp lý cao nhất, phù hợp với đóng góp của hệ thống. Mặt khác, cần duy trì Phòng Thanh tra đối với các BQL được xếp hạng 1 và bổ sung chức năng thanh tra cho BQL các KCN, KKT nhằm tạo điều kiện chủ động trong việc xử lý các vi phạm của doanh nghiệp trong KCN, KKT.
Theo Phó trưởng BQL các KCN Vĩnh Long Đặng Quang Tấn, các bộ ngành và cơ quan chức năng cần xem xét giao trực tiếp các nhiệm vụ quản lý nhà nước cho BQL trong các KCN tạo điều kiện thuận lợi, cấp thiết cho công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới hiện nay. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần xem xét đến việc giao nhiệm vụ quản lý nhà nước gắn liền với nhiệm vụ xử lý vi phạm cụ thể trong các KCN. Đồng quan điểm này, Phó trưởng HEPZA Nguyễn Bạch Hoàng Phụng cho rằng, để thực hiện hiệu lực và hiệu quả vai trò của BQL, các bộ ngành cần nhanh chóng trong việc triển khai hướng dẫn, phân quyền, ủy quyền cho các BQL theo quy định. Trước mắt, Nghị định sửa đổi, bổ sung cần nhấn mạnh cơ chế quản lý “một cửa tại chỗ” của BQL để đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm thiểu phiền hà cho nhà đầu tư, giải quyết nhanh chóng những vấn đề phát sinh tại các KCX-KCN trong việc tạo ra sức hút mạnh mẽ cho nguồn đầu tư vào các nơi này. Việc phân quyền hoặc ủy quyền cho các BQL phải rõ ràng và có lộ trình cụ thể, tránh quy định chung chung sẽ khó triển khai trong thực tế. Về lâu dài, cần sớm kiến nghị Quốc hội đưa Luật Quản lý KCN, KKT vào lộ trình xây dựng pháp luật.
LẠC PHONG